Nhạc sĩ nói về công việc, cuộc sống, dịp đoạt giải cuộc thi sáng tác Đất nước trọn niềm vui, có ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình đạt bốn tỷ lượt xem trên các nền tảng.

Ca sĩ Duyên Quỳnh hát ca khúc. Video: Nhân vật cung cấp
- Cảm xúc của anh khi các nhạc phẩm từ album ra mắt năm 2023 gần đây được yêu thích?
- Tôi thấy thật sự may mắn bởi gặp được nhiềumối duyên. Với bài Viết tiếp câu chuyện hòa bình, Duyên Quỳnh đã kiên trì mang tác phẩm đi diễn ở các sân khấu lớn, nhỏ. Đến một ngày, bài hát lọt vào tai nhà sản xuất trẻ Đức Tư, được cậu ấy remix thành đoạn nhạc dài 45 giây. Phiên bản này từng lan tỏa khi đội tuyển Việt Nam vô địch ASEAN Cup hồi đầu năm. Nhiều người cũng dùng nhạc nền ghép vào video khai trương Bảo tàng Lịch sử Quân sự ở Hà Nội hay đám cưới các quân nhân. Rồi đến dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, ca khúc nằm trong số ít bài được lựa chọn hát trong đại lễ. Phần biểu diễn giàu kỹ thuật, tinh tế của Võ Hạ Trâm và Đông Hùng đã chạm đến trái tim hàng triệu người. Dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/5, ca khúc có thêm nhiều bản mới.
Nhờ bài hát, tôi nhận được tình cảm từ nhiều thế hệ khán giả. Các quân nhân tặng nón của binh chủng thủy quân, bộ binh. Món quà đặc biệt nhất là vỏ đạn của chiến sĩ lái tiêm kích Su-30MK2. Nhiều thầy cô giáo hỏi tôi ý nghĩa ca khúc để giải đáp lại cho học sinh. Một số em học sinh nhắn tin cảm ơn vì đã ôn "trúng tủ" đề văn về nhạc phẩm.
Ngoài ra, bài Làm theo di chúc thiêng liêng của tôi nhận giải nhì cuộc thi sáng tác. Tôi hạnh phúc khi ca khúc được ban giám khảo đánh giá cao, dần phổ biến trong công chúng.

Tiết mục "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" của Võ Hạ Trâm, Đông Hùng tại sự kiện ngày 30/4, hút bốn triệu lượt xem trên YouTube. Video: VTV
- Khi sáng tác "Viết tiếp câu chuyện hòa bình", anh nghĩ đến điều gì?
- Tôi đau đáu những câu chuyện Duyên Quỳnh kể về ba cô ấy và các đồng đội của ông. Ba của Quỳnh làlính thông tin trong kháng chiến chống Mỹ. Quỳnh thường cùng ông đến các buổi sinh hoạt của cựu chiến binh. Nhiều người trong số họ mất đi một phần cơ thể nhưng vẫn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời.
Một ngày, tôi ngồi trước đàn, đặt bút từ 23h đến rạng sáng thì hoàn thành. Tôi hồi tưởng các chuyến đi về nguồn, khi đứng trước những ngôi mộ vô danh, đài tưởng niệm ghi công. Tôi tự vấn: "Nếu sinh ra ở thời chiến, mình có sẵn sàng hy sinh tuổi xuân cho thế hệ sau hay không?". Tôi muốn ca khúc có thể khơi gợi ở người nghe niềm tự hào dân tộc, lòng biết ơn và khát khao cống hiến. Một bài hát chỉ có vài phút, tôi cân nhắc từng từ từng chữ sao cho súc tích nhất.

Ca sĩ Lan Anh hát "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" tại một sự kiện mừng 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Video: VTV
Tôi chọn câu kết là "ánh nắng chiếu rực rỡ quốc kỳ tung bay phấp phới". Hình ảnh này in sâu trong tâm trí tôi từ những buổi giao lưu với học sinh tiểu học, trung học, những buổi chào cờ đầu tuần. Mỗi lần nhìn lá cờ đỏ sao vàng trong nắng sớm, tôi cảm thấy lâng lâng khó tả.
Ca khúc mở ra nguồn cảm hứng sáng tác mới cho tôi, đó là mạch bài hát tri ân những người con âm thầm gìn giữ bình yên của Tổ quốc. Gần nhất, tôi có bài Biển, mặt đất, bầu trời, nói về các chiến sĩ hải quân, bộ binh và không quân.

Ca khúc "Biển, mặt đất, bầu trời", nhóm 135 trình bày. Video: Nhạc sĩ cung cấp
- Vì sao anh gác lại đề tài tình yêu từng làm nên tên tuổi để viết các nhạc phẩm về quê hương, đất nước?
- Tôi thích thử thách bản thân, chinh phục những đỉnh cao mới. Trước đây, ngoài nhạc tình, tôi cũng có một số ca khúc về gia đình được yêu thích như Nhật ký của mẹ, Cha và con gái.
Tôi hiện có thu nhập ổn định từ tiền bản quyền, viết beat và làm giám đốc âm nhạc. Tôi không có nhu cầu tiêu xài đồ hiệu, chỉ vừa đủ sống và nuôi con, lo cho các bé tương lai ổn định. Tôi cảm thấy mình đã nhận đủ và đến lúc cần cống hiến, cho đi. Theo tôi, nhạc sĩ không thể chỉ viết những ca khúc thỏa mãn cảm xúc cá nhân mà còn có trách nhiệm lan tỏa giá trị tích cực bằng âm nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung ở tuổi 42. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Hiện tại, anh đau đáu điều gì với nghệ thuật?
- Tôi khao khát xây dựng một "khu