Nhân dịp tờ báo tròn 15 tuổi, chúng tôi xin điểm lại những câu chuyện tiêu biểu trong suốt hành trình liên tục dài hơn một thập kỷ này.

Bắt đầu từ một cuộc thi trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin, trao giải lần đầu tiên năm 2005, Giải thưởng NTĐV dần mở rộng sang các lĩnh vực Khoa học Công nghệ, Y Dược, Môi trường và giải thưởng Tự học thành tài.

Trải qua các năm, NTĐV gắn với những câu chuyện vinh danh các nhà khoa học lớn của đất nước, là bệ phóng nâng đỡ những trí tuệ trẻ, tri thức Việt. Nhân tài Đất Việt tự hào góp phần không nhỏ thúc đẩy tiến bộ xã hội, hướng tới những giá trị tốt đẹp.

1.Hai nhà Vật lý hạt nhân hàng đầu Việt Nam - Một người mất đi đôi bàn tay vì khoa học

ban-20-to-20-chuc-1594661990481.jpg

Từ trái sang phải: GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, GS Nguyễn Văn Đỗ, nhà báo Phạm Huy Hoàn, GS Trần Đức Thiệp.

GS Trần Đức Thiệp và GS Nguyễn Văn Đỗ là hai nhà khoa học đã tham dự giải thưởng NTĐV 2011 với công trình “Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và các phản ứng hạt nhân”.

Vào thời gian cuối năm 70, đầu những năm 80, đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, ngành Vật lý hạt nhân bị quên lãng không được đầu tư, không có công trình, đề tài cấp nhà nước cho lĩnh vực hạt nhân. Duy có GS Nguyễn Văn Đỗ học tại trường ĐH Tổng hợp Budapest, Hungary và GS Trần Đức Thiệp học ở trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Sophia Bulgaria chuyên về ngành Vật lý hạt nhân. Cả hai ông đều tốt nghiệp xuất sắc và được GS Nguyễn Văn Hiệu mời về làm việc tại Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng hai giáo sư được may mắn nghiên cứu trên máy gia tốc của Nga tặng GS Nguyễn Văn Hiệu năm 1982 (trước đó nước bạn đã sử dụng máy này được 10 năm). Đam mê nghiên cứu khoa học đã ngấm vào máu thịt của hai vị giáo sư. Bởi làm việc trong ngành Vật lý hạt nhân rất vất vả và thiếu thốn về thiết bị. Làm khoa học đôi khi quên mình và thậm chí hy sinh cả tính mạng cũng chỉ vì lòng đam mê. Cách đây 20 năm, Viện khoa học Vật lý cùng gia đình những tưởng đã phải chia tay với GS Trần Đức Thiệp khi ông đang thử nghiệm nghiên cứu bị chiếu xạ vì máy gia tốc trục trặc. GS Thiệp đã bị thương rất nặng, mất hẳn bàn tay phải và bàn tay trái cũng không còn nguyên vẹn. Rất may, Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc tế có cam kết là đảm bảo sức khỏe cho người nghiên cứu về lĩnh vực này nên Chính phủ Pháp nhận GS Thiệp sang chữa bệnh.

2. Câu chuyện phẫu thuật “Dr Lương” chinh phục thế giới

bsluong-1568123772078-1594662186722.jpg

PGS Lương thực hành phẫu thuật nội soi tuyến giáp hướng dẫn học viên nước ngoài.

Công trình khoa học “Phẫu thuật nội soi tuyến giáp” của PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc bệnh viện Bệnh viện nội tiết trung ương cũng là công trình đạt giải NTĐV trong lĩnh vực Y - Dược năm 2014.

Nhắc đến phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp của PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, bạn bè quốc tế đã đặt biệt danh phẫu thuật “Dr Lương”, “phẫu thuật tuyến giáp kiểu Việt Nam”. Mày mò tìm đọc tài liệu, TS Lương đã mạnh dạn áp dụng phương pháp nội soi tuyến giáp. Dù trước đó, bản thân ông chưa từng được đi đào tạo về kỹ thuật này, nhưng với những kinh nghiệm có được trong phẫu thuật nội soi ổ bụng, cộng với sự sáng tạo, đam mê nghề, mang đến giải thoát cho người bệnh, TS Lương đã áp dụng thành công kỹ thuật nội soi này từ năm 2003.

