Sáng 18/2, tại núi Ngũ Phong (phường An Tây, TP. Huế) Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ hội đền Huyền Trân với chủ đề 'Ngưỡng vọng tiền nhân'.
Từ sáng sớm, đông đảo người dân, du khách đổ về lễ hội để dâng hương vãn cảnh.
Chương trình khai mạc của lễ hội bắt đầu bằng buổi biểu diễn nghệ thuật sử thi đặc sắc, tái hiện lại cuộc đời và công lao to lớn của Công chúa Huyền Trân.
Sau phần lễ tái hiện, lễ hội đền Huyền Trân tiếp tục với các hoạt động văn hóa nghệ thuật và thể thao như biểu diễn ca nhạc, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, biểu diễn ca Huế, nghệ thuật bài chòi, các trò chơi dân gian.
Lễ hội đền Huyền Trân nằm trong chương trình “Lễ hội mùa xuân của Festival Huế năm 2024”, chương trình nhằm quảng bá đến với du khách thập phương những hình ảnh, giá trị di sản văn hóa, một vùng đất mang đậm giá trị bản sắc văn hóa của cả nước, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố Festival của Việt Nam.
Ông Lê Quang Sơn (trú TP. Huế) chia sẻ, lễ hội năm nay được tổ chức chu đáo, tạo không khí trang trọng, vui tươi những ngày đầu xuân, đặc biệt mọi người đến tham dự lễ rất đông. "Nơi đây lưu giữ những giá trị lịch sử để các thế hệ có thể tìm hiểu, biết đến qua đó thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn", ông Sơn nói.
Chị Võ Thị Thu Hường (trú TP. Huế) cho biết: "Lần đầu tiên đến dự Lễ đền Huyền Trần, cảm nhận đó là bầu không khí rất rộn ràng, vui tươi. Đến đây, tôi cầu mong cho mọi người có thể nhiều sức khỏe, có một năm mới an lành, công việc thuận lợi, may mắn".
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lễ hội đền Huyền Trân nhằm tri ân công lao to lớn của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân trong việc mở mang bờ cõi đất nước về phương Nam.
"Đến với lễ hội này, mọi người thành tâm thắp nén tâm hương tưởng nhớ đến Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, một vị vua anh minh, người dẫn dắt dân tộc và làm nên đỉnh cao của nền văn minh Đại Việt, tầm vóc của một thời đại lớn trong lịch sử Việt Nam và Công chúa Huyền Trân. Người gần 720 năm trước đã hy sinh tình riêng để góp công sức mở mang bờ cõi Đại Việt lập nên vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế có vị thế xứng đáng trong lịch sử của đất nước...", ông Phan Thanh Hải cho biết.
Như trở thành thông lệ, mỗi độ xuân về, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân - một địa chỉ văn hóa tâm linh ngày một trở nên rộn ràng trong sự nô nức của nhân dân và du khách thập phương về chiêm bái tổ tiên, tri ân những người đã có công mở mang bờ cõi và cầu nguyện những điều tốt lành của một năm mới.
Du khách chen chân tại lễ hội tri ân người có công lao mở đất, mở nước.
Theo ghi nhận vào ngày 17/1 (tức mùng 8 Tết Nguyên đán 2024), hàng vạn người từ khắp nơi đổ về chùa Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) để chiêm bái, tham quan, đi lễ đầu năm.