GĐXH - Động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến những người còn sống phải đương đầu với những kẻ cướp bóc, lừa đảo và nguy cơ dịch bệnh, phải đối mặt với một tương lai bất định và nỗi đau không thể nào quên.
Báo Nhân dân dẫn nguồn thông tin từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an) cho biết, đoàn cứu hộ Việt Nam đã trao tặng Thổ Nhĩ Kỳ 2 tấn hàng hóa y tế để phục vụ cho việc cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả do thảm họa động đất.
Đoàn Việt Nam đã trao tặng toàn bộ số thiết bị y tế này cho phía Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Cơ quan Ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD).
Hai tấn hàng hóa y tế này bao gồm các loại thuốc cấp cứu, cơ số thuốc thiết yếu, vật tư y tế, lều trại dã chiến. Bên cạnh đó còn có các phương tiện, hóa chất phòng, chống dịch và thiết bị y tế sử dụng trong tình huống cấp cứu thảm họa.
Sau khi nhận đồ viện trợ, AFAD cho biết sẽ điều phối về các bệnh viện và trung tâm hỗ trợ y tế, nơi mà đang rất thiếu thuốc men cũng như các thiết bị y tế cấp cứu.
Cơ quan Ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) tiếp nhận trang thiết bị y tế của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Ngay khi nhận được đồ viện trợ, ông Isamail Sahin - Phó giám đốc cơ quan AFAD tại TP Adiyaman (Thổ Nhĩ Kỳ) đã gặp trưởng đoàn Việt Nam là Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH để gửi lời cảm ơn sâu sắc về sự giúp đỡ này của Bộ Công an, Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng cho biết, đoàn công tác của Bộ Công an đã hỗ trợ AFAD vận chuyển số hàng viện trợ về các khu vực được chỉ định. Trong đó, có bệnh viện lớn nhất của TP Adiyaman để phục vụ công tác cấp cứu và điều trị. Số còn lại sẽ được chuyển ra các trạm y tế lưu động.
Theo TTXVN, đoàn công tác cứu hộ quốc tế của Bộ Công an Việt Nam gồm 24 chiến sĩ tinh nhuệ. Các chiến sĩ đều được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm từng tham gia nhiều vụ cứu nạn, cứu hộ.
Các chiến sĩ đã di chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ bằng chuyên cơ từ ngày 9/2. Đoàn có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng cứu hộ nước bạn và các nước khác khẩn trương tìm kiếm những nạn nhân còn kẹt lại trong trận động đất.
Khoảng 12h30 (giờ địa phương, tức 16h30 giờ Việt Nam) ngày 10/2, các chiến sĩ đã đến sân bay ở TP Adana (Thổ Nhĩ Kỳ) và bắt đầu công việc cứu nạn, cứu hộ tại TP Adıyaman từ sáng 11/2.
Trong ngày đầu tiên thực hiện cứu hộ, cứu nạn tại 1 toà nhà đổ sập ở TP Adıyaman, đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ Pakistan giải cứu thành công một nạn nhân 14 tuổi trong đống đổ nát. Tại đây, trong các ngày tiếp theo, đoàn Việt Nam và Pakistan đã phối hợp đưa 2 thi thể ra ngoài.
Được biết, TP Adıyaman là một trong ba vùng bị thiệt hại nhiều nhất trong thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 6/2.
Cũng liên quan đến công tác hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất, báo Người lao động thông tin, ngày ngày 13/2, đội cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an Việt Nam đã di chuyển đến làm việc tại hiện trường mới. Địa điểm cũ sẽ do lực lượng địa phương chịu trách nhiệm tìm kiếm các nạn nhân.
Ngày 6/2, một trận động đất mạnh 7,9 độ richter đã xảy ra tại miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, tâm chấn nằm ở thị trấn Pazarcik (tỉnh Kahramanmaras). Sau đó các khu vực lân cận tiếp tục rung lắc mạnh bởi 6 đợt dư chấn tiếp theo. Trận động đất đã ảnh hưởng nặng nề đến hai quốc gia là Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Tính đến ngày 13/2, số người tử vong trong vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới hơn 34.000 người chết. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ có hơn 29.600 người chết và Syria khoảng hơn 4.574 người chết.
Dự kiến 22 giờ tối ngày 12/2, từ sân bay Nội Bài, đoàn cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lên đường. Hành trang họ mang theo gồm những gì?
Do có dư chấn động đất ảnh hưởng, Đoàn Công tác cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ phải tạm dừng công tác cứu hộ xuyên đêm
GĐXH - 5 cán bộ được cử sang Thổ Nhĩ Kỳ cứu hộ sau thảm họa động đất đều là những thành viên tinh nhuệ của Phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ (PC07) Công an TP. HCM.