Phương pháp nội soi tuyến giáp với những sáng tạo tuyệt vời đã giúp giảm tối đa chi phí, vật dụng, vật tư, hiệu quả cao, giảm nguy cơ, không để lại sẹo của PGS Lương nổi tiếng đến mức, khi bệnh nhân người Việt sang Singapore để mổ tuyến giáp, bác sĩ tại đây tư vấn nên về Việt Nam gặp “Dr Lương” vì chính ông dạy họ phưng pháp đó. Hàng trăm giáo sư, bác sĩ đến từ các nước tiên tiến nhất như Úc, Singapore, Ấn Độ, Malysia, kể cả Bồ Đào Nha... cũng sang Bệnh viện Nội tiết học về kỹ thuật này.

3.Việt Nam - Tương lai của phẫu thuật nhi thế giới

211570637445925-1594662292168.jpg

GS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ niềm vui với gia đình bệnh nhân.

Đề tài “Cụm công trình nghiên cứu phẫu thuật nội soi trẻ em” của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi Trung ương đều là những kỹ thuật nội soi tiên tiến, trong đó có nhiều kỹ thuật là hoàn toàn mới không chỉ ở Việt Nam mà được cả thế giới công nhận đã nhận giải Thành tựu trọn đời trong lĩnh vực Y Dược NTĐV 2012.

Từ khi chính thức bước vào lĩnh vực phẫu thuật nhi từ năm 1979, BS Nguyễn Thanh Liêm - khi đó còn là một bác sĩ nội trú trẻ đã luôn trăn trở, làm sao để cải tiến những kỹ thuật mổ để các bệnh nhi nhỏ bé nhanh lành bệnh, đỡ chịu những đau đớn. Với kỹ thuật nội soi bệnh phình đại tràng bẩm sinh, GS Liêm đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên trong khu vực tiến hành phẫu thuật nội soi ở trẻ em vào năm 1997 (Singapore tiến hành từ năm 1999).

Đến năm 2000, GS Liêm đã thành công mổ nội soi ở trẻ lớn và bắt đầu thực hiện dần ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh sau 2 - 3 ngày sinh. Tiếp đến, ông còn thành công hơn một bước khi thực hiện phẫu thuật này trên bệnh nhi đang thở máy cao tần. Thế giới phải rất kinh ngạc trước thành công này của Việt Nam. Tiếng tăm của nội soi Việt Nam đã vang xa trên toàn thế giới. Viện Nhi Trung ương trở thành một trong các trung tâm phẫu thuật nội soi trẻ em tiên tiến nhất trên thế giới được đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. Trở thành một trung tâm đào tạo phẫu thuật nội soi trẻ em không chỉ cho Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới gồm Thái Lan, Phillipine, Malaysia, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Italia. Có thể nói, GS Liêm đã góp phần đưa tiếng tăm của nội soi Việt Nam trên toàn thế giới và BV Nhi TƯ trở thành một trung tâm điều trị nội soi không chỉ cho bác sĩ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới.

4. Nhận Giải Nhất NTĐV 2013, tiếp tục được vinh danh tại Mỹ sau chưa đầy 12 tiếng

ntdv-20111326118-b-1594662425193.jpg

Chưa đầy 12 tiếng sau thời điểm diễn ra Lễ trao giải NTĐV 2013, nhóm đoạt giải Nhất Centech báo tin Công ty đã được vinh danh trong danh sách Top 100 doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu toàn cầu 2013 do tạp chí CNTT Red Herring của Mỹ bình chọn.

Red Herring - Tạp chí uy tín hàng đầu về lĩnh vực công nghệ của Mỹ.

Vào chiều ngày 20/11, tại Los Angeles, Hoa Kỳ (theo giờ địa phương), Công ty Cổ phần Truyền thông Centech (Việt Nam) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ đã được vinh danh trong danh sách Top 100 doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu của toàn cầu 2013 do tạp chí này bình chọn, với mô hình dịch vụ "Hệ sinh thái di động - mobile ecosystem". Vượt qua nhiều ứng viên nặng ký tại Châu Á, Centech đã được vinh danh Top 100 doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu châu Á 2013 và đi tiếp vào vòng chung khảo với danh sách xét duyệt Top 100 doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu toàn cầu 2013.

