Washington DC nằm trong số những thành phố nhiều chuột nhất thế giới. Ảnh: Audacy
Jonathan Richardson, giáo sư sinh vật học ở Đại học Richmond, quyết định nghiên cứu xu hướng của chuột sống trong đô thị sau khi nghe báo đài đưa tin chuột xâm chiếm các thành phố. Những xu hướng này thường tập trung vào một địa điểm và không có dữ liệu thuyết phục. Ông và cộng sự quyết định thu thập số liệu về chuột từ 200 thành phố lớn nhất nước Mỹ xếp theo dân số và nhận thấy chỉ có 13 thành phố có dữ liệu dài hạn mà họ cần. Để mở rộng phạm vi địa lý, nhóm nghiên cứu quyết định bao gồm thêm 3 thành phố quốc tế là Toronto, Tokyo và Amsterdam.
Dữ liệu thu thập trong thời gian trung bình 12 năm và bao gồm các cuộc đụng độ, đặt bẫy và kiểm tra. Kết quả hé lộ số lượng chuột tăng đáng kể ở 11 trong 16 thành phố, theo nghiên cứu công bố hôm 31/1 trên tạp chí Science Advances. Washington DC, San Francisco, Toronto, New York và Amsterdam trải qua sự tăng trưởng lớn nhất, chỉ 3 thành phố ghi nhận số lượng chuột sụt giảm là New Orleans, Louisville và Tokyo.
Nghiên cứu liên hệ số lượng chuột gia tăng với vài yếu tố, bao gồm mật độ dân số cao và ít cây cối trong đô thị, nhưng nguyên nhân chủ yếu là nhiệt độ trung bình ấm hơn. Chuột là loài động vật có vú nhỏ bị hạn chế bởi thời tiết lạnh, theo Richardson. Nhiệt độ ấm áp hơn, đặc biệt vào mùa đông, tạo điều kiện cho chúng ra ngoài kiếm ăn lâu hơn và sinh sản quanh năm.
Khí hậu ấm hơn cũng kéo dài mùa phát triển, cung cấp cho chuột nhiều thức ăn và cây cối để lẩn trốn, theo Michael Parsons, nhà sinh thái học đô thị kiêm chuyên gia về chuột hoang dã. "Ngay cả mùi thức ăn và rác thải cũng bay xa hơn trong thời tiết ấm", ông nói.
Số lượng chuột bùng nổ là vấn đề lớn đối với các thành phố. Chuột phá hủy cơ sở hạ tầng, gây ô nhiễm thức ăn và có thể gây hỏa hoạn khi gặm đường dây điện. Chúng gây thiệt hại ước tính 27 tỷ USD mỗi năm ở Mỹ. Chúng cũng là mối đe dọa đối với sức khỏe. Chuột gắn liền với hơn 50 mầm bệnh có thể ảnh hưởng tới con người, lây lan qua nước tiểu, phân, nước bọt, vật chất và ký sinh trùng, theo Matt Frye, chuyên gia về vật gây hại ở Đại học Cornell. Một số mầm bệnh có thể rất nghiêm trọng như bệnh xoắn khuẩn vàng da hay còn gọi là bệnh Weil có thể gây tổn thương thận và gan, thậm chí tử vong nếu không chữa trị. Có bằng chứng cho thấy chuột cũng tác động to lớn tới sức khỏe tâm thần với người dân xung quanh.
Trong số những thành phố nhiều chuột nhất, Washington DC rất nổi bật với số lượng chuột nhiều gấp 1,5 lần so với New York. Dấu hiệu dễ thấy tại đây là thùng rác nhựa cứng bị chuột cắn xuyên qua. Năm ngoái là năm nóng nhất trong lịch sử ở Washington DC. Gerard Brown, người phụ trách chương trình kiểm soát chuột của thành phố, hy vọng thời tiết lạnh trong tháng 12 và tháng 1 sẽ giúp hạn chế số lượng chuột.
Phát hiện từ nghiên cứu dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về thách thức mà chuột có thể đặt ra trong thế giới ấm hơn. "Nếu không xử lý, tình hình sẽ tồi tệ hơn. Không ai trên thế giới nghĩ rằng chúng ta có thể thoát khỏi chuột hoàn toàn, nhưng chúng ta có thể giảm số lượng của chúng tới mức dễ kiểm soát", Richardson nhấn mạnh.
An Khang (Theo CNN)