Khi số phận "gõ cửa"
Trong ngôi nhà nhỏ tại Yên Nghĩa, Hà Đông (Hà Nội), chị Lan - người mẹ 34 tuổi, vừa chăm sóc gia đình, vừa bán hàng online vẫn từng ngày đồng hành cùng con trai là bé Tiến Minh trên hành trình chống chọi với một căn bệnh mang tên ruột búi.
Căn bệnh ruột búi được phát hiện khi bé Tiến Minh mới chỉ 2 tuổi rưỡi. Sau một thời gian dài khi thấy con mình chậm lớn, viêm đường ruột và không tăng cân, chị Lan đã quyết định đưa con đi khám và ngỡ ngàng nhận kết quả con trai không may bị mắc căn bệnh hiếm.
Chị từng nghĩ mình đã nhầm. Nhưng không, đó là sự thật. Sự thật đau đớn đến nghẹn lòng: "Lúc nhận kết quả từ xét nghiệm Hàn Quốc, tôi thực sự sốc. Tỷ lệ mắc bệnh chỉ 1/50.000 - 1/100.000. Tôi từng nghĩ chắc có sự nhầm lẫn nào đó, nhưng rồi cũng phải chấp nhận sự thật rằng con đã lấy hai đoạn gen lỗi từ bố mẹ và bị bệnh".

Bé Tiến Minh 7 tuổi nhưng có thân hình 'siêu mini' được mọi người yêu thích bởi sự nhỏ bé, dễ thương.
Cuộc sống với những chuỗi ngày chẳng giống ai, mỗi bữa ăn, mỗi nhịp sống là một cuộc chiến
Theo chị Lan, trước đây, bé Tiến Minh chỉ ăn được cháo loãng và uống sữa. Nếu con ăn món gì lạ là con bị viêm đường ruột và phải nhập viện. Việc ăn uống trở thành nỗi ám ảnh với cả gia đình. Giờ đây dù đã ăn được nhiều hơn nhưng chị Lan vẫn luôn trong trạng thái phải canh chừng và lo sợ.
Tiến Minh là một cậu bé 7 tuổi nhưng nhỏ bé hơn bạn bè cùng trang lứa. Dù lanh lợi, nhanh nhẹn ở nhà nhưng bé lại nhút nhát, ngại giao tiếp với người lạ. Cũng không ít lần, con có những câu nói ngây thơ mà thấm đẫm tình yêu thương: "Khi em trai mới sinh, con chạm tay em rồi bảo: Con muốn chân tay to như em... Mẹ nghe xong chỉ biết quay đi lau nước mắt. tới giờ vẫn nhớ mãi...", chị Lan nhớ lại.

Hai cậu con trai kháu khỉnh, đáng yêu của vợ chồng chị Lan đang nở nụ cười vui tươi trước ống kính.
"Mẹ ơi, con không thích bà đó..."
Không chỉ phải đối mặt với bệnh tật, Tiến Minh còn từng bị người lạ nhận xét về ngoại hình. Có người đã từng nói ngay trước mặt chị Lan và Tiến Minh những lời nói như lưỡi dao cứa vào lòng chị: "Có lần đi mua rau, một bà bán hàng bảo tôi rằng sao để con gầy như thế này? Không chăm con à? Con không hề khóc hay thể hiện thái độ không vừa lòng, con chỉ lặng lẽ về nhà thì thầm với mẹ rằng 'Mẹ ơi, con không thích bà đó đâu', câu nói của con non nớt nhưng khiến tôi nhói lòng".
Theo chị Lan, dù sức khoẻ bé còn yếu, chỉ mới đạt 8.4kg và cao 77cm nhưng con cũng đang có nhiều cải thiện so với trước kia. Bé dần ăn được nhiều món hơn và đang được học lớp mẫu giáo lớn tại một trường mầm non trên địa bàn Hà Nội. Môn học yêu thích của bé là tiếng Anh.
Chị Lan kể: "Trộm vía ở trường, các cô giáo cũng đều yêu thương và đặc biệt quan đến Tiến Minh. Các bạn cùng lớp cũng được giáo viên chuẩn bị tâm lý để không trêu chọc con. Con luôn yêu tiếng Anh, yêu những giờ kể chuyện và thương hay về nhà kể lại mẩu chuyện nhỏ của con ở trường. Đó cũng là điều khiến tôi hạnh phúc nhất".
Một cậu bé biết yêu thương, một người mẹ không gục ngã