Câu chuyện này luôn được ghi nhớ để chứng minh tầm nhìn của Ban giám khảo Giải thưởng NTĐV. Thực tế cho thấy hầu hết các sản phẩm được NTĐV tôn vinh đều rất thành công về sau.

5. Người “quẳng đi" đau đớn cho hàng nghìn bệnh nhân

pgsthach-41571037167785-1594662478013.png

PGS. TS Nguyễn Văn Thạch

Đề tài Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật cao trong phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đêm cột sống do Thầy thuốc nhân dân, PGS. TS Nguyễn Văn Thạch, Viện trưởng viện Chấn thương chỉnh hình, khoa Phẫu thuật cột sống Bệnh viện hữu nghị Việt Đức làm chủ đã giành Giải Nhất NTĐV trong lĩnh vực Y dược năm 2015.

Nói đến đau do thoát vị đĩa đệm cột sống, nhiều người không biết diễn tả thế nào, bởi đau… muốn “chết đi sống lại". Thế nhưng cái đau kinh khủng ấy đã được giải quyết hiệu quả sau khoảng 2-3 tiếng phẫu thuật bằng những ứng dụng các kỹ thuật cao của TS Thạch.

Là người tiên phong đi học phẫu thuật cột sống ở nước ngoài, tổ chức các lớp học trong nước do chuyên gia nước ngoài trực tiếp “cầm tay chỉ việc" ngay trên bệnh nhân. Nhờ thế, Việt Nam là một trong các quốc gia trong khu vực áp dụng sớm nhất các kỹ thuật mổ cột sống, thoát vị đĩa đệm tiên tiến và có thêm nhiều sự sáng tạo giúp phương pháp đạt hiệu quả cao hơn.

“Chuyển giao kỹ thuật xuống tuyến dưới là điều tôi phấn khởi nhất. Bởi không chỉ một mình tôi có thể thực hiện được kỹ thuật này, nhiều đồng nghiệp khác có thể thực hiện. Như thế số bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này sẽ là cấp số nhân", TS Thạch nói.

6. Nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ trong đóng tàu quân sự

vinhdanhcongtrinhnghiencuuungdungvalamchucongnghedongtauquansu-12418-1594662523238.jpg

Đại Tá Nguyễn Mạnh Lân bên cặp tàu M thứ 3 đang đóng mới

Công trình: “Nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ trong đóng tàu quân sự 12418” của nhóm tác giả: Đại tá, kỹ sư Nguyễn Mạnh Lân - Phó TGĐ Công ty Ba Son, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Đại tá, Kỹ sư Cao Mạnh Vân, Phó TGĐ tổng Cty Ba Son, Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng và các cộng sự đã được vinh danh với giải thưởng NTĐV năm 2015 trong lĩnh vực KHCN.

Sau những ngày dài miệt mài làm việc, tiếp nhận các công nghệ từ Liên Bang Nga, nhóm tác giả đã làm chỉ thiết kế, công nghệ và quá trình đóng mới tàu M tại Ba Son. Đồng thời, nhóm đã đào tạo ra được một lứa thợ tay nghề cao, phục vụ cho việc đóng mới tàu M. Đặc biệt, nhóm tác giả đã sáng tạo đề xuất sử dụng các trang thiết bị, phương tiện hiện có để chế tạo các trang thiết bị hiện đại, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật củ sản phẩm nhưng lại đa dụng có thể dùng cho các sản phẩm khác đảm bảo chất lượng, tiến độ, thẩm mỹ và tiết kiệm chi phí.

Minh chứng rõ ràng nhất có thể thấy đó là 4 chiếc tàu tên lửa theo thiết kế 12418 (ký hiệu - tàu M) đã được bàn giao cho Hải Quân Việt Nam. Đây là những loại tàu chiến cao tốc hiện đại, có nhiều đặc tính ưu việt, lần đầu tiên được đóng mới tại Việt Nam.

