Trạm hải đăng Nhật Lệ nằm trên khu vực đồi cao bên trục đường ven biển Nhật Lệ thuộc phường Hải Thành, TP. Đồng Hới (Quảng Bình).

Ngọn hải đăng này có chiều cao 37m so với mực nước biển, phạm vi chiếu sáng 360° với ánh sáng trắng có thể vươn xa 18,9 hải lý (khoảng 35km). 

Trạm đèn biển được xây dựng trên khu vực từng là phòng tuyến Nhật Lệ được được hình thành từ những năm 1631, thuộc hệ thống lũy Đào Duy Từ.

11-167296439444223595878.jpg

Trạm đền biển Nhật Lệ nằm ở khu vực đồi sát cửa biển thơ mộng.

Ngọn đèn biển ấy đã phơi mình dưới nắng gió để ngắm nhìn những con sóng từ dịu êm rồi dữ dội của bãi biển thơ mộng, nhìn đất và người nơi đây đổi thay từng ngày. 

Nhưng Hải đăng Nhật Lệ chưa bao giờ quên đi nhiệm vụ của bản thân là giúp tàu thuyền định hướng xác định vị trí, báo hiệu dẫn luồng, chỉ dẫn vị trí có chướng ngại vật ngầm nguy hiểm...

Hiện tại Trạm hải đăng Nhật Lệ có 5 cán bộ hằng ngày dành trọn tâm huyết để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công việc hàng ngày của họ là kiểm tra từng chi tiết trong hệ thống phản quang, lau chùi bóng đèn định kỳ và các thiết bị phụ trợ, theo dõi các thông số kỹ thuật đèn biển, hệ thống pin năng lượng mặt trời,… 

Đến đúng 18h đèn biển sẽ được thắp sáng, kéo dài cho đến 6h sáng hôm sau. Khung giờ được giữ nguyên cho 365 ngày trong năm. Họ cũng kiêm luôn cả việc theo dõi luồng lạch, báo cáo các đơn vị chức năng nếu như có sự cố xảy ra như thuyền mắc cạn, trôi phao...

22-16729644984231907272495.jpg

Ngọn hải đăng Nhật Lệ đã phơi mình dưới nắng gió để ngắm nhìn những con sóng từ dịu êm rồi dữ dội của bãi biển thơ mộng, nhìn đất và người nơi đây đổi thay từng ngày.

Đã gắn bó với nghề giữ đèn biển hơn 30 năm, anh Trần Văn Phúc, Trạm trưởng Trạm đèn biển Nhật Lệ cho biết, công việc của người canh đèn biển không quá bận bịu nhưng yêu cầu tính cẩn trọng và sự chỉnh chu trong mọi việc. Bởi nếu để xảy ra một sai sót nhỏ sẽ gây xáo trộn lớn trên biển xa.

"Nhiều người cứ nghĩ là làm việc ở trạm hải đăng nhàn lắm, vì chỉ loanh quanh ở khuôn viên đây thôi. Nhưng với mỗi việc nhỏ, anh em chúng tôi đều phải tỉ mỉ và đặt tâm trí vào đấy để bà con ngoài khơi đêm đến thấy ánh đèn mới được yên tâm", anh Phúc cho biết.

21-16729644984571655245033.jpg

Để đèn biển luôn hoạt động hoàn hảo, người gác đèn cần mẫn thực hiện những công việc thường nhật.

Để đèn biển hoạt động đều đặn như được lập trình sẵn, những người gác đèn phải luôn có mặt tại điểm làm việc. 5 cán bộ sẽ thay nhau trực tại đơn vị, để trong bất kỳ tình huống nào hải đăng cũng phải sáng đèn trong đêm.

"Đèn biển Nhật Lệ có nhiệm vụ là đèn báo cửa cho các tàu thuyền hoạt động trong khu vực và để giao thông trên biển diễn ra an toàn trên vùng biển bao la. 

Không chỉ vậy, ánh sáng của đèn biển còn là biểu tượng của đất liền cho ngư dân, giúp bà con nơi đây yên tâm bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ Quốc. Do vậy, hải đăng luôn phải được thắp trong đêm tối dù trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào", anh Phúc chia sẻ.

3-1-16729644983711298776104.jpg

Cán bộ trạm thực hiện công tác ghi chép nhật ký các hoạt động của trạm.

Những cán bộ công tác tại trạm này đều là những người xa quê, đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhưng khi lựa chọn công việc là người canh "mắt biển" và được phân công công tác tại Quảng Bình, họ đã xem nơi đây là nhà, bà con ngư dân là những người thân.

"Tất cả anh em chúng tôi ở đây đều là người xa quê. Vì vậy, đến công tác tại Quảng Bình với nhau cũng xem như là người trong nhà, cùng ăn uống, cùng sinh hoạt với nhau. Nhờ đó cũng đỡ đi nhiều nỗi nhớ nhà cho mấy anh em", anh Trần Văn Phúc cho biết.

Phần lớn thời gian của những người cán bộ trạm đền biển đều sống xã gia đình nên thời gian họ thấy vui vẻ nhất là khi gọi điện về nhà nói chuyện với vợ con, người thân, bạn bè. Niềm vui gói gọn sau vài phút ngắn rồi họ lại chú tâm vào nhiệm vụ.

"Tôi đi công tác xa, nên việc chăm lo gia đình đều nhờ cả vào vợ. Nhưng may mắn, gia đình luôn thông cảm và dành lời động viên, nên tôi cũng thêm phần yên tâm, vững vàng để gắn bó với công việc ở Quảng Bình", anh Nguyễn Lương Hân (SN 1986, Hà Tĩnh), cán bộ tại Trạm chia sẻ.

1-1-16729644983961085772204.jpg

Trạm hải đăng Nhật Lệ cũng là địa chỉ lui tới để tham quan của không ít du khách.

Ánh sáng của ngọn đèn biển như sợi dây kết nối ngư dân ngoài biển xa với đất liền đã góp phần tạo nên không gian giao thông trên biển an toàn. 

Với sự tận tâm và cẩn trọng trong công việc, người canh gác "mắt thần" Nhật Lệ đã giúp bà con ngư dân an lòng trong những chuyến biển. Những cán bộ tại Trạm cũng không khỏi tự hào khi trong suốt nhiều năm qua ánh sáng của ngọn Hải đăng Nhật Lệ sáng đều đặn mỗi khi đêm về.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, những người canh đèn biển lại thêm lâng lâng nỗi nhớ nhà. Bởi cái nghề đặc biệt nên dường như họ chẳng biết lễ Tết là gì. Khi nhà nhà đang tận hưởng cảm nhận niềm vui sum vầy thì họ vẫn thực hiện nhiệm vụ. Cũng như ngày thường, những cán bộ tại trạm vẫn luôn phải có mặt để đảm bảo ánh sáng của hải đăng không tắt trong đêm. 

"Chúng tôi không có nghỉ Tết, anh em vẫn thay phiên nhau trực. Trước Tết thì cũng chuẩn bị hoa, quà, bánh trái để có cái không khí của Tết. Không được đón Tết cùng người thân cũng buồn bởi Tết thường là thời gian sum vầy. Đến giao thừa, khi chưa vào ca trực thì tranh thủ gọi về chúc Tết cho gia đình rồi lại tất bật làm nhiệm vụ. Anh em cũng luôn động viên nhau phải cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ", anh Trần Văn Phúc chia sẻ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022