Nỗi khát khao chiến thắng bệnh tật
Bà mẹ đơn thân Bùi Thu Thủy (nickname Thuy Bop) ở Hà Nội, thay vì sụt sùi trong đau khổ khi mắc phải căn bệnh ung thư vú (UTV) đã chọn cho mình cách sống với tinh thần lạc quan, yêu đời, vượt lên chính mình… Mới đây, chị đã cho ra mắt cuốn tự truyện “Bốp à! mẹ bị ung thư”. Mọi người cảm động trước nghị lực phi thường của thiếu phụ xinh đẹp khi tuổi đời mới 33, đã phải mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn luôn vững vàng để trở thành trụ cột và chỗ dựa cho gia đình.
Có lẽ, đó cũng là tinh thần của những thành viên trong ngôi nhà chung mang tên “Phụ nữ kiên cường”. Các chị em đồng bệnh được chia sẻ với nhau một cách thoải mái nhất những nỗi lòng, những ưu tư sâu kín khi bị tước đi vẻ đẹp nữ quyền mà tạo hoá ban tặng cho họ để cùng nhau vượt qua nỗi đau chung: mắc UTV.
Thành viên CLB PNKC tham dự Hội nghị UTV tại Huế tháng 6/2016.Sau những đau đớn do tác dụng phụ của hoá chất còn là nỗi lo lắng, buồn phiền với sự thay đổi mạnh mẽ về nhan sắc, ngoại hình, nội tiết tố khiến phần nào ảnh hưởng tới tổ ấm gia đình. Song, sự xáo trộn trong cuộc sống và khoản tiền lớn để điều trị “căn bệnh nhà giàu” không làm họ thiếu đi sự lạc quan và tin tưởng ở tương lai sáng lạn phía trước.
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (41 tuổi) kể, cách đây 3 năm phát hiện bị UTV thể ống xâm nhập, phải cắt một bên vú, khi ấy tinh thần chị có chút hoảng loạn nhưng đầy quyết tâm bước vào điều trị. Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng ra viện, chị đã tái phát hạch thượng đòn bên trái – lúc đó thì mọi thứ như rơi xuống vực thẳm. “Khi bị tái phát, tôi lo sợ, hoảng loạn vì bệnh của mình tiến triển quá nhanh, cảm giác như thời gian của mình đã hết.
Trong khi loay hoay tìm mọi phương thức để chữa bệnh, tôi được bạn giới thiệu vào sinh hoạt trong Câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường (CLB PNKC)” – Chị trải lòng: “Đấy là một may mắn với tôi vì trước đó tôi phải “chiến đấu” với bệnh trong sự “đơn độc”, bởi có những nỗi niềm mà ngay cả với bố mẹ, chồng con mình cũng khó nói ra.
Từ khi sinh hoạt ở đây, mới biết nhiều chị em bệnh ở giai đoạn nặng nhất vẫn xinh tươi, tự tin, rạng ngời giúp mình lấy lại bình tĩnh, vực được tinh thần và bước vào cuộc chiến với tâm thế lạc quan và đầy quyết tâm. Đó là khao khát sống, khao khát được ở bên chồng con và người thân. Tôi luôn tâm niệm phải sống cho xứng đáng với những gì mà gia đình và người thân đang dành cho mình”.
Sẵn sàng chia sẻ nỗi niềm
Chị Hoàng Thu Hà, 54 tuổi, Chủ nhiệm CLB PNKC nhớ như in ngày đầu tháng 2/2011, chị phát hiện bị UTV khi 2 đứa con sinh đôi mới được 9 tuổi rưỡi. Lúc đó bố chị đã 85 tuổi và đang bị tai biến. “Nhận kết quả bị UTV, tôi chỉ nghĩ con mình còn quá nhỏ, chúng chưa biết tự chăm sóc bản thân.
Buổi trò chuyện của thành viên CLB với Bác sĩ thân thiện Nguyễn Đình Tùng tại Hà Nội.Chồng lại bận việc nên mình mà chết thì ai sẽ chăm con? Tôi quyết định giấu bệnh vì sợ bố bị sốc, bệnh lại nặng thêm. Trước đó 2 năm, chị dâu họ tôi cũng mắc UTV nhưng tinh thần chị ấy rất vững vàng. Nhìn chị ấy điều trị thành công, tôi hiểu mắc UTV còn điều trị được chứ không phải là chết ngay như nhiều người lầm tưởng. Tôi luôn nghĩ “phải sống, phải chiến thắng” mỗi khi truyền hóa chất hoặc nằm trên máy xạ trị”.