Trên tàu được trang bị các vũ khí, khí tài chủ yếu gồm: Tổ hợp tên lửa YHAH-Ý; Pháo đối không, đối hải AK-176M; Pháo tự động AK-630M; Tên lửa phòng không vác vai, Tổ hợp Ra đa cảnh giới; Tổ hợp ra đa điều khiển tên lửa...

7. PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn - người “kế tục" ngành tim mạch can thiệp

imgl-2089-1594662621523.jpg

Từ trái sang phải: GS Nguyễn Văn Thạch, GS Nguyễn Đức Khương, PGS Nguyễn Quang Tuấn và nhà báo Phạm Huy Hoàn tại gian triển lãm Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng, Paris, Pháp.

Giải thưởng NTĐV năm 2010, năm đầu tiên có lĩnh vực Y dược, Ban tổ chức đã chọn đề tài “Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông" của hai tác giả PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn và PGS.TS Phạm Mạnh Hùng để trao giải Nhất.

Là một trong những bác sĩ đầu ngành trong can thiệp tim mạch, PGS. TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Viện tim Hà Nội tự hào vì bệnh nhân người Việt rất ít khi ra nước ngoài thực hiện can thiệp tim mạch. Không chỉ chi phí nước ngoài đắt đỏ hơn hàng chục lần, mà bởi trình độ bác sĩ Việt đến các thầy quốc tế cũng phải nể phục.

Tốt nghiệp xuất sắc tại trường Đại học Toulouse, TS Tuấn nhận được lời mời ở lại làm việc. Trái ngược với môi trường y khoa hàng đầu thế giới ấy, ở Việt Nam khi đó còn vô vàn khó khăn. Thế nhưng, cuối cùng TS Tuấn vẫn quyết định về Việt Nam, mang những kiến thức tinh hoa được đóng góp cho lĩnh vực tim mạch can thiệp đang còn khá mới mẻ trong nước. Ông cùng các đồng nghiệp đã triển khai một hệ thống trung tâm tim mạch với công nghệ hiện đại ở hàng chục tỉnh thành, giúp các bệnh nhân nghèo được tiếp cận và chữa trị bệnh tim kịp thời.

8. Giải Nhất NTĐV lọt danh sách những ứng dụng tốt nhất năm 2017 của Google

Danh sách những ứng dụng và game tốt nhất trong năm 2017 trên kho ứng dụng Google có tên ứng dụng Money Lover, đã từng đạt giải nhất Giải thưởng NTĐV năm 2014.

Money Lover là sản phẩm đã từng đạt giải nhất Giải thưởng NTĐV năm 2014 dành cho sản phẩm Công nghệ thông tin ứng dụng trên thiết bị di động. Với ứng dụng quản lý tài chính cá nhân giúp người dùng theo dõi chi tiết các khoản thu chi, lên kế hoạch chi tiêu trên smartphone và máy tính. Ứng dụng có khả năng đưa ra các báo cáo, nhắc nhở và lời khuyên để hướng tới giúp người dùng xây dựng thói quen tiêu dùng thông minh và có kế hoạch.

Được phát triển từ năm 2012 bởi một nhóm khởi nghiệp trẻ, đến nay Money Lover đang là ứng dụng hàng đầu thế giới trong mảng quản lý tài chính cá nhân. Ứng dụng đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ và nhận được sự yêu mến của người dùng đến từ nhiều quốc gia như Việt Nam, Mỹ, Italy, Nga, Thái Lan, Indonesia…

9. Những sản phẩm NTĐV có doanh thu triệu đô

Rất nhiều sản phẩm đi ra từ Giải thưởng NTĐV đã mang lại doanh thu hàng triệu đô la và có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Có thể kể tới như sản phẩm “Giải pháp học trực tuyến và thi trực tiếp của AI Việt Nam ứng dụng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo” đã đạt Giải Nhất Giải thưởng NTĐV năm 2007. Sau khi giành giải cao, AI Việt Nam liên tục gặt hái được thành công như đã ký hợp tác với hàng chục đối tác là các Bộ ngành, tập đoàn kinh tế lớn về cung cấp giải pháp đào tạo trực tuyến – khẳng định AI là đơn vị hàng đầu về giải pháp và dịch vụ đào tạo trực tuyến tại Việt Nam.

