Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí trực tuyến PLOS ONE ngày 12/10 đã giải mã thói quen sinh sản kỳ lạ của loài chim cánh cụt mào dựng đang có nguy cơ tuyệt chủng, qua đó mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn loài vật này.
Số lượng chim cánh cụt mào dựng đã giảm mạnh trong 50 năm qua do tác động của biến đổi khí hậu, những trận bão và lở đất.
[Số lượng chim cánh cụt Adelie ở Nam Cực đang giảm nhanh chóng]
Dữ liệu về thói quen sinh sản khác thường của chim cánh cụt mào dựng đã được nhà khoa học Lloyd Davis cùng 2 đồng nghiệp thu thập vào năm 1998. Đây là dữ liệu mới nhất và rộng rãi nhất được thu thập về loài chim này.
Chim cánh cụt mào dựng thường đẻ quả trứng thứ 2 khoảng 5 ngày sau khi cho ra đời quả trứng đầu tiên. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng quả trứng đầu tiên luôn “biến mất” trước hoặc ngay sau khi quả trứng thứ 2 xuất hiện, nguyên nhân chính là do chim bố hoặc chim mẹ cố tình làm vỡ hoặc đẩy trứng ra khỏi tổ.
Nghiên cứu của chuyên gia Lloyd Davis thuộc trường Đại học Otago ở New Zealand và các cộng sự đã chỉ ra rằng chim cánh cụt mào dựng luôn loại bỏ quả trứng đầu tiên chúng đẻ ra là do chúng không thể nuôi dưỡng cùng lúc 2 chim non và quả trứng thứ hai, có kích cỡ lớn hơn quả trứng đầu tiên, có khả năng sống sót cao hơn.
Quả trứng đầu tiên thường có kích thước nhỏ, có lẽ do được hình thành khi chim mẹ di trú đến đảo. Trong khi đó, quả trứng thứ hai được hình thành trên đất liền và đạt được kích cỡ lớn hơn do có điều kiện phát triển tốt hơn.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy thói quen sinh sản kỳ lạ nói trên của chim cánh cụt mào dựng diễn ra cùng với những dao động đáng ngạc nhiên về nồng độ hormone của chúng, đồng thời kêu gọi giới khoa học lưu tâm nghiên cứu nhiều hơn và tăng cường nỗ lực bảo tồn loài này./.