Bếp từ ngày càng phổ biến trong các gia đình vì độ tiện dụng, an toàn, hiệu suất cao và bền. Tuy nhiên, khi sử dụng thiết bị này, cần quan tâm tới một số hướng dẫn, đồng thời tránh một số lỗi phổ biến.

Không dùng bếp thường xuyên

Nghe có vẻ vô lý nhưng bếp từ cần được dùng thường xuyên mới có thể bền. Khí hậu Việt Nam nóng ẩm, đặc biệt là vào mùa nồm ở miền Bắc. Việc không dùng bếp trong thời gian dài có thể khiến hơi ẩm xâm nhập vào máy, gây chập bảng mạch, khiến bếp nhanh hỏng hơn. Trong những ngày không nấu ăn, bạn cũng nên đun một ít nước để bếp được hoạt động.

Dùng sai nồi

allrecipes-4889-1681364330.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qJacQhAMPM-JiTETkZ6vgw

Bạn cần sử dụng đúng loại nồi với bếp từ. Ảnh: Allrecipes

Đây là sai lầm phổ biến với những người mới sử dụng bếp từ, bởi không phải nồi nào cũng có thể sử dụng được. Đôi khi, bạn phải thay cả bộ nồi và chảo mới. Điều này khiến nhiều người e ngại khi đổi sang thiết bị nhà bếp này. Tuy nhiên, bếp từ nấu nhanh và an toàn nên không ít gia đình vẫn quyết định đầu tư.

Nồi dành cho bếp từ phải có đáy dày, phẳng, được làm từ chất liệu có khả năng nhận từ. Theo Choice.com.au, cách kiểm tra đơn giản: dùng thỏi nam châm đặt dưới đáy nồi, nếu hút nhau thì nồi đó có thể dùng cho bếp từ.

Ngoài ra, kích thước cũng rất quan trọng bởi phạm vi ảnh hưởng của bếp từ có hạn. Nồi quá to hoặc quá nhỏ cũng ảnh hưởng đến việc nấu nướng đồ ăn. Nếu nồi quá nhỏ, bếp khó hoạt động còn nếu quá to, những phần đồ ăn phía ngoài không chịu tác dụng nhiệt, khó chín. Tốt nhất nên đo kích thước của bếp (vòng tròn mặt bếp) trước khi mua nồi.

Rút phích cắm ngay khi nấu xong

Không giống các thiết bị điện khác, bạn không nên rút phích cắm ngay sau khi sử dụng. Đây cũng là sai lầm khá phổ biến mà nhiều người nội trợ mắc phải. Sau khi tắt bếp (bấm nút OFF), bếp vẫn còn hoạt động chế độ quạt tản nhiệt, nếu tắt ngay sẽ làm gián đoạn quá trình này, không tốt cho thiết bị. Bạn nên chờ khoảng 10-15 phút, sau đó mới nên rút phích. Một số bếp còn phát ra tín hiệu "tạch, tạch" để báo hiệu đã tản nhiệt xong.

Kéo lê nồi qua mặt bếp hay sử dụng mặt bếp như thớt

Mặt kính của bếp là bộ phận rất nhạy cảm. Nếu bị xước, rất dễ ảnh hưởng đến khả năng làm nóng. Khi nấu ăn xong, bạn nên nhấc nồi ra ngoài, thay vì kéo lê trên mặt bếp. Ngoài ra, một số người cũng có thói quen dùng mặt bếp như thớt. Việc này cũng khiến bếp bị xước và nhanh hỏng. Khi mặt kính có dấu hiệu xước quá nhiều hay nứt, bạn nên thay mới để đảm bảo nấu ăn hiệu quả và an toàn.

Để bếp ướt

Mặt bếp rất dễ bị ướt khi bị nước dây vào hay do đáy nồi ẩm ướt, dễ ảnh hưởng tới hiệu suất làm nóng. Do vậy, bạn nên lau khô bếp trước khi nấu ăn.

kitchenaid-3067-1681364330.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9QDdwBZhB9MycIK6o7nZZg

Mặt bếp từ cần phải khô ráo khi nấu ăn. Ảnh: Kitchenaid

Không vệ sinh thường xuyên

Để tăng tuổi thọ cho bếp, bạn cần vệ sinh thường xuyên và đúng cách. Bếp bẩn rất nhanh hỏng, lâu nóng. Mặt kính dính dầu mỡ và ẩm ướt có thể bị rạn nứt nếu nấu ở nhiệt độ cao.

Lưu ý, khi vệ sinh, không nên rửa nước hoặc chà xát mạnh bằng dung dịch tẩy mạnh hoặc miếng giẻ sắt. Bạn nên sử dụng dung dịch làm sạch bếp chuyên dụng và lau khô lại sau khi vệ sinh.

Nấu ở nhiệt độ cao quá lâu

Sử dụng chế độ nhiệt cao quá lâu có thể khiến bếp bị quá tải, nứt vỡ, thậm chí gây nguy hiểm.

Bật bếp trước khi đặt nồi

Đây là thói quen của một số người nội trợ: chỉnh nhiệt độ và chế độ của bếp rồi mới đặt nồi lên trên. Việc này tuy không gây nguy hiểm nhưng có thể làm hao phí năng lượng. Ngoài ra, bạn có thể vô tình bật bếp rồi quên, mải làm việc khác, khi đó có thể gây ra những sự cố ngoài ý muốn như cháy nổ.

Đặt các thiết bị không liên quan lên mặt bếp

Mặt bếp từ không nóng khi hoạt động nhưng những vật đặt lên bếp có thể được truyền nhiệt, có thể gây bỏng. Ngoài ra, bạn cũng không nên để đường, nhựa hay giấy bạc trên bếp vì có thể bị cháy hoặc chảy ra, bám vào mặt kính, khó rửa sạch.

Hà Nguyên

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022