Ứng dụng dạy học ngôn ngữ cho trẻ em mang tên Monkey Junior đoạt giải Nhất tại cuộc thi Sáng kiến toàn cầu GIST Tech-I 2016. Hiện, ứng dụng đang có sẵn dưới nhiều ngôn ngữ và luôn là ứng dụng dạy ngôn ngữ được xếp hạng cao nhất trong các cửa hàng ứng dụng của Android và Googleplay.

Năm 2014, websosanh.vn chỉ lọt vào top 18 sản phẩm chung khảo của NTĐV. Thế nhưng nhờ biết tận dụng các cơ hội từ “bệ phóng” giải thưởng Nhân tài Đất Việt, sản phẩm đã đạt được những thành công rất ấn tượng. Ngay từ cuối năm 2015, Web-sosanh.vn đã nhận được sự đầu tư của Yello Shopping Media Group (một công ty thuộc tập đoàn Yello Mobile của Hàn Quốc) với số tiền hàng triệu USD.

Đây là một trong những ví dụ điển hình minh chứng rằng, giải thưởng NTĐV mang lại cơ hội rất lớn cho các sản phẩm vươn tới thành công, cho dù sản phẩm đó đạt giải cao hay chỉ dừng lại ở mức lọt vào chung khảo. Điều này cũng đã được chính các tác giả - những người đã biết tận dụng cơ hội thành công từ bệ phóng của NTĐV chia sẻ.

10. Chế tạo kính quan sát đêm tầm xa cho biển đảo

hiep-11510840782748-1594662852124.jpg

Với tính thực tiễn cao, góp phần đảm bảo Quốc phòng – An ninh, công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo kính quan sát đêm tầm xa cho biển đảo” của nhóm tác giả KS Đoàn Ngọc Hiệp, KS Nguyễn Văn Thắng đến từ Xí nghiệp 23, Nhà máy Z199, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng đã vinh dự được nhận giải Khoa học Công nghệ của giải thưởng NTĐV 2017.

Sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đặt hàng của quân đội trang bị cho Hải quân, Biên phòng. Kết quả cho thấy giải pháp này có thể áp dụng cho sản xuất loạt lớn. Đây cũng là sản phẩm tự nghiên cứu thiết kế trên cơ sở yêu cầu thực tiễn trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội. Giá trị khoa học của công trình góp phần quan trọng vào việc thiết kế và chế tạo khí tài quang – quang điện tử khác cho các lực lượng khác nhau trong Quân đội thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện tác chiến ban đêm như Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Pháo binh, Lục quân...

Công trình nghiên cứu này được các nhà khoa học đánh giá rất cao bởi hiệu quả kinh tế, đã tiết kiệm được ngoại tệ và chi phí thay vì mua thiết kế từ nước ngoài: Đối với 01 bộ tài liệu thiết kế theo tiêu chuẩn quân sự bao gồm bản vẽ sản phẩm, điều kiện kỹ thuật nghiệm thu, thuyết minh kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng, tài liệu công nghệ... tiêu tốn cỡ 250.000 USD (trên 5 tỷ đồng).

11. Startup đi lên từ NTĐV góp công trong chuyển đổi số quốc gia

nhantaidatviet-1592790242196-1594662909292.jpg

VAIS với sản phẩm Origin-STT nhận giải Nhất tại Nhân tài Đất Việt 2019.

Từ bệ phóng NTĐV, Vbee (Giải Nhì NTĐV 2018) và VAIS (Giải Nhất NTĐV 2019) đã gặt hái được những thành công rực rỡ, dần trở thành hai startup đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi ngôn ngữ, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chuyển đổi số.Tính đến nay, Vbee đã thành công tiếp cận được 20.000 người dùng cuối, và hợp tác với hơn 500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong 3 lĩnh vực chính bao gồm Tổng đài tự động, giải pháp tương tác thiết bị thông minh, nội dung số tự động. Đối với VAIS, công ty cũng đã được nhiều cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương sử dụng như Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ TT&TT, UBND TP.Hà Nội cùng hơn 50 đơn vị báo chí, truyền hình để phục vụ gỡ băng bài phát biểu tại các kỳ họp, sự kiện,...Trong tháng 6/2020, Vbee và VAIS tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) giới thiệu như 2 trong số các nền tảng số "Make in Vietnam" tiêu biểu, nhằm hỗ trợ đẩy nhanh “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

