GĐXH - Ngọc Trinh đã được trả tự do ngay tại tòa hôm 2/2. trước thông tin này, Vũ Khắc Tiệp đã có động thái gây chú ý.
Kết thúc phiên xử sơ thẩm ngày 2/2, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Thị Ngọc Trinh, 34 tuổi (người mẫu Ngọc Trinh) 1 năm tù, cho hưởng án treo và Trần Xuân Đông (36 tuổi) 18 tháng tù.
Theo cáo trạng, Trần Thị Ngọc Trinh bị xét xử về tội Gây rối trật tự công cộng, theo điểm a khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự.
Bị cáo Trần Xuân Đông bị xét xử về 2 tội Gây rối trật tự công cộng theo điểm a khoản 2, và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo khoản 1 Điều 341 Bộ luật Hình sự.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường đánh giá: Bản án sơ thẩm hình sự của tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử đối với Ngọc trinh và Xuân Đông như vậy là có tình, có lý, có căn cứ pháp luật và thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng, nhân văn hướng thiện.
"Đối với vụ án hình sự thì có hai vấn đề đặt ra là vấn đề tội danh và hình phạt. Việc giải quyết vụ án hình sự sẽ tập trung vào hai vấn đề này, theo đó việc xác định bị cáo có tội hay không, nếu có thì là tội gì, áp dụng pháp luật như thế nào. Vấn đề thứ hai là trong trường hợp bị cáo có tội thì sẽ áp dụng hình phạt nào cho phù hợp, thể hiện tính răn đe giáo dục cũng như để phòng ngừa chung cho xã hội", luật sư Cường phân tích.
Bị cáo Ngọc Trinh được đưa đến tòa (Ảnh: Thành Chung/Vietnam+)
Việc kết tội đối với hai bị cáo là có căn cứ
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng, theo kết quả điều tra vụ án và kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa sơ thẩm cho thấy việc cơ quan tiến hành tố tụng xét xử đối với hai bị cáo này về tội gây rối trật tự công cộng và tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức là có căn cứ, đúng pháp luật.
Các bị cáo có hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn khi tham gia giao thông mà không có giấy phép lái xe phù hợp, điều khiển phương tiện không đúng tư thế động tác, như nằm trên xe, đứng buông hai tay... vi phạm các quy định của luật giao thông đường bộ về quy tắc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.
Hành vi này diễn ra nơi công cộng, các bị cáo nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, chính quyền địa phương có văn bản đề nghị xem xét xử lý.
Điều đáng chú ý là ngoài việc thực hiện hành vi vi phạm, các bị cáo còn ghi hình và đăng tải lên mạng xã hội có nhiều người theo dõi, gây ra dư luận xấu, có thể tác động ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và thói quen của giới trẻ.
Trong quá trình điều tra vụ án, các bị can đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình. Các chứng cứ vật chất mà cơ quan điều tra đã thu thập được trên tài khoản mạng xã hội của Ngọc Trinh và các vật chứng của vụ án, thông tin từ người làm chứng, những người liên quan đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội.
Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung cáo trạng đã truy tố và tỏ ra thành khẩn, ăn năn về hành vi của mình.
"Với kết quả điều tra, truy tố, xét xử như vậy thì tòa án kết tội hai bị cáo về tội gây rối trật tự công cộng và kết tội bị cáo Trần Xuân Đông về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức là có cơ sở, đúng pháp luật", luật sư Cường phân tích, với kết quả xét xử sơ thẩm, thì có lẽ các bị cáo sẽ không kháng cáo về tội danh cũng như mức hình phạt mà tòa án sơ thẩm đã tuyên.
Thời gian tạm giam không được trừ vào thời gian chấp hành án treo
Theo nội dung cáo trạng truy tố Trần Thị Ngọc Trinh về tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 2, 318 bộ luật hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngọc Trinh bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội nhiều lần là có căn cứ, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điều 52 bộ luật hình sự. Tuy nhiên căn cứ để áp dụng khoản 2 đối với Ngọc Trinh là chưa rõ ràng, chính vì vậy tòa án xét xử Ngọc Trinh theo khoản 1, Điều 318 bộ luật hình sự là có cơ sở, đúng pháp luật.
"Với kết quả điều tra truy tố xét xử, tòa án kết tội Ngọc Trinh là có căn cứ, bị cáo được hưởng án treo là có cơ sở và thể hiện sự khoan hồng nhân đạo. Với một thời gian tạm giam, được giải thích giáo dục thì bị cáo đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, tỏ ra ăn năn hối cải, có nơi cư trú rõ ràng và có khả năng tự cải tạo giáo dục, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên không cần thiết phải giam giữ bị cáo cũng đủ để răn đe phòng ngừa cho xã hội và đủ để giáo dục bị cáo trở thành người tốt sống có ích cho xã hội".
Theo ông Cường: "Trên cơ sở nhận định và lập luận, việc tòa án quyết định hình phạt 12 tháng tù với Ngọc Trinh và cho hưởng án treo là hoàn toàn phù hợp (Miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, "treo" án lên nếu không chấp hành tốt pháp luật, tiếp tục phạm tội thì "hạ" xuống để phải chấp hành)".
Theo luật sư Cường, thời hạn tạm giam có thể trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù hoặc cải tạo không gian giữ. Tuy nhiên với các bị cáo được tòa án miễn trách nhiệm hình sự, được áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì thời gian tạm giam sẽ không được bù trừ vào thời gian chấp hành hình phạt, không được đền bù bồi thường bởi việc tạm giam là có căn cứ.
Chính vì vậy, mặc dù được hưởng án treo, không phải chấp hành hình phạt tù 12 tháng nhưng thời gian tạm giam của Ngọc Trinh cũng sẽ không được đền bù, không được tính để trừ vào thời gian thử thách.
Xét thấy, người mẫu Ngọc Trinh ăn năn, hối cải, phạm tội lần đầu và có nhiều hoạt động xã hội nên HĐXX đã quyết định tuyên phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo, trả tự do cho cô ngày tại tòa.