Người mẹ nhỏ nhắn nhưng ấm áp và rạng rỡ hơn bao giờ hết. Đằng sau nụ cười này chính là 7 năm chiến đấu không buông bỏ và quyết tâm đến tận cùng của hành trình.
Dù số đo của con chưa thực sự phù hợp với lửa tuổi, nhưng tâm hồn con thì đã vượt ra khỏi mọi con số. Con biết quan tâm mẹ, biết không làm phiền khi mẹ mệt. Gần đây, con bắt đầu biết thể hiện tình cảm với mẹ nhiều hơn: "Con là cậu bé rất hiểu chuyện. Khi mẹ ốm, con không quấy, biết xoa lưng mẹ rồi nói: Mẹ đừng ốm nữa nhé! Trước đây, con ít khi thể hiện tình cảm nhưng giờ con đã biết thơm má mẹ, biết nói yêu mẹ. Dù ít nói nhưng tôi cảm thấy đó là cả một bước tiến lớn đối với con. Nhìn thấy con ngày một tích cực, người mẹ như tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết" - chị Lan xúc động nói.
Minh đặc biệt yêu thích siêu nhân. Từ chăn gối, giày dép của con, tất cả đều là hình siêu nhân. Con nói sau này lớn lên muốn làm siêu nhân vì có siêu năng lực để cứu giúp con người. Có lúc con lại bảo muốn làm đầu bếp để được nếm thử thật nhiều món ăn ngon. Một cậu bé 7 tuổi có một tâm hồn rộng lớn hơn thân hình của chính mình.
Chia sẻ với PV GĐ&XH, chị Lan gạt nước mắt: "Tôi từng nói chuyện với con về bệnh tình của con, về việc con đặc biệt hơn những đứa trẻ khác. Con gật đầu hiểu chuyện, hỏi lại mẹ nhiều lần. Nhưng tôi không giấu giếm, tôi tin con mình có quyền được biết, được hiểu và được yêu thương đúng cách.
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị dứt điểm cho bệnh của con. Gia đình vẫn đang chăm sóc theo hướng theo dõi phản ứng của cơ thể, tăng cường dinh dưỡng và tăng cường đi khám định kỳ.
Chị Lan gửi lời tâm sự đến những người mẹ có con mặc bệnh hiếm: "Chúng ta đừng tự trách mình, đừng dày vò bản thân và nghĩ rằng mình đơn độc. Tình yêu và niềm tin có thể không chữa lành bệnh, nhưng nó đủ sức giúp bạn và con đi được đến tận cùng hành trình".
Lới nhắn gửi đến con trai trong tương lai của người mẹ trẻ: 'Nếu một ngày nào đó, khi con lớn lên và đọc lại những dòng này, mẹ chỉ muốn nói rằng, con hãy sống thật khoẻ mạnh và trở thành một người tử tế. Thế giới này có thể khắc nghiệt, nhưng con đừng bao giờ để mất trái tim nhân hậu trong mình".
Dù có lúc tôi cũng tưởng chừng mình cạn lực, không thể tiếp tục nhưng cho phép mình gục ngã thì chưa bao giờ. Tôi tin rằng mọi điều xảy ra đều có lý do. Tôi tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng. Đặc biệt, tôi tin rằng con chính là món quà kỳ diệu nhất mà tôi được ông trời trao tặng".
Không có ánh hào quang, không một lời than thở, hành trình của hai mẹ con giống như bản tình ca thầm lặng của tình mẫu tử, nơi mỗi bước đi là một phép màu. Giữa những bất công của số phận, chị Lan chọn cách không buông xuôi. Tiến Minh - với trái tim bé nhỏ vẫn từng ngày lớn lên bằng niềm tin, bằng ước mơ, bằng ánh mắt rực rỡ không chịu dập tắt trước bão giông.

GĐXH - Giữa bộn bề công việc của một chiến sĩ công an, trung úy Đỗ Văn Linh vẫn dành thời gian dạy học miễn phí cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Lớp học 0 đồng của anh không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức, mà còn là nơi thắp sáng ước mơ, lan tỏa yêu thương.

GĐXH - Giữa những ngày tháng vất vả chống chọi với bệnh tật, nhiều bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K Tân Triều tìm thấy một điểm tựa đặc biệt - ngôi nhà trọ miễn phí tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

GĐXH - Nằm trên con phố Mai Anh Tuấn (quận Đống Đa, Hà Nội), VAPs (Vietnam's Autism Projects) là nơi làm việc của những nhân viên mắc chứng tự kỷ. Vượt qua nhiều rào cản, mô hình này đã mang đến những câu chuyện đầy cảm hứng về sự nỗ lực và thay đổi.

GĐXH - Những nét phấn tưởng chừng đơn giản lại 'biến hóa' thành những hình ảnh sống động giúp học trò không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn say mê từng bài giảng.