
GĐXH - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ gây mưa rét, có nơi rét đậm.
Đoàn cứu hộ Việt Nam xác định nhiều vị trí nạn nhân động đất tại Myanmar

Đoàn Công tác dùng chó nghiệp vụ xác định vị trí nạn nhân. Ảnh: C07
Ngày 31/3, theo Người lao động, tin từ Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (C07, Bộ Công an) cho biết trưa cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Công an đã bắt đầu tìm kiếm, cứu nạn, góp phần khắc phục những hậu quả nặng nề do trận động đất cường độ 7,7 độ gây ra tại Myanmar ngày 28/3.
Theo đại diện C07, sau khi họp thống nhất với lực lượng điều phối, chính quyền Myanmar đã đưa Đoàn công tác tới hiện trường tại thủ đô Naypyidaw (Myanmar) đầu tiên cách vị trí đóng quân 20 phút di chuyển. Hiện trường là tòa nhà 3 tầng sụp đổ hoàn toàn trên diện tích 200 m2.
Tại khu vực này lực lượng chức năng xác định phía trước căn nhà có 1 nam trên 60 tuổi bị mắc kẹt, phía sau tòa nhà có phụ nữ khoảng 30 tuổi mắc kẹt. Bước đầu, đã phát hiện tử khí, lực lượng Công an hiện đang sử dụng chó nghiệp vụ để xác định vị trí nạn nhân.
Trước đó chiều 30-3, Đoàn cứu hộ của Bộ Quốc phòng gồm 80 quân nhân, do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, đảm nhiệm vai trò Tổng Chỉ huy và Đoàn Công tác của Bộ Công an gồm 26 sĩ quan do Đại tá Nguyễn Minh Khương, trưởng đoàn đã có mặt tại Myanmar để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ quốc tế.
Ngoài cử lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ, Việt Nam đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp đồ cứu trợ theo đề nghị của Myanmar, viện trợ 300.000 đô la Mỹ giúp Myanmar khắc phục hậu quả động đất.
Chính quyền Myanmar cho biết hiện khoảng 1.700 người đã thiệt mạng, 3.400 người bị thương và hơn 300 người mất tích sau trận động đất mạnh 7,7 độ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cuộc khủng hoảng ở Myanmar là tình trạng khẩn cấp mức độ 3, cấp cao nhất trong Khung ứng phó khẩn cấp.
Miền Bắc còn bao nhiêu đợt không khí lạnh?

Tháng 4 không khí lạnh sẽ hoạt động yếu dần.
Miền Bắc đang có đợt rét cuối cùng của mùa, dân gian hay gọi là "rét nàng Bân", dự báo đợt rét này có thể kéo dài đến khoảng ngày 2/4. Do ảnh hưởng của không khí lạnh từ nay đến ngày 2/4, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Bắc Bộ và Thanh Hóa từ nay đến 2/4 dự báo trời rét, có mưa nhỏ về đêm và sáng. Trong đó, hôm nay là ngày rét nhất của đợt này. Nhiệt độ thấp nhất chỉ từ 12 - 15 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C. Còn nhiệt độ cao nhất khoảng 16 - 19 độ C. Riêng Sơn La, Điện Biên, Lai Châu ít nhận hơi lạnh và có nắng nên ban ngày ấm hơn, 23 - 26 độ C.
"Rét nàng Bân" là đợt rét muộn thường xuất hiện vào tháng 3 âm lịch ở miền Bắc Việt Nam. Năm 2025, tháng 3 âm lịch bắt đầu từ ngày 31 tháng 3 và kết thúc vào ngày 29 tháng 4 dương lịch. Do đó, theo quan niệm dân gian, "rét nàng Bân" năm 2025 dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng thời gian này.
Theo lý giải của các chuyên gia về khí hậu, đây thực chất là đợt rét muộn, chịu ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc tràn về vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 dương lịch, khi thời tiết đã ấm lên khá nhiều.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tại, ENSO đang từ La Nina suy yếu và có thể đạt trạng thái trung tính vào giữa năm, làm tăng nguy cơ mưa lớn cục bộ, ngập úng đô thị, lũ quét và sạt lở đất. "Năm nay Biển Đông có thể đón 11-13 cơn bão, trong đó 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, nguy cơ xuất hiện bão mạnh cấp 12 trở lên vẫn cao" - ông Khiêm nói.
Về diễn biến thời tiết từ tháng 4 đến tháng 6, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết từ tháng 4 đến 6-2025, bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền tương đương với mức trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm trên Biển Đông khoảng 1,8 cơn, đổ bộ vào đất liền khoảng 0,3 cơn). Trong thời kỳ dự báo, không khí lạnh hoạt động với cường độ và tần suất giảm dần.
