Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên y bác sĩ và người bệnh

thu-tuong-pham-minh-chinh-1674283434967917874504.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, chúc Tết bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: TTXVN

Sáng 30 Tết, tại bệnh viện Việt Đức, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế của bệnh viện khi phải làm việc với cường độ cao, áp lực lớn; đồng thời chia sẻ với các gia đình người bệnh đang phải điều trị tại các bệnh viện trên cả nước, chúc các bệnh nhân sớm phục hồi.

Thủ tướng mong các thầy thuốc luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "Thầy thuốc như mẹ hiền", đặt việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân lên trên hết, trước hết, luôn tận tình, trách nhiệm, chia sẻ với bệnh nhân và người nhà.

Thủ tướng mong đội ngũ y bác sĩ tiếp tục nâng cao y đức, tay nghề, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường đổi mới sáng tạo để tìm giải pháp tối ưu nhất trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Đến động viên, tặng quà các y bác sĩ và người bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà Bệnh viện đã đạt được, nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; mong các thầy thuốc phát huy tinh thần "Sáng y đức, sâu y lý, giỏi y thuật".

Để giảm tải cho các bệnh viện trong những ngày Tết, Thủ tướng kêu gọi nhân dân cả nước nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, không để xảy ra các hoạt động gây thương tích. 

Người dân TP HCM chờ ngắm pháo hoa đêm giao thừa 

Ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần, tại các trung tâm của các thành phố, người dân cả nước nô nức đổ ra đường vui chơi, háo hức chờ khoảnh khắc giao thời, những màn pháo hoa tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới Quý Mão 2023. 

nguoi-dan2-16743098241271154717223.jpg

Các con đường đổ về trung tâm TP HCM đông nghẹt người, rộn ràng không khí đón xuân. Ảnh: NLĐ

Các con đường đổ về trung tâm TP HCM đã sớm đông nghẹt người từ 19 giờ ngày 21-1 (30 tháng chạp) chờ đón thời khắc bắn pháo hoa giao thừa. Đây là năm đầu tiên bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán sau 2 năm ngưng bắn vì dịch COVID-19. 

Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) chật kín người đến vui chơi, chụp ảnh, đón chờ thời khắc chuyển giao năm mới. Khác hẳn với sự vắng lặng trên các tuyến đường ngoài khu trung tâm như quận Bình Tân, quận 5, quận 6..., không khí tại con phố này đang rộn ràng hơn bao giờ hết.

Theo ghi nhận của PV, các bãi gửi quanh khu vực phố đi bộ đã kín chỗ từ sớm, giá giữ xe máy dao động từ 20.000-50.000 đồng. Đúng 20h, lực lượng chức năng phong tỏa, cấm xe lưu thông vào nhiều tuyến đường khu vực trung tâm.

Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa ở 31 điểm

Từ 0h đến 0h15 ngày 22/1 (đêm giao thừa Tết Quý Mão), TP Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa ở 31 điểm (riêng Hồ Gươm 2 trận địa), trong đó 7 điểm tầm cao và 24 điểm tầm thấp.

ha-noi-16743094342541562938661.jpg

Ảnh minh họa

Có 4 điểm bắn pháo hoa tầm cao kết hợp với tầm thấp và hỏa thuật (tạo hiệu ứng ánh sáng, màu sắc bắt mắt nhưng không gây tiếng nổ) gồm: Hồ Gươm chia làm hai trận địa ở trước Trụ sở báo Hà Nội mới và trước Bưu điện Hà Nội; vườn hoa Lạc Long Quân; trước cổng trụ sở UBND quận Tây Hồ; khuôn viên đường đua Fl, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm.

Ba điểm bắn pháo hoa tầm cao kết hợp tầm thấp gồm: Đảo tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn ở công viên Thống nhất, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng; hồ Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông và thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây.

24 quận, huyện còn lại mỗi đơn vị có một điểm bắn pháo hoa tầm thấp, bố trí tại các hồ, công viên, sân vận động. Kinh phí bắn pháo hoa khái toán 25 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.

Người Hà Nội quây quần luộc bánh chưng trên vỉa hè 

Vào những ngày cuối cùng của năm, đi dọc một số tuyến đường Hà Nội dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người dân bên nồi bánh chưng đang đỏ lửa ở những ô đất trống trên vỉa hè.

banh-chung-16742833681491859663137.jpg

Thức xuyên đêm nấu nồi bánh chưng khiến mọi người thích thú, đặc biệt là trẻ em.

Những bếp bánh chưng nghi ngút khói được người dân "nổi lửa" ngay trên vỉa hè các tuyến đường ở Hà Nội. Tại đường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), những nồi bánh chưng đã được gia đình ông Hàn đun sôi sùng sục. Nồi bánh chưng được luộc liền trong 12 tiếng. Ông Hàn phải trực xuyên đêm, đảm bảo nước trong nồi cũng như củi lửa còn đủ.

Đây là năm thứ 11 gia đình ông Hàn bắc bếp mồi lửa nấu bánh chưng. Bánh chưng ông Hàn làm chủ yếu phục vụ người thân, gia đình, hàng xóm xung quanh khu nhà. Để tiện trông bánh, ông Hàn mang luôn chiếc giường gấp để ngả lưng trên vỉa hè.

Một người dân cho biết: Từ khi lập gia đình, năm nào nhà tôi cũng gói và nấu bánh chưng để giữ gìn nếp văn hóa truyền cho đời con đời cháu. Cả gia đình quây quần bên nhau cùng nhau chuẩn bị và gói nấu bánh. Gia đình luộc khoảng 30 cái để chia cho các con, các cháu", ông cho biết.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022