12. Startup bước ra từ NTĐV, gọi vốn thành công gần 2 triệu USD

315427375789777785351851563866676510-1594662989111.jpg

Stringee, một startup tiên phong trong lĩnh vực lập trình giao tiếp (Communication APIs) thành lập tháng 6/2017, hiện là Nền tảng Lập trình giao tiếp (Voice call/Video call/SMS/Chat APIs) lớn nhất Việt Nam với 1,5 triệu phút gọi mỗi ngày.

Stringee cung cấp các tính năng Nghe - Gọi - Chat - SMS để doanh nghiệp, lập trình viên có thể tích hợp nhanh chóng vào ứng dụng hoặc website của mình. APIs này có tính năng giống như Video call/Voice call/Chat thường thấy của Skype hay Facebook, tuy nhiên khác biệt là có thể tích hợp vào các App/Web sẵn có của doanh nghiệp mà không cần mở ra 1 App/Web thứ 3 khác.

Tháng 11/2018, Stringee bước lên bục vinh quang nhận giải Nhì tại Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018. Mặc dù là giải Nhì, nhưng do cuộc thi năm đó không có giải nhất, nên đây được xem là phần thưởng cao nhất mà một đội thi có thể đạt được.

Tháng 7/2019, Stringee gọi vốn thành công gần 2 triệu USD sau 3 vòng từ một quỹ đầu tư lớn trong nước và một số nhà đầu tư thiên thần khác. Đây là  con số đáng mơ ước của nhiều startup, đó là chưa kể tới việc Stringee chỉ mới thành lập được tròn 2 năm.

Sau khi nhận đầu tư, Stringee kỳ vọng tăng trưởng gấp 8 lần trong vòng 15 tháng, theo cam kết với nhà đầu tư. Đây cũng là đòn bẩy giúp Stringee chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường Việt Nam trong mảng Communications Platform (Nền tảng giao tiếp cho doanh nghiệp), và tự tin hướng tới các thị trường phát triển khác, như Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản,...

Tính đến cuối năm 2019, tốc độ tăng trưởng của Stringee đạt 20% mỗi tháng, tăng 5 lần cả về cả doanh thu và số khách hàng so với thời điểm đầu năm. 

13. “Kỹ sư hai lúa” chế tạo máy ruôi sắn củ tươi

15-cau-chuyen-ntd-vdocx-1594661729587.jpegÔng Hà Kim Tới (người đứng thứ 3 từ trái sang) nhận giải thưởng Tự học thành tài - Nhân tài Đất Việt năm 2019.

Tự học, cần cụ sáng tạo, ông Hà Kim Tới (sinh năm 1957) một nông dân ở huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ đã sáng chế, chế tạo ra máy ruôi sắn củ tươi. Điều đặc biệt là các thiết bị của máy ruôi sắn hầu hết được ông tự chế. Sáng chế ý nghĩa này được vinh danh ở giải thưởng Tự học thành tài Nhân tài Đất Việt năm 2019.

Với trình độ văn hóa lớp 7/10 trực tiếp trồng, chế biến sắn củ tươi do có sự đam mê đối với lĩnh vực cơ khí, trong hàng chục năm bản thân ông Hà Kim Tới đã luôn tự học hỏi và tìm tòi nghiên cứu để tạo ra những dụng cụ thiết bị để nạo sắn vừa để giúp cho công việc nạo sắn của bản thân, gia đình, người dân trồng sắn đỡ vất vả và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Trải qua quá trình tự học, tự nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi các kỹ năng về cơ khí và với sự kiên trì ông đã thiết kế và tạo ra được những dụng cụ, thiết bị nạo sắn củ tươi từ thủ công đến bán tự động chạy bằng động cơ điện và xăng hiện nay. Từ nạo bằng bàn tay thủ công đến nạo bằng bàn nạo thủ công, cải tiến thành bàn nạo quay tay cho đến bằng máy ruôi sắn TS -08. Sau khi thử nghiệm thành công máy ruôi sắn bán tự động TS08 ông đã mạnh dạn vay vốn mở xưởng cơ khí để sản xuất máy và bán rộng rãi tại các tỉnh có hộ trồng sắn trong và ngoài tỉnh (các tỉnh miền Bắc và miền Trung).

