Huy Trần kể, sáng Chủ nhật anh thường hỏi vợ thích ăn gì rồi chế biến theo khẩu vị của bà xã. Và trong một lần chiều lòng Ngô Thanh Vân, anh đã nấu shakshouka - món truyền thống của Bắc Phi - nhưng biến tấu theo cách của mình. Thay vì làm trứng chần như công thức gốc, Huy Trần chiên trứng ốp la và nêm thêm xì dầu (nước tương) làm cho hương vị món ăn hợp người Việt Nam hơn, khiến nữ diễn viên tấm tắc khen ngon. Doanh nhân nói thêm, các món anh nấu đa phần đều rất đơn giản, không quá khó nên mọi người có thể học theo, tự làm tại nhà.
Nguyên liệu món này dễ tìm, gồm: thịt hun khói, cà chua, ớt chuông, cà chua nghiền, trứng gà, đường, tiêu, muối, bơ, bột ớt, ngò tây và xì dầu. Huy Trần nói muốn shakshouka đậm vị và ngon thì bạn nên chọn thịt xông khói xắt cục, không phải loại lát mỏng. Sau khi rửa sạch rau củ, anh thái hạt lựu cà chua và ớt chuông. Riêng cà chua nghiền thì bạn có thể xay cà chua, hoặc mua loại đóng hộp cho gọn.
Ngô Thanh Vân khen tài nấu ăn của chồng. Video: Huy Trần
Shakshouka được nhiều người gọi là trứng hấp trong xốt cà chua, tuy nhiên Huy Trần cho rằng nếu hấp trứng trong xốt cà chua rồi đậy vung lại tương tự cách làm trứng chần thì phần trứng sẽ không đẹp. Lòng đỏ sẽ bị bọc bởi một lớp lòng trắng bên trên. Thế nên, anh đã làm trứng ốp la. Huy Trần rán trứng với dầu ô liu tới lúc gần chín thì tắt bếp, đậy vung cho lòng đỏ chín vừa. Lưu ý, không nấu lòng đỏ chín quá vì đặc trưng của shakshouka là khi ăn bạn xẻ đôi quả trứng, lòng đỏ phải chảy mới đúng điệu.
Thịt xông khói áp chảo trên lửa vừa để tiết hết mỡ, thêm hành, tỏi và bơ. Bơ giúp xốt cà chua không quá chua mà thêm vị béo, thơm. Tiếp đến, anh cho cà chua thái hạt lựu và cà chua nghiền vô, đợi mọi thứ nhừ, nước sệt lại thì nêm gia vị. Bạn cân bằng vị chua, cay theo sở thích. Và bí quyết để nấu món châu Phi lại mang chút vị châu Á quen thuộc là anh thêm một muỗng cà phê xì dầu. Cuối cùng mới cho trứng ốp la, rắc ngò tây lên trên là xong chảo điểm tâm hấp dẫn, thích hợp ăn với bánh mì nướng giòn.
Shakshouka (còn được gọi là shakshuka hay chakchouka) có nhiều biến thể. Phần nước xốt có thể mặn, ngọt, cay tùy ý. Người nấu có thể dùng các nguyên liệu chính khác theo sở thích như: thịt bò, thịt cừu... Một số đầu bếp thêm chanh, phô mai tạo dấu ấn.
Theo Joan Nathan, nhà báo được mệnh danh "Nữ hoàng nấu ăn của người Do Thái", shakshouka xuất xứ từ Ottoman (Bắc Phi) vào giữa thế kỷ 16. Tuy nhiên, tới nay nguồn gốc món ăn vẫn gây tranh cãi bởi các nước Algeria, Libya, Maroc, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen đều nói đây là món của họ. Còn theo tài liệu, những người nhập cư Do Thái Bắc Phi đã mang món này vào Israel từ những năm 1950, 1960, dù nó chỉ trở nên phổ biến khắp thế giới từ những năm 1990.
Diệp Tử