Cũng nhờ tinh thần vững vàng để chiến thắng bệnh tật, sau này chị Hà đã tìm hiểu thêm những thông tin về UTV và việc điều trị UTV ở các tài liệu nước ngoài, chị biết rằng: “Đối với người bệnh, tinh thần lạc quan vui vẻ sau khi ra viện, chế độ dinh dưỡng lành mạnh cộng với việc luyện tập thể chất hợp lý và tuân thủ chế độ tái khám theo dõi định kỳ sẽ góp phần kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Khi biết các chị em bệnh nhân UTV gặp gỡ nhau, PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, BV Trung ương Huế đã khuyến khích họ thành lập nhóm Hỗ trợ mang tên CLB Phụ nữ kiên cường vào tháng 2/2014. Từ số thành viên ban đầu trên 10 người, đến nay đã tăng lên tới con số 400.
Chuyến dã ngoại trên vịnh Hạ Long của chị em CLB PNKC.Hội viên không chỉ bó hẹp ở một vài tỉnh thành phía Bắc mà còn có các chị em sinh sống ở các tỉnh thành miền Trung và miền Nam. Thật may mắn, Viện Dệt may (478 Minh Khai, Hà Nội), cơ quan chị Hà đã cho mượn hội trường để các hội viên CLB có nơi sinh hoạt định kỳ vào Chủ nhật thứ 2 trong tháng. Mỗi buổi sinh hoạt, CLB kết nối với bác sĩ Tùng qua Skype để được bác sĩ tư vấn các vấn đề về UTV và các chủ đề liên quan.
Tại đây, các sĩ còn tận tình trả lời câu hỏi của các chị em về bệnh tật, về phương thức quản lý bệnh, phòng ngừa bệnh tái phát di căn và những lúc gặp rắc rối về sức khoẻ khi trái gió trở trời. Nhờ có sự tư vấn miễn phí đó mà các chị em cũng được cập nhật nhiều tiến bộ trong điều trị UTV, nâng cao hiểu biết về bệnh này. Bởi thế mà các thành viên đã gọi anh với cái tên trìu mến “Bác sĩ Thân thiện”.
Với phương châm hiểu bệnh thì tinh thần mới tốt, chứ mông lung lo lắng hoặc điều trị thuốc nam sẽ mất cơ hội “vàng” điều trị. Với tinh thần “cựu binh dìu dắt tân binh”, nâng cao hiểu biết về tầm soát và phát hiện sớm UTV, sẵn sàng chia sẻ những trải nghiệm để cùng nhau đưa ra lời tư vấn tốt nhất cho nhau, giúp nhau vượt qua chuyện “thầm kín” do tác dụng phụ của thuốc… Lúc nào họ cũng tâm niệm: “Còn một bên hay còn hai bên/ Không lùi bước cùng nhau ta tiến lên!”. Chính những điều đó, giúp hơn 400 hội viên trong CLB gắn bó và yêu thương nhau hơn. Và họ thấy rằng, mình sẽ không còn đơn độc trên suốt chặng đường còn lại chiến đấu với bệnh tật.
Trong câu chuyện nhân Tháng 10 Nơ hồng – Nâng cao nhận biết UTV, tôi thầm cảm phục chị em CLB luôn tràn đầy năng lượng: Chị Thuý bảo vẫn còn nhiều việc phải làm cùng con cái và chuyến công tác sắp tới ở nước ngoài. Em Huyền Vũ với những kế hoạch cho chuyến từ thiện vùng lũ lụt miền Trung nay mai. Chị Kim Liên đang truyền kinh nghiệm về khắc phục vấn đề “khô hạn” của chị em. Em Bằng An không quên bàn về chuyến du lịch đến vùng hoa tam giác mạch cuối tháng này… Năng lượng và ý chí kiên cường chính là hành trang giúp những chị em UTV tự tin trong hành trình chiến đấu với bệnh tật. Và tôi tin họ sẽ chiến thắng.
https://www.facebook.com/groups/1644823352409170) là trang Facebook mở của Câu lạc bộ Phụ nữ kiên cường nhằm giúp các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các chị em có thêm kiến thức về bệnh ung thư vú, từ đó hiểu và đồng cảm với người bệnh cũng như nhận được sự hỗ trợ chia sẻ từ các thành viên trong Câu lạc bộ này.
Lưu Hường