Nắng nóng diện rộng có khả năng xuất hiện tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 4-2025, muộn hơn so với trung bình nhiều năm, với số ngày nắng nóng ít hơn so với cùng kỳ năm 2024.
Ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực vùng núi thuộc Bắc và Trung Trung Bộ, trong tháng 4-2025, cường độ nắng nóng ít gay gắt hơn so với cùng kỳ năm 2024. Từ tháng 5-2025, nắng nóng có khả năng gia tăng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Cơ quan khí tượng cũng nhận định trong tháng 4-2025, khả năng xuất hiện những đợt mưa chuyển mùa ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Cần đề phòng những đợt mưa vừa, mưa to ở các khu vực này trong tháng 5 đến 6-2025.
Phát hiện 40 mỏ vàng với trữ lượng gần 30 tấn ở Tây Bắc

Khu vực Tây Bắc phát hiện 40 mỏ vàng với trữ lượng gần 30 tấn.
Trên SK&ĐS thông tin, Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa công bố kết quả "Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (Đề án Tây Bắc)".
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, sau gần 8 năm triển khai, Đề án Tây Bắc đã hoàn thành được bản đồ địa chất – khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên 13.381 km, bao phủ vùng Tây Bắc. Đề án phát hiện 110 mỏ khoáng sản thuộc 25 loại khoáng sản quý và quan trọng.
Đáng chú ý, trong số các mỏ khoảng sản kim loại vừa được phát hiện, có tới 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên xác định được hơn 29,8 tấn vàng. Ngoài ra, tại một mỏ đồng ở tỉnh Lào Cai, các đơn vị nghiên cứu còn phát hiện ra khoáng sản đi kèm vàng, trữ lượng khoảng 420 kg vàng.
Theo đó, ông đề nghị các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quản lý tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, nâng cao năng lực giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
110 mỏ thuộc 25 loại khoáng sản quý, quan trọng mới phát hiện trong quá trình triển khai dự án sẽ là nguồn nguyên liệu khoáng đáng kể, quan trọng cung cấp cho các ngành, các địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội nếu được khai thác, chế biến và sử dụng trong thời gian tới.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tây Bắc. Đây là một trong những đề án điều tra địa chất cơ bản lớn nhất cả nước, có quy mô rộng, đối tượng đa dạng, thời gian thực hiện kéo dài gần 8 năm.
Kết thúc vào năm 2024, Đề án Tây Bắc đã hoàn thành toàn bộ khối lượng được giao. Nổi bật là các đơn vị thực hiện Đề án đã lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên 13.081 km²; thực hiện 498 lỗ khoan với tổng chiều sâu hơn 46.000 mét, trong đó 90% lỗ khoan gặp thân quặng – một tỉ lệ rất cao.
Một thành tựu quan trọng của Đề án là đã phát hiện và đánh giá 110 mỏ khoáng sản, gồm 25 loại khác nhau như đất hiếm, thiếc-wolfram, vàng, đồng, antimon, đá mỹ nghệ, đá vôi công nghiệp… Trong đó có 17 mỏ quy mô lớn, 43 mỏ trung bình và 50 mỏ nhỏ - vượt gấp đôi mục tiêu ban đầu.
Ngoài ra, Đề án cũng đã khoanh định 7 khu vực có triển vọng khoáng sản ẩn sâu, dự báo 15 diện tích phân bố đá magma có tiềm năng khoáng sản chiến lược; điều tra chi tiết 3 khu vực địa nhiệt ở Điện Biên, Lai Châu và Sơn La; phát hiện các di chỉ địa chất và cảnh quan địa mạo có giá trị.
Đặc biệt, Đề án đã hoàn thành bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1:250.000 toàn khu vực Bắc Bộ và tỉnh Nghệ An, thu thập 14 bộ mẫu vật điển hình và bàn giao cho các tỉnh sử dụng.
Để phát huy tối đa kết quả điều tra, cũng như phát huy tiềm năng to lớn của tài nguyên khoáng sản, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị các địa phương cần sử dụng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản đã được bàn giao để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo khai thác khoáng sản bền vững.
Xác định nguyên nhân hàng trăm căn hộ chung cư ở TPHCM nứt tường, tróc nền

Nhiều vết nứt xuất hiện trên tường trong nhà cư dân chung cư Diamond Riverside, quận 8. Ảnh: Người lao động
Hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại chung cư Diamond Riverside (phường 16, quận 8, TPHCM) phản ánh căn hộ của họ xuất hiện nhiều vết nứt tường, nền gạch bị bong tróc, nghi do dư chấn của vụ động đất tại Myanmar.
