Nguyên liệu cho món vịt luộc
1 con vịt khoảng 2kg
2 củ gừng tươi
1 củ hành khô
Giấm gạo
Rượu trắng
Nguyên liệu cho món vịt luộc
Chọn và sơ chế vịt:
Chọn vịt vừa khoảng 60-80 ngày tuổi là ngon nhất. Vịt có các dấu hiệu ức tròn, lông mượt, 2 cánh dài, chóp cánh chéo lại xếp lên nhau dưới đuôi, lật bàn chân thì phía dưới có cục chai mỏng mềm. Không nên mua vịt non vì ăn bị ngót, ra nhiều nước. Cũng không nên mua vịt già quá vì thịt dai.
Để khử mùi hôi trước khi mổ vịt, theo kinh nghiệm dân gian nên cho vịt uống chút rượu trắng hoặc nước cốt chanh. Cắt bỏ phao câu, nơi tập trung tuyến dịch vừa đảm bảo sạch sẽ vừa giảm mùi hôi hiệu quả. Sau khi sơ chế và nhổ sạch lông, chà xát chanh và muối hạt rửa sạch. Tiếp tục dùng rượu trắng và gừng đập dập chà xát và rửa sạch. Khâu sơ chế kỹ sẽ giúp món vịt luộc thịt thơm, không còn mùi hôi.
Cách luộc vịt thơm ngon đậm vị
Bước 1: Sơ chế vịt
Khi mua vịt sống, bạn có thể nhờ người bán làm hộ rồi về chế biến ngay hoặc tự sơ chế tại nhà. Vịt sau khi cắt tiết sẽ được nhúng vào nước sôi để vặt sạch lông. Bạn sẽ thấy ở các lỗ chân lông trên mình vịt có chất lỏng màu đen, nhớ nặn ra hết rồi rửa sạch vì nó làm cho vịt có mùi hôi.
Nếu còn phần tĩ ( là phần màu vàng dính lại sau khi cắt phần hậu môn của con vịt) cũng sẽ gây ra mùi hoi nồng khó chịu, làm hỏng luôn cả món vịt thơm ngon.
Một việc nữa là mỏ vịt, chị em nhớ bóc lấy phần lưỡi bẩn trong mỏ vịt ra nhé!
Sau khi làm sạch lông, bạn mổ bụng vịt lấy hết phần lòng ra ngoài. Lòng vịt bạn có thể sơ chế sạch, cho vào luộc với vịt hoặc thái nhỏ để làm món lòng vịt xào miến, xào đậu cô ve, xào hoa thiên lý…
Bước 2. Khử mùi hôi cho thịt vịt
Đây là bước quan trọng, mặc dù đã làm sạch phần lông, cắt bỏ phao câu nhưng thịt vịt vẫn sẽ có mùi đặc trưng, nếu không sơ chế sẽ có mùi hơi khó chịu khi ăn.
Bạn dùng muối hạt chà xát cả trong và ngoài con vịt rồi rửa sạch, sau đó cắt vài lát gừng chà lên rồi rửa lại lần nữa, gừng có tác dụng khử mùi hôi vịt hiệu quả và giúp vịt thơm hơn khi luộc.
Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể dùng rượu trắng hoặc rượu gừng, giấm gạo để rửa vịt rồi xả lại với nước, chắc chắn vịt sẽ không còn mùi hôi.
Bước 3. Luộc vịt
Thịt vịt ngon phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu và cách luộc vịt. Bạn bắc một nồi nước lên bếp nấu sôi lượng nước đủ để ngập hết con vịt, cho vào đó 1 củ gừng đập dập, hoặc 1 củ hành khô nướng, hoặc 1 củ gừng nướng. Các nguyên liệu này sẽ giúp món vịt luộc có mùi hương thơm lừng và vô cùng hấp dẫn.
Khi luộc vịt, bạn không nên để lửa lớn, nước vừa sôi thì hạ lửa nhỏ, luộc trong khoảng 20 – 30 phút cho vịt chín từ từ.
Luộc vịt trong khoảng 20 phút, bạn lấy đũa xiên vào đùi vịt, nếu thấy nước chảy ra không có màu đỏ là vịt đã chín bên trong. Vớt ra, để nguội bớt rồi chặt nhỏ ăn ngay.
Bước 4. Chặt vịt và xếp vào đĩa
Với thịt vịt, khi mới luộc, vịt còn nóng đem chặt ngay thịt sẽ mềm và ăn ngon hơn ngược lại với thịt gà là phải để nguội rồi mới chặt). Bạn chặt vịt thành những miếng dài vừa ăn rồi xếp vào đĩa.
Vịt luộc thơm mềm, không hôi
Chú ý:
-
Cần sơ chế kỹ (cắt bỏ phao câu, chà chanh và muối hạt hoặc hỗn hợp rượu gừng) để khử mùi hôi của vịt trước khi luộc.
-
Luộc vịt từ khi nước sủi tăm để không bị máu bầm, không tanh. Thêm chút hành, gừng đập dập (nên rửa sạch, không cạo vỏ thì tinh dầu tiết ra sẽ thơm hơn), gia vị cho ngọt thịt.
-
Vịt mang tính hàn vì thế cần kết hợp nước chấm với các gia vị nóng ấm như gừng, ớt để cân bằng âm dương.
-
Thịt vịt chứa nhiều protein, sắt, canxi, vitamin A, B1, D... có lợi cho người gầy muốn tăng cân. Nhưng thịt vịt tính hàn, dai, khó tiêu nên cân nhắc số lượng hạn chế với những người dạ dày yếu, tiêu hóa kém.