am_nhac.jpgẢnh minh họa. (Nguồn: Variety)

Báo cáo Âm nhạc Toàn cầu của Liên đoàn Công nghiệp ghi âm Quốc tế (IFPI) công bố ngày 22/3 cho thấy doanh thu từ âm nhạc trên toàn cầu đã tăng 9% lên 26,2 tỷ USD trong năm 2022, trong đó mức tăng trưởng ghi nhận ở nhiều khu vực và số lượng người đăng ký nghe trả phí cũng tăng giúp thúc đẩy doanh thu.

Trong số các xu hướng được IFPI nêu bật có việc Trung Quốc lần đầu tiên lọt vào năm thị trường hàng đầu trên toàn cầu và thu nhập từ việc sử dụng âm nhạc trong quảng cáo, phim, truyền hình và trò chơi, tăng đáng kể 22,3%.

[Thu gần 256 tỷ tiền bản quyền tác giả âm nhạc trong năm 2022]

Doanh thu từ đĩa CD, đĩa than vinyl và các định dạng vật lý khác tăng 4% lên 4,6 tỷ USD, tốc độ tăng chậm hơn so với mức tăng trưởng 16,1% của năm 2021, được thúc đẩy nhờ sự phục hồi sau đại dịch.

IFPI cho biết doanh thu phát nhạc trực tuyến có trả phí đã tăng 10,3% lên 12,7 tỷ USD, đồng thời cho biết thêm đã có 589 triệu người dùng tài khoản đăng ký trả phí vào cuối năm 2022. Nhìn chung, phát trực tuyến chiếm 67% tổng doanh thu âm nhạc. Doanh thu từ âm nhạc trên thế giới đã tăng trưởng năm thứ tám liên tiếp.

Giám đốc điều hành IFPI Frances Moore cho biết sự đầu tư và đổi mới của các công ty thu âm đã giúp làm cho âm nhạc trở nên kết nối toàn cầu hơn bao giờ hết, xây dựng các nhóm trên khắp thế giới và làm việc với các nghệ sỹ từ nhiều nền âm nhạc đang phát triển.

Điều này đang thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc đồng thời cho phép người hâm mộ nắm bắt các cơ hội mở rộng để đón nhận và tôn vinh các nghệ sỹ cũng như văn hóa các nước.

Tổng lượng phát trực tuyến, bao gồm cả đăng ký trả phí và hỗ trợ quảng cáo, tăng 11,5% lên 17,5 tỷ USD.

Ngoài ra, doanh thu từ quyền biểu diễn tăng lên, tăng 8,6%, trở lại mức trước đại dịch, cũng góp phần vào mức tăng chung.

Tuy nhiên, số lượt tải xuống và các định dạng kỹ thuật số không phát trực tuyến khác ghi nhận doanh thu giảm 11,7%.

Doanh thu âm nhạc tăng trên khắp thế giới, dẫn đầu là châu Phi cận Sahara với tốc độ tăng trưởng 34,7%, tiếp theo là Mỹ Latinh với 25,9%, Trung Đông và Bắc Phi với 23,8%, châu Á với 15,4% và châu Đại dương với 8,1%. Doanh thu ở châu Âu tăng 7,5%, trong khi Mỹ và Canada tăng 5%.  Doanh thu của Mỹ, thị trường lớn nhất thế giới, tăng 4,8%, lần đầu tiên vượt 10 tỷ USD./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022