Đến sáng nay, Ban quản lý chung cư Diamond Riverside đã nhận được nhiều tin báo của cư dân về đợt rung chấn, kèm theo là những hình ảnh tường nứt, bong gạch ở hành lang.
Ban quản trị chung cư Diamond Riverside đã khảo sát các nhà bị ảnh hưởng và mời cơ quan chức năng đến ghi nhận tình hình.
Các vết nứt hiện nay theo từng vị trí, từng căn hộ. Có những căn khe hở vết nứt khá sâu, hở kéo dài 1 - 2 m hoặc có nhà chỉ là những vết nứt nhỏ.
Ban quản lý chung cư Diamond Riverside đã tiếp nhận phản ánh của khoảng 350 hộ dân về tình trạng tường nứt và nền gạch bị bong tróc chưa rõ nguyên nhân.
Đáng chú ý, các căn hộ bị nứt tường nằm rải rác ở 4 toà nhà của chung cư Diamond Riverside. Hiện, Ban quản lý chung cư Diamond Riverside đã liên hệ UBND quận 8 để phối hợp kiểm tra toàn bộ hệ thống hạ tầng của chung cư và thống kê thiệt hại ban đầu.
Theo đại diện UBND quận 8, qua thông tin kiểm tra, chỉ có các cư dân tại chung cư Diamond Riverside phản ánh bị nứt tường, nền gạch bị bong tróc. Sự việc đã được báo cáo đến cơ quan chuyên môn của Sở Xây dựng.
Tuy nhiên, để xác định đây có phải là hậu quả của dư chấn động đất hay không thì cần có kết luận chính thức từ cơ quan chuyên môn.
Xác minh clip nhóm nữ sinh tiểu học hút thuốc lá trong trường

Hình ảnh nhóm nữ sinh tiểu học hút thuốc lá điện tử. Ảnh cắt ra từ clip
Sở GD-ĐT tỉnh An Giang đang khẩn trương xác minh thông tin liên quan tới clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh 5 nữ sinh mặc đồng phục trường tiểu học, đứng hút thuốc lá trong khuôn viên trường.
Mấy ngày qua, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip gần 1 phút ghi lại cảnh 5 nữ sinh mặc đồng phục đang hút thuốc lá. Nhóm nữ sinh còn đưa thuốc lá 'mời' một bạn nam cùng hút.
Theo người đăng tải clip, sự việc được quay tại khuôn viên một trường tiểu học trên địa bàn TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Ngày 31/3, trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang cho biết, ngay khi nhận được thông tin phản ánh, Sở đã nhanh chóng liên hệ với lãnh đạo UBND TP Long Xuyên đề nghị rà soát, xác minh trên địa bàn.
"Sở cũng lưu ý các cơ sở giáo dục trên phạm vi toàn tỉnh tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống bạo lực học đường và tác hại của thuốc lá", ông Khanh chia sẻ.
Bác sĩ vạch trần tội ác của người cha dượng quê An Giang
Sáng 31/3, thông tin trên Người lao động, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Hồ Trần Minh Có (SN 1995; ngụ thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi "Giết người".
Có cùng với chị Nguyễn Thị Hồng N. (SN 1998; ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) sống chung như vợ chồng. Tối 29-3, Có và N. đưa bé gái N.T.H.L (SN 2017, là con riêng của N.) đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang khu vực Châu Đốc trong tình trạng hôn mê.
Tại đây, Có và N. cho biết cháu L. chơi với bạn thì bị té ngã. Qua thăm khám, bác sĩ xác định L. bị chấn thương não và nhiều vết thương trên người. Nhận thấy dấu hiệu bất thường nên bác sĩ báo cáo lên lãnh đạo bệnh viện để nơi đây trình báo với công an.
Qua điều tra ban đầu, Công an thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang) nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm nên báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang.
Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang chỉ đạo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra đến hiện trường phối hợp tổ công tác số 2 của công an tỉnh (phụ trách địa bàn Châu Thành – Châu Phú) cùng các đơn vị nghiệp vụ và Công an thị trấn Vĩnh Thạnh Trung nhanh chóng điều tra, xác minh làm rõ.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an xác định Có là đối tượng trực tiếp gây ra thương tích đối với cháu L. nên mời về trụ sở làm việc. Ban đầu, Có quanh co nhưng sau đó đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Trong quá trình điều tra, xác định khoảng tháng 12-2024, Có đến tỉnh Bình Dương làm thuê thì quen và sống chung như vợ chồng với N. và cháu L. Sau Tết Nguyên đán 2025, Có đưa mẹ con N. về nhà Có tại thị trấn Vĩnh Thạnh Trung sinh sống.
