Những ngày này, cư dân sinh sống ven dãy Hoành Sơn ở các xã Quảng Châu, Quảng Kim, Quảng Hợp, Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình lại rủ nhau lên núi hái quả thanh mai chín mọng.
Quả thanh mai hay còn được gọi là quả dâu rượu, dâu rừng. Loại quả này có vị chua chua, ngọt ngọt cùng màu sắc bắt mắt. Quả thanh mai thường được sử dụng như một loại thực phẩm hay vị thuốc.
Người dân nơi đây thường gọi loại quả này là dâu rừng. Phần lớn người đi hái quả dâu rừng là phụ nữ, trẻ em tranh thủ lúc nông nhàn đi hái dâu bán để kiếm thêm thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Liên trú xã Quảng Kim cho biết, trước đây hái dâu rất dễ vì ra bìa rừng là có. Những năm gần đây, người dân trồng cây keo nên muốn hái dâu phải vào thật sâu trong rừng. Để hái được nhiều dâu rừng chất lượng phải vào rừng từ sớm, khi mà trên dãy Hoành Sơn còn đọng sương.
Để vào rừng hái thanh mai cả ngày, cần phải có sự dẻo dai và sức bền để băng suối, vượt đèo, đi xa, sâu vào rừng. Với nguồn thu khá cao, nhiều người rủ nhau cùng lập nhóm vào rừng. Mỗi lần gặp cụm dâu rừng lớn, họ sẽ tìm cách ghi nhớ thật kỹ vị trí để lần sau, mùa sau lại tìm đến.
"Mùa dâu năm nay được giá, mỗi lon bán được khoảng 25 – 50 ngàn đồng, mỗi ngày 3 người trong gia đình đi hái được khoảng 20 - 30 lon (bơ) dâu, cho thu nhập khá", chị Phạm Thị Liệu (37 tuổi) trú xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch cho biết.
Theo người dân địa phương, ngoài việc dùng làm thực phẩm, dâu rừng còn được dùng làm thuốc để chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, lỵ, các bệnh về da...
Theo bậc cao niên địa phương, mỗi năm trên dãy Hoành Sơn có 4 mùa quả móc, sim, thanh mai và muồng. Người dân trong vùng đặt tên từng mùa theo 4 thứ quả ấy và mỗi mùa quả đều mang về cho người dân nguồn thu nhập đáng kể.
Thời điểm sau Tết, các chủ vườn đào tại Nhật Tân ở quận Tây Hồ, Hà Nội tất bật đưa hàng nghìn gốc đào quay về vườn chăm bón, chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Nhu cầu tăng cao, nhiều nhà vườn quá tải nên đành phải từ chối khách.