Thầy cô "kéo" học trò đến trường

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mỹ Lý - huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) những ngày qua vẫn còn tình trạng học sinh chưa trở lại trường sau Tết.

Dù số học sinh nghỉ học vẫn còn khá đông, nhưng ông Trần Văn Quý - Hiệu trưởng nhà trường tin tưởng học sinh sẽ sớm trở lại trường vì toàn bộ học sinh nghỉ học nhà trường đã nắm rõ danh sách, tìm hiểu kỹ lý do và chưa gặp một trường hợp nào đáng "lo ngại".

hoc-sinh-vung-cao-1708262167685719938759.jpg

Giờ chào cờ, tập trung học sinh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đoọc Mạy (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).

"Trên địa bàn xã Mỹ Lý có khá nhiều gia đình đi làm ăn ở các tỉnh phía Nam. Theo tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, trước khi xa gia đình, họ sẽ tổ chức cúng, liên hoan và các em sẽ ở lại nhà cho đến hết tuần và trở lại trường vào đầu tuần này " - thầy Quý cho hay.

Hiện Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mỹ Lý có hơn 300 học sinh. Trong số này 2/3 học sinh đang ở bán trú tại trường nên ngay khi học sinh quay lại trường học, nhà trường đã tổ chức bán trú, đảm bảo để các em yên tâm học tập ngay trong những ngày đầu năm mới.

Từ ngày mồng 5 Tết, các thầy cô của ngôi trường vùng sâu, vùng xa, thuộc xã biên giới đặc biệt khó khăn Đoọc Mạy của huyện Kỳ Sơn đã phải trả phép trở lại trường sớm. Đến ngày mùng 6 Tết (tức 15/2), 100% thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đoọc Mạy có mặt ở trường và tổ chức dạy học bình thường. Riêng về phía học sinh, trong ngày học đầu tiên sau Tết, đã có 70% sĩ số được huy động tới trường.

hoc-sinh-vung-cao-tro-lai-sau-tet-17082621676271235955033.jpg

Giờ học đầu năm mới của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mỹ Lý.

"Đây là con số đáng mừng và quá tốt đối với một trường vùng cao có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông. Một số em ở bản xa đã được bố mẹ đưa đến trường từ chiều hôm trước. Ngay trong ngày đầu tiên, chúng tôi đã tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh đầy đủ", ông Trần Hữu Trường – Hiệu trưởng trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đoọc Mạy cho biết.

Người Mông thường chọn sinh sống ở các bản làng xa xôi, trên núi cao, nên đường đến trường còn khá khó khăn. Năm học này, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Đoọc Mạy có 247 học sinh, trong đó có 104 em ở bán trú đến từ các bản như: Phá Kháo, Phà Nọi, Huồi Viêng… Số học sinh hiện đang vắng học chủ yếu ở bản Noọng Hán là do nhà ở quá xa trường.

Ban giám hiệu nhà trường và các thầy cô giáo cũng đã liên lạc với trưởng bản để thông tin và nắm tình hình thực tế. Qua phản hồi, trưởng bản xin phép thầy cô cho một số học sinh nghỉ hết tuần và sẽ quay trở lại trường vào đầu tuần tới. Lý do các em ở độ tuổi tiểu học còn nhỏ, đường đi đến trường qua đèo dốc, bố mẹ chưa đưa trẻ đi học được.

Với đặc thù của một trường có khá đông học sinh người Mông, người Thái nên thời gian qua, nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến việc học sinh bỏ học sớm để lập gia đình. Từ đầu năm học này, thực hiện chủ trương phòng, chống tảo hôn, trường đã phối hợp với chính quyền xã và các ban, ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động đến từng thôn, bản.

ngan-hoc-sinh-vung-cao-bo-hoc-1708262167692378086662.jpg

Học sinh tham gia Tết trồng cây bằng việc chăm sóc, tưới nước cho vườn hoa hồng trong khuôn viên trường.

Trong quá trình học sinh nghỉ học, dù có một số điểm bản phía trên 2 bản Huồi Khói và Chà Lạt, bản Huồi Phí ở xa trung tâm, sóng điện thoại chập chờn nhưng giáo viên của nhà trường vẫn cố gắng thường xuyên liên lạc với trưởng bản và các phụ huynh, học sinh ở xa. Một số bản còn có những chiếc điện thoại riêng, đặt ở nơi sóng ổn định để nhà trường có thể dễ dàng kết nối với phụ huynh nên việc liên lạc bị gián đoạn không nhiều.