Tối 28-3, sau khi uống rượu về, Có thấy L. đang ngậm ngón tay nên dùng một thanh gỗ đánh 4 cái vào vùng mông của L. gây thương tích và 1 cái vào vùng thái dương khiến L. gục xuống đất.
Sau đó, Có và N. đưa L. đi tắm và thay đồ rồi đi ngủ. Đến khoảng 20 giờ ngày 29-3, Có đi uống rượu về thấy N. và L. đang ngủ thì dùng 2 tay bế L. tung lên cho rớt xuống nệm mỏng lót trên sàn nhà khiến L bất tỉnh. Sau đó, Có tri hô rồi cùng mọi người đưa L. đến bệnh viện cấp cứu.
Trước gia cảnh khó khăn của gia đình cháu L. không có tiền để phẫu thuật cho cháu nên Đảng uỷ, UBND thị trấn Vĩnh Thạnh Trung và Công an thị trấn Vĩnh Thạnh Trung đã hỗ trợ cháu 25 triệu đồng.
Hướng dẫn thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động tại Hà Nội
Theo TTXVN, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (thuộc Sở Nội vụ) vừa có hướng dẫn thủ tục về chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Theo đó, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể lựa chọn hình thức nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo 2 hình thức: Nộp trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hoặc nộp trực tiếp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Bộ phận Một cửa, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số 215 phố Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội, và số 144 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội.
Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, và được tổ chức Bảo hiểm xã hội xác nhận.
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên, trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc đối với hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc xác định thời hạn.
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng, trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ, hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi làm việc khi bị mất việc làm, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc theo quy định.
Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày (tính theo ngày làm việc), kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, người lao động có thể lựa chọn nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến, hoặc trực tiếp tùy theo điều kiện của bản thân để đảm bảo thuận tiện nhất.
Trong đó, đối với nộp hồ sơ trực tuyến: Người lao động sẽ nhập từ khóa tìm kiếm: ncovi.dichvucong.gov.vn để nộp hồ sơ trực tuyến theo quy định. Chụp sẵn văn bản chứng minh đã chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc vào thiết bị di động hoặc máy tính để đính kèm khi nộp.
Sử dụng tài khoản VNeID (tài khoản định danh điện tử) để nộp hồ sơ. Tìm kiếm nhanh "Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp" để nộp hồ sơ; nhập đầy đủ các thông tin theo quy định.
Đính kèm văn bản chứng minh đã chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, và chọn tỉnh/thành phố, Trung tâm Dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ.
Đối với nộp hồ sơ trực tiếp, người lao động cần chuẩn bị văn bản đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu quy định. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc đã hết hạn, hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc; quyết định thôi việc; quyết định sa thải; quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
Sổ Bảo hiểm xã hội đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp; bản sao căn cước công dân.
Người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ, hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền; bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông, hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền; do hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh đó, người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, để giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động.
Ngoài ra, người lao động đang trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu có nhu cầu học nghề thì được tư vấn, hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 17/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, trong tháng 2/2025, đơn vị này đã tiếp nhận 3.579 hồ sơ của người lao động trên địa bàn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng 454 trường hợp so với tháng trước, và tăng 524 người so với cùng kỳ năm trước.
Thẩm định và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 3.458 trường hợp, giảm 390 hồ sơ so với tháng trước và giảm 987 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2024. Số tiền hỗ trợ là 144,5 tỷ đồng.
Trong đó, từ ngày 20/1/2025 - 21/2/2025, có 3.102 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nộp qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, 2.180 hồ sơ đủ điều kiện xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho trên 3,3 nghìn người lao động, hỗ trợ học nghề cho 91 người với số tiền 356,2 triệu đồng.
Đánh giá về việc hỗ trợ học nghề đối với người lao động, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, đây là một chính sách quan trọng nhằm giúp người lao động thích nghi với sự thay đổi của thị trường lao động, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều ngành nghề chịu tác động từ tự động hóa và chuyển đổi số. Việc hỗ trợ học nghề không chỉ giúp người lao động có thêm kỹ năng, mà còn gia tăng cơ hội tìm việc làm mới, giảm áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.