VNE-Cat-2666-1714993874.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=p2TWPkGSLIOETiNQRPnPVw

Mèo hoang đang phát triển mạnh ở Australia. Ảnh: Pet Smart

Tiến sĩ Katherine Moseby, nhà khoa học và đồng sáng lập Arid Recovery, khu bảo tồn động vật hoang dã phi lợi nhuận ở Nam Australia, cho biết mèo hoang không phải động vật bản xứ tại nước này nhưng chúng xâm chiếm gần như mọi ngóc ngách. Theo bà, chúng chuyên ăn những động vật có vú nhỏ đang bị đe dọa ở Arid Recovery. Ngay cả khi lắp hàng rào, việc ngăn chặn mèo vẫn đòi hỏi giám sát thường xuyên. Trong vài đêm, một thợ bắn tỉa lái xe địa hình và sử dụng đèn pha khắp khu bảo tồn để tiêu diệt mèo hoang, theo Australia Geographic.

Với bản năng săn mồi, mèo hoang trở thành mối đe dọa đặc biệt ở Australia, nơi không có loài bản xứ họ mèo nào nhưng lại là quê hương của động vật có vú nhỏ sinh sản chậm. John Read, nhà sinh thái học ở Đại học Adelaide và là chồng của Moseby, mô tả mèo hoang là một thảm họa.

Từ khi những người định cư châu Âu đưa mèo tới Australia vào cuối thế kỷ 18, ít nhất 34 loài động vật có vú bản xứ đã tuyệt chủng. Đó là tốc độ tuyệt chủng động vật có vú tồi tệ nhất trong thế giới hiện đại và mèo đóng góp phần lớn, theo Sarah Legge, nhà sinh thái học động vật hoang dã ở Đại học Charles Darwin và Đại học Quốc gia Australia. Hệ động vật ở đây không tiến hóa để đối phó với mèo. Chính phủ Australia phân loại mèo hoang là động vật gây hại cấp quốc gia và nhiều lần tuyên chiến với chúng.

Trong nhiều thập kỷ. Moseby và Read nỗ lực phát triển công cụ mới để giảm số lượng mèo hoang. Họ cũng biết bảo vệ động vật bản xứ đòi hỏi nhiều biện pháp hơn kiểm soát mèo. Khu bảo tồn Arid Recovery được bao bọc bởi hàng rào thiết kế đặc biệt để ngăn chặn mèo hoang cũng như cáo và thỏ, hai loài xâm hại đến từ châu Âu khác cũng đang phá hủy hệ sinh thái Australia. Các nhà sáng lập của Arid Recovery từng sử dụng bẫy, mồi nhử tẩm độc và thợ bắn tỉa để giữ số lượng mèo hoang ở mức thấp nhưng không ăn thua. Số lượng chuột đất và chuột cống túi chết do mèo hoang vẫn rất nhiều.

Vì vậy, họ bắt đầu nghiên cứu giải pháp mới, sử dụng những gì đã biết về hành vi của mèo hoang. Năm 2016, Moseby và Read cùng hai đồng nghiệp tham gia nhóm nghiên cứu phát triển thiết bị cấy ghép nhỏ chứa thuốc độc, có thể tiêm dưới da động vật bị đe dọa. Vỏ ngoài của thiết bị cấy ghép sẽ phân hủy, giải phóng thuốc độc chí mạng vào dạ dày của mèo hoang săn mồi.

Ngoài ra, Read cũng đi đầu trong nỗ lực thiết kế bẫy mèo tốt hơn. Read tạo ra Felixer, một cỗ máy tự động hoạt động bằng năng lượng mặt trời phun gel độc vào mèo đi ngang qua. Cỗ máy trang bị cảm biến quang trắc, camera và thuật toán giúp phân biệt mèo hoang với động vật khác. Trong 6 tuần thử nghiệm thực địa, 20 cỗ máy Felixer đã tiêu diệt ước tính 33 con mèo. Hơn 200 thiết bị tương tự đang được triển khai trên khắp Australia.

Tuy nhiên, Arian Wallach, nhà sinh vật học bảo tồn ở Đại học Công nghệ Queensland, cho rằng các chuyên gia nên chấp nhận mèo hoang như một phần trong môi trường ở Australia và đưa ra giải pháp sáng tạo khác để bảo vệ động vật nguy cấp.

An Khang (Theo Australia Geographic)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022