14. Ông giáo dành cả đời làm bếp

15-cau-chuyen-ntd-vdocx-1594661729643.jpeg

Xuất phát từ sự lo sợ vấn nạn tàn phá rừng bừa bãi và tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở vùng núi tỉnh Phú Thọ, ông giáo Lê Hồng đã dành hơn 30 năm để sáng chế, phát triển và sản xuất bếp siêu tiết kiệm TK90 với ưu điểm vượt trội, tiết kiệm được 70% chất đốt và giảm thiểu được 50% thời gian đun nấu.

Là người dân sinh ra và lớn lên ở vùng cao của huyện Thanh Ba, Phú Thọ, hơn ai hết ông Hồng hiểu được nạn phá rừng bừa bãi để lấy chất đốt và tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng báo động. Xuất phát từ những thực tế đó cộng với kinh nghiệm 23 năm giảng dạy ở các trường dạy nghề Trung cấp Cơ khí động lực (Cơ khí 2), Trường Quản lí xí nghiệp 1 bên tổng cục Hậu cần, Trường Công nhân kĩ thuật Việt Đức, Kĩ thuật 1... đã thôi thúc ông nghiên cứu để sáng chế ra bếp TK90 với những ưu điểm vượt trội.

Bếp được thiết kế và chế tạo mô phỏng trên cơ sở lý thuyết nhiệt của động cơ đốt trong với hiệu suất nhiệt của bếp từ 34 – 36% (bếp kiềng truyền thống 11 – 12%). So với bếp kiềng bếp TK90 tiết kiệm được 60 -70% lượng chất đốt, 50% thời gian đun nấu và giảm 70% lượng khí thải độc hại CO, CO2, khói bụi vào môi trường, góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính do đun nấu gây ra.

Công nghệ sản xuất Bếp TK90 là 1 công nghệ hoàn toàn sạch, không qua nung, rất thân thiện với môi trường. Tác giả đã nghiên cứu được công thức pha chế nguyên vật liệu chịu nhiệt mà có thể khai thác 80% tại địa phương. Bếp sử dụng được tất cả các phụ phẩm nông, lâm nghiệp: củi, cành cây, lá cây, rơm rạ, trấu, mùn cưa, lõi ngô, cây ngô,… rất hiệu quả. Bếp có độ bền cao, giá thành phù hợp với những hộ nghèo, rất dễ sử dụng.

15. Lần đầu tiên NTĐV ra thế giới, thí sinh đăng ký tham dự ngay tại buổi phát động

20190416-114055-1594661809589.jpg

Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn phát động Giải thưởng NTĐV 2019 tại Paris, Pháp.

Tháng 3/2019, trong khuôn khổ Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng, sau Lễ thành lập Mạng lưới người Việt ảnh hưởng toàn cầu, Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn chính thức phát động Giải thưởng NTĐV 2019. Lễ phát động Giải thưởng cũng là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động của Mạng lưới người Việt có tầm ảnh hưởng.

Ngay sau lễ phát động, Tiến sĩ Nguyễn Đình Quý, 35 tuổi, hiện đang là Giám đốc Phát triển và Kỹ sư R&D cao cấp tại Mitsubishi Electric, Cambridge, Hoa Kỳ, khách mời của sự kiện đã gặp gỡ Trưởng ban tổ chức Phạm Huy Hoàn và đăng ký tham gia dự thi.Tiến sĩ Quý cho biết đã theo dõi Giải thưởng NTĐV ngay từ những ngày đầu tiên (2005). 

Năm 2019, Nguyễn Đình Quý và nhóm tác giả trẻ người Việt sống tại Mỹ, Thụy Sỹ, Việt Nam tham gia sản phẩm VietSeach. Sản phẩm lọt vào chung khảo và được vinh danh với Giải khuyến khích. Nhóm tác giả cũng đánh giá rất cao cách làm việc công tâm, khoa học của Hội đồng giám khảo Giải thưởng.

Ban Khoa học Công nghệ

Báo điện tử Dân trí

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022