GĐXH - Chiều 9/2, Bộ Công an tổ chức lễ xuất quân cử đoàn công tác sang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ và cung cấp hỗ trợ nhân đạo sau thảm họa động đất; Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết các lực lượng chức năng đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể ở địa phương và đơn vị quản lý tòa nhà giải quyết sự việc 1 người phụ nữ cầm dao dọa hàng xóm ở chung cư.
Từ 1/4, COVID-19 là bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân TP.HCM, tháng 6/2021.
Bộ Y tế vừa bổ sung COVID-19 vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Thông tư này có hiệu lực từ 1/4.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa ký ban hành Thông tư 02/2023 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2016 quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
Thông tư 02 đã bổ sung COVID-19 vào danh sách các bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đó, bệnh COVID-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.
Người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 bao gồm 3 nhóm:
Một là nhóm người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế.
Hai là nhóm người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa virus SARS-CoV-2.
Ba là nhóm người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm virus SARS-CoV-2. Các trường hợp thuộc nhóm này gồm:
- Người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà
- Người vận chuyển, phục vụ bệnh nhân
- Người vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh
- Người giám sát, điều tra, xác minh dịch COVID-19
- Nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng
- Chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an
- Người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch COVID-19.
Theo Bộ Y tế, thời gian tiếp xúc tối thiểu (thời gian tiếp xúc ngắn nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây bệnh nghề nghiệp) là một lần. Trong khi thời gian bảo đảm (khoảng thời gian kể từ khi người lao động đã thôi tiếp xúc với nguồn lây đến thời điểm phát bệnh) là 28 ngày.
Ngoài ra, thời gian khám xác định di chứng được quy định sau tối thiểu 6 tháng kể từ khi mắc COVID-19 và được điều trị ổn định. Trường hợp không điều trị ổn định được thực hiện theo quy định hiện hành.
Cũng theo quy định của Bộ Y tế, người làm nghề, công việc trên đây được chẩn đoán xác định mắc COVID-19 do tiếp xúc trong quá trình lao động trong thời gian từ ngày 1/2/2020 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực (1/4) được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp để khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định hiện hành.
Như vậy, danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/4 gồm 35 bệnh, trong đó có những bệnh như viêm phế quản mạn tính, hen, nhiễm độc chì, nhiễm độc nghề nghiệp do benzen hay nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp...
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi và điều bất ngờ trong mẩu giấy để lại
Bé gái bị bỏ rơi canh mẩu giấy nhờ nuôi hộ. Ảnh H.T
Sáng 10/2, lãnh đạo xã Sơn Hồng (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, một bé gái sơ sinh vừa được người dân phát hiện bên vệ đường.
Khoảng 22h20 ngày 9/2, người dân nghe tiếng khóc của trẻ con ở trục đường thôn 4 của xã Sơn Hồng. Lại gần, họ phát hiện một bé gái sơ sinh nặng 3kg cùng mẩu giấy ghi rõ đích danh "nhờ gia đình chị Hiền nuôi hộ".
Nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã phối hợp với người dân đưa bé gái đến trạm y tế xã chăm sóc.
"Qua kiểm tra sức khỏe, cháu bé hoàn toàn bình thường. Bé gái được phát hiện trên trục đường cạnh nhà chị Hiền. Chính quyền đang thông báo để tìm người thân cho cháu bé. Nếu quá thời gian quy định mà người thân cháu bé không đến nhận, chúng tôi sẽ làm các thủ tục cần thiết cho nhận con nuôi", cán bộ xã Sơn Hồng thông tin.
Sở TT-TT Lâm Đồng không xử lý đơn kiến nghị xử phạt Đặng Thùy Trang của Thùy Tiên
Thùy Tiên đã gửi đơn kiến nghị đến Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng để xử lý bà Đặng Thùy Trang
Ngày 10/2, trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng, cho hay sau khi nhận được đơn kiến nghị của Nguyễn Thúc Thùy Tiên, thanh tra Sở đã mời cô đến làm việc.
"Ngày 8/2, đại diện của Thùy Tiên đã đến Sở, cung cấp bằng chứng về hành vi của bà Đặng Thùy Trang là Trang đã dùng Facebook cá nhân tự ý đăng tải những thông tin, hình ảnh của Thùy Tiên khi chưa nhận được sự đồng ý. Tuy nhiên sau khi xem xét, kiểm tra, thanh tra Sở xác nhận bà Đặng Thùy Trang không có thường trú hoặc tạm trú tại Lâm Đồng. Bà Trang có thường trú tại Cần Thơ. Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng không có thẩm quyền xử lý vụ việc. Chúng tôi sẽ gửi thông báo cho Thùy Tiên sau".