Những việc làm thiết thực giúp học sinh trở lại trường

Sau gần 2 tuần nghỉ Tết Nguyên đán, ngày 15/2 (ngày 6/1 Âm lịch) toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã trở lại trường theo đúng kế hoạch. Việc dạy và học ở nhà trường cũng đã sớm được trở lại bình thường.

Trong ngày đầu tiên trở lại trường đi học của năm mới, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Đoọc Mạy có nhiều hoạt động phong phú tạo không khí tươi vui, phấn khởi cho học sinh. Buổi sáng, các thầy cô gặp mặt, nắm sĩ số, chúc mừng năm mới, lì xì cho học sinh bằng bánh kẹo, bút, vở… Sau đó nhà trường tổ chức Tết trồng cây bằng cách cho học sinh chăm sóc vườn hoa hồng trong trường học, tổ chức trò chơi dân gian, múa hát tập thể.

base64-1708263092832332754219.jpeg

Thực hiện mô hình trường bán trú giúp Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Mường Típ 2 duy trì ổn định được sĩ số lớp.

Bên cạnh nề nếp học tập, thì công tác bán trú cũng nhanh chóng ổn định từ tổ chức bữa ăn đến phân công giáo viên trực quản lý, đảm bảo an toàn cho học sinh từ ngày học đầu tiên.

Theo ông Trần Hữu Trường - Hiệu trưởng trường Phổ thông DTBT Tiểu học Đoọc Mạy, kể từ khi tổ chức bán trú đến nay, việc huy động trẻ đến lớp tốt hơn, không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Hiệu quả và chất lượng giáo dục toàn diện học sinh được nâng lên rõ rệt. Trong những ngày tới, nhà trường sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến sĩ số học sinh và có biện pháp phù hợp để sớm huy động đầy đủ các em đến lớp.

Từ trước Tết, Sở đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục nắm vững số lượng học sinh của từng địa phương, bản làng để phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể, cấp hội có giải pháp vận động học sinh đến trường khi có biến động số lượng sau Tết Nguyên đán.
ÔNG NGUYỄN TRỌNG HOÀN - CHÁNH VĂN PHÒNG SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NGHỆ AN

Bệnh cạnh đó, đầu năm mới, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng khuyến khích các nhà trường tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, giáo dục kĩ năng, chú trọng tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động nội trú, bán trú ở các trường có học sinh nội trú, bán trú nhằm tạo các sân chơi bổ ích để thu hút học sinh đến trường.

bua-an-ban-tru-hoc-tro-vung-cao-170826216239113698880.jpg

Bữa ăn bán trú đầu năm học mới của học sinh huyện vùng núi cao Kỳ Sơn.

Những hoạt động ý nghĩa này không chỉ đem đến không khí vui tươi phấn khởi cho thầy trò trong ngày đầu trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đồng thời, giáo dục học sinh ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, giúp các học sinh và giáo viên cùng gắn kết, cùng nỗ lực cố gắng, thi đua để hoàn thành nhiệm vụ năm học, về đích thành công.

Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học sau Tết, thầy cô cần phải tăng cường phối hợp làm cầu nối giữa nhà trường - gia đình và chính quyền địa phương. Thầy cô không chỉ động viên học sinh đến lớp mà còn phải xem xét đến từng điều kiện, hoàn cảnh của các em để có biện pháp hỗ trợ cụ thể về vật chất cũng như tinh thần giúp các em trở lại trường. 

Cụ thể đối với những học sinh học yếu có nguy cơ bỏ học, cần sớm giúp đỡ kịp thời. Thầy cô nên tập hợp các em lại để phụ đạo xóa yếu từ đầu năm để giúp các em tự tin, hứng thú khi đến trường. Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chia sẻ.

13-1697073414396229941965-0-0-720-1152-crop-16970738602622007002439.jpgBữa ăn, chốn ở đong đầy tình thương mà học sinh vùng cao Nghệ An được nhận từ các thầy, cô

GĐXH- Với mô hình bán trú "ký túc xá" bằng nhà sàn, sự chăm sóc tận tình của các thầy cô cho các em học sinh vùng cao xứ Nghệ làm ấm thêm tình người nơi xa xôi, hẻo lánh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022