"Tôi vinh dự, tự hào bởi được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi vừa là chiến sĩ, vừa là nhân chứng. Quá đỗi tự hào"– GS.TS.TTND Nguyễn Văn Mùi nói. Sau lời mở đầu, GS.TS.TTND Nguyễn Văn Mùi hào hứng kể cho phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống những ngày tháng vô cùng đáng nhớ ấy...

GS.TS.TTND Nguyễn Văn Mùi. Ảnh: Hồng Ngọc.
Tháng 3/1975, chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng đã làm thay đổi cục diện chiến trường. Trong khí thế hừng hực đó, trước yêu cầu của chiến trường, ngày 22/4/1975, tôi cùng hơn 100 đồng chí – gồm các bác sĩ, y sĩ của Trường Đại học Quân Y được lựa chọn để thành lập Đội Điều trị 104, mang theo thuốc men, trang thiết bị, sẵn sàng chi viện chiến trường miền Nam.
Ngày tiễn chúng tôi lên đường, sân của Viện Quân Y 103 chật kín đồng đội, người thân và gia đình. Họ tiễn chúng tôi bằng những nắm tay thật chặt. Quang cảnh buổi tiễn đầy lưu luyến và bịn rịn, nên không thể tập trung toàn bộ đội hình. Đồng chí đội trưởng – bác sĩ Bùi Tung đã lệnh cho chúng tôi lên 12 xe vận tải cùng dụng cụ trang bị y tế đi nhanh về huyện Thường Tín. Đến nơi mới dừng xe kiểm tra quân số.
Sau khi đã tập trung đầy đủ, chúng tôi tiếp tục lên đường thẳng tiến về phương Nam.
Xe chạy nhanh qua những vùng mới được giải phóng còn khét lẹt mùi thuốc súng, người dân vui mừng ùa ra hai bên đường, hò reo chào đón, mang nước, bánh, trái cây tiếp tế cho bộ đội. Những nụ cười, ánh mắt tràn đầy niềm tin ấy tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi.
Sau nhiều ngày hành quân dài, dội chúng tôi đã đến thị xã Buôn Ma Thuột, nơi được giải phóng vào tháng 3/1975, từ đó chúng tôi vượt qua sông Bé, tới Đồng Xoài (tỉnh Phước Long cũ). Tại đây chúng tôi ém quân chờ lệnh. Tiếng súng các mặt trận vẫn vang rền khắp nơi. Trên trời, máy bay địch vẫn lượn lờ thả bom vu vơ cạnh bìa rừng. Chúng tôi án binh bất động, chờ lệnh.
5 ngày trôi qua trong sự chờ đợi mà tưởng như đã cả tháng. Lúc đó, chúng tôi đều chuẩn bị tinh thần tham gia chiến đấu. Đến trưa 30/4/1975, tin chiến thắng Sài Gòn giải phóng vang về. Không thể diễn tả hết cảm xúc vỡ òa trong lòng chúng tôi lúc ấy – đất nước thống nhất rồi!
Đêm 30/4/1975, chúng tôi nhận lệnh: Sáng 1/5/1975 đến tiếp quản tại Tổng Y viện Cộng hòa – Bệnh viện Quân Y tuyến cuối lớn nhất của quân nguỵ ngày đó (nay là Bệnh viện Quân Y 175).
Ngay khi nhận được lệnh, cả đêm chúng tôi không ngủ, ai cũng háo hức mong chờ đến sáng lên xe về Sài Gòn.
Sáng 1/5/1975, xe chúng tôi lao nhanh về hướng Sài Gòn, qua những cung đường mới được giải phóng.
Đúng 8 giờ ngày 1/5/1975, chúng tôi đã có mặt tại Tổng Y viện Cộng hòa. Tại đây, Ban chỉ huy Viện và các bác sĩ của chế độ cũ còn ở lại ra tiếp đón chúng tôi để bàn giao. Các bác sĩ nhanh chóng chia nhau về các khoa để chỉ đạo công việc điều trị. Lúc đó, lực lượng chính vẫn là nhân viên cũ bao gồm cả bác sĩ, mỗi khoa chúng tôi chỉ có 1 – 2 người làm nhiệm vụ chỉ huy. Những đêm đầu tiên tại Sài Gòn không thể nào ngủ được bởi cảm giác sung sướng, lâng lâng khi nước nhà được thống nhất.
Khi mới vào tiếp quản, bệnh viện cũ thiếu đủ thứ, từ thuốc men đến các trang thiết bị ngay cả hậu cần cũng thiếu thốn bộn bề. Đội Điều trị 104 của chúng tôi và một số đơn vị khác của quân y miền về hiệp đồng nỗ lực vượt qua khó khăn. Nhiệm vụ càng nặng nề hơn hơn khi có thời điểm thương bệnh binh đông, bệnh viện quá tải. Chúng tôi chia nhau ca, kíp cố gắng làm việc ngày đêm để điều trị tốt nhất cho đồng đội.
Sau khi chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tháng 12/1975, Đội Điều trị 104 trở về miền Bắc, tiếp tục công tác tại Viện Quân Y 103 và Trường Đại học Quân Y.

Học viện Quân y tổ chức gặp mặt Đội Điều trị 104 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Báo QĐND.
50 năm qua, đến dịp 30/4, trong không khí tưng bừng phấn khởi tự hào của cả nước, lòng tôi lại rộn lên niềm vui, tự hào vì đội quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh ngày ấy có các chiến sĩ của Đội điều trị 104, trong đó có tôi.
Chúng tôi vừa là chiến sĩ, là chứng nhân lịch sử của một thời khắc không bao giờ quên.