Theo đơn gửi Sở, Thùy Tiên trình bày bà Trang là chủ tài khoản mạng xã hội Facebook mang tên Đặng Thùy Trang, đã tự ý đăng tải thông tin, hình ảnh cá nhân của cô lên mạng xã hội khi chưa được phép, nhằm xuyên tạc, đưa tin sai sự thật, bôi nhọ uy tín, hình ảnh của người đẹp.
Hoa hậu Thùy Tiên làm việc với Sở TT-TT Lâm Đồng sau status "có 1 chuyện hài không tưởng" và loạt bài viết trên Facebook Đặng Thùy Trang
Cụ thể ngày 27/3/2022 Đặng Thùy Trang viết: "Có một chuyện hài không tưởng về top 6 gương mặt tiêu biểu…". Trong đó có sử dụng hình ảnh của Nguyễn Thúc Thùy Tiên.
Ngày 26/9/2022, Đặng Thùy Trang đăng hình ảnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thông báo về kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm. Trong đó chứa thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, hộ khẩu thường trú của Thùy Tiên.
Hiệu trưởng lên tiếng vụ nhóm nữ sinh lột áo, đánh bạn giữa đường
Nữ sinh lớp 7 bị nhóm nữ sinh khác lột áo, đánh đập giữa đường gây bức xúc dư luận.
Hai ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài hơn 1 phút quay lại cảnh một nữ sinh bị lột áo, đánh hội đồng. Video đã thu hút người xem. Nhiều người tỏ ra bất bình vì hành động đánh bạn dã man ngay giữa đường.
Thời điểm xảy ra sự việc, xung quanh có nhiều nữ sinh khác đứng xem nhưng đã không ai vào can ngăn. Một nữ sinh đã dùng điện thoại quay video lại rồi chia sẻ lên mạng xã hội.
Qua xác minh được biết, nhóm nữ sinh đánh bạn này đang theo học tại trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An).
Ông Hồ Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) xác nhận, nhóm nữ sinh đánh bạn đang theo học tại trường này. Cụ thể, có 3 học sinh gồm hai em học sinh lớp 7 và một em lớp 8.
Sau khi sự việc xảy ra, phía trường đã nắm bắt được thông tin đồng thời gọi các em học sinh và phụ huynh lên trường để làm rõ sự việc.
Bước đầu xác định, em học sinh bị đánh là học sinh trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Các em có quen biết nhau trên mạng xã hội và xảy ra mâu thuẫn nên tìm đến để giải quyết.
Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Phương cho biết thêm, hiện Công an xã Quỳnh Nghĩa (huyện Quỳnh Lưu) - nơi xảy ra sự việc đã vào cuộc xác minh làm rõ sự việc. Công an xã này cũng đang có văn bản gửi về trường về hướng xử lý sự việc.
"Các em còn nhỏ tuổi nên công an cũng giao về cho nhà trường, gia đình và địa phương tiếp tục dạy bảo, quản lý, chăm sóc", Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Phương nói và cho biết, sau vụ việc, nạn nhân không bị thương tích gì và hiện đã đi học bình thường.
3 chiến sĩ công an lao xuống hồ cứu sống học sinh bị đuối nước
Chiến sĩ công an xã Hoà Tiến hô hấp nhân tạo, cấp cứu thành công một học sinh
Vụ việc xảy ra vào khoảng 15 giờ 45 ngày 9/2 tại hồ nghĩa trang liệt sĩ xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng.
Thời điểm trên, người dân địa phương phát hiện em P.N.V.H (SN 2011; học sinh trường THCS Nguyễn Phú Hường, xã Hoà Tiến) bị đuối nước nên đã tri hô người đến ứng cứu.
Phát hiện sự việc, 3 chiến sĩ Công an xã Hoà Tiến đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và lao xuống hồ lặn tìm. Sau khi đưa em học sinh lên bờ, 3 chiến sĩ công an đã cùng anh Nguyễn Đức Thuận (SN 1991, trú Hòa Tiến) hô hấp nhân tạo, cấp cứu nạn nhân thành công.
Được biết, 3 chiến sĩ công an trên là đại uý Trần Quang Vinh, thượng uý Ngô Ngọc Phú và thượng uý Trần Hữu Tuyết, đều công tác tại Công an xã Hoà Tiến.
