Cảm cúm là chứng bệnh thường gặp khi đi du lịch do thay đổi thời tiết, múi giờ và nhịp sinh hoạt. Ngoài ra, khi du lịch tới nơi đang có dịch cúm do virus gây ra, những người có hệ miễn dịch kém rất dễ bị nhiễm bệnh.
1. Kiểm tra y tế trước khi khởi hành
Để chuyến đi suôn sẻ, đặc biệt là với những chuyến du lịch nước ngoài, bạn nên kiểm tra sức khỏe, tốt nhất là nên tiêm phòng cúm và mang theo thuốc và đơn thuốc cá nhân (nếu có bệnh nền).
2. Phòng ngừa lây nhiễm
Khi đi du lịch, bạn thường phải tới những nơi đông người. Do đó, cần phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, che miệng khi ho, hắt hơi.
Bạn nên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người để phòng bệnh. Ảnh: outsideonline
3. Xác định triệu chứng và mức độ nghiêm trọng
Triệu chứng cúm thông thường như sốt, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi, đau cơ. Nếu các triệu chứng này nặng hơn, kéo dài hoặc xuất hiện triệu chứng nguy hiểm như khó thở, sốt cao không hạ, đau ngực, mất nước nặng, bạn cần đến bệnh viện ngay.
4. Cách ly và nghỉ ngơi
Cúm là căn bệnh dễ lây lan, do đó, bạn cần hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm. Sau đó là tạm dừng lịch trình du lịch 1-2 ngày để cơ thể phục hồi, ngủ đủ giấc, giữ ấm cơ thể (hạn chế tắm khuya, đi tất, đội mũ, quàng khăn, uống trà gừng, hạn chế ăn đồ có tính lạnh).
5. Thay đổi lịch trình (nếu cần)
Không chỉ nghỉ ngơi, bạn cũng nên cân nhắc thay đổi lịch trình, hoãn các hoạt động tốn sức như leo núi, thể thao, vận động lâu ngoài trời, dưới trời nắng, chỗ có nhiều gió. Nếu cần, hãy thông báo cho công ty lữ hành, hãng hàng không nếu cần thay đổi vé máy bay hoặc lịch trình.
6. Uống thuốc và chăm sóc tại chỗ
Bạn cần bổ sung nước và chất điện giải như uống nước lọc, oresol, nước ép hoa quả và xông mũi bằng nước ấm hoặc dùng nước muối sinh lý để thông mũi. Trong một số trường hợp, có thể uống thuốc hạ sốt và giảm đau thông thường, có thể mua ở hiệu thuốc địa phương. Không nên tự ý dùng kháng sinh vì cúm thường do virus, kháng sinh không có tác dụng.
7. Tìm kiếm hỗ trợ y tế
Bạn nên mua bảo hiểm du lịch, tiêm phòng cúm trước khi đi du lịch. Ảnh: Passport Health
Trong trường hợp bị nặng, bạn liên hệ bác sĩ/dược sĩ địa phương bằng cách nhờ sự giúp đỡ của khách sạn, hướng dẫn viên hoặc người dân giới thiệu cơ sở y tế gần nhất. Bạn nên tìm hiểu trước số điện thoại tổng đài hỗ trợ y tế của nước sở tại, ví dụ ở châu Âu gọi 112, ở Mỹ gọi 911, ở Nhật là 119...
Bạn nên mua và mang theo bảo hiểm du lịch, kiểm tra trước phạm vi của bảo hiểm để giảm chi phí điều trị.
8. Liên hệ với đại sứ quán/lãnh sự quán
Nếu cần hỗ trợ khẩn cấp (ví dụ: dịch thuật, tìm bệnh viện), hãy gọi đến đại sứ quán Việt Nam tại quốc gia bạn đang ở, hãy lưu số điện thoại khẩn cấp của đại sứ quán trước khi đi du lịch.
Nguyên Chi