Người đàn ông rơi xuống giếng sâu 25 m ở Hà Nội
Lực lượng cứu nạn đưa nạn nhân lên khỏi giếng. Ảnh: Công an cung cấp.
Khoảng 10h ngày 10/2, anh Phùng Thế Bản (sinh năm 1982, ở xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội) bị ngã xuống giếng nước tại nhà riêng.
Người dân phát hiện sự việc và báo cho lực lượng chức năng. Nhận tin báo, Công an huyện Ba Vì đã chỉ đạo Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ huy động 2 xe đặc chủng cùng 14 chiến sĩ tới hiện trường cứu nạn.
Lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn do giếng nước sâu hơn 25 m, đường kính giếng 50 cm rất nhỏ, hẹp, khó tiếp cận.
Sau khoảng 10 phút, lực lượng cứu nạn đã tiếp cận được nạn nhân và đưa anh Bản ra khỏi giếng nước. Nạn nhân được sơ cứu sau đó và không nguy hiểm tới tính mạng
Sang nhà hàng xóm chơi, bé 3 tuổi bị chó cắn rách mặt
Gia đình cho biết: Bệnh nhi sang nhà hàng xóm chơi và bị chó tấn công. Nghe tiếng la hét của bệnh nhi, hàng xóm và gia đình chạy lại thì thấy bệnh nhi đang bị chó cắn, kiểm tra thấy bị thương ở vùng mặt 2 bên má, vết rách chảy nhiều máu, bám bụi bẩn.
Ngay lập tức, gia đình đã đưa bệnh nhi đến cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Sau khi kiểm tra, bệnh nhi được chuyển lên Khoa Mắt, Tai mũi họng - Răng hàm mặt.
Theo mẹ bệnh nhi, con chó tấn công bệnh nhi được gia đình hàng xóm nuôi để trông nhà. Tại thời điểm xảy ra sự việc, chó được thả rông, không rọ mõm.
Bác sĩ Vương Phương Thảo, Khoa Mắt, Tai mũi họng - Răng hàm mặt, người trực tiếp xử lý vết thương cho biết: Tình trạng khi bệnh nhi vào viện bị thương ở vùng mặt 2 bên má, rách sát vách mũi và có nhiều vết thương hở chảy nhiều máu. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vết thương góc trong mắt bên trái vị trí gần mắt nhất.
Sau khi đánh giá tình trạng vết thương, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khâu phục hồi đa vết thương và đồng thời tư vấn tiêm phòng uốn ván, tiêm huyết thanh phòng dại, dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng.
Hà Nội: Trâu điên húc người phụ nữ đi đường vỡ gan
Đang đi xe máy trên đường, cô gái trẻ bị trâu điên húc vỡ gan
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh một người phụ nữ bị trâu điên bất ngờ húc bay từ đê xuống vệ đường. Clip sau khi đăng tải đã nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của cộng đồng mạng.
Theo nội dung clip, sự việc xảy ra vào ngày 19/1, tại đường đê tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh. Thời điểm này, trên đường đê có nhiều người qua lại, một người phụ nữ mặc áo màu trắng đang điều khiển xe máy di chuyển trên đường đê thì bất ngờ một con trâu từ đâu xuất hiện, lao vào, húc người này ngã ra đường.
Khi nạn nhân cố gắng bò dậy, con trâu tiếp tục tấn công rồi hất văng người phụ nữ lên không trung. Nạn nhân bị hất tung lên cao và rơi xuống thân đê. Con trâu lao theo nạn nhân nhưng sau đó mất đà, lao xuống con đường phía dưới rồi bỏ chạy.
Liên quan tới sự việc, ngày 9/2, chị Đ.T.T. (30 tuổi, quê Thái Bình, đang thuê trọ tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) - nạn nhân bị trâu húc trong clip, cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng 8h40 ngày 19/1, tại đường đê tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh.
Chị T cho hay: "Sáng 28 Tết, tôi đi chợ mua đồ ăn về cho gia đình. Khi tôi đang đi trên đê, đoạn gần ngã ba giao giữa thôn Cổ Điển và Yên Hà (xã Hải Bối) bỗng có một con trâu chạy tới. Nó lao vào người phụ nữ đi phía trước nhưng bị trượt và đổi hướng sang tôi. Ngay khi nhìn thấy con trâu lao trượt người phía trước, tôi đã dừng xe tắt máy, định bỏ chạy nhưng không kịp. Tôi bị trâu hất ngã ra đường. Tôi cố bò dậy không ngờ con trâu lại tiếp tục lao tới hất tung tôi lên như trong clip".
Tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp do thời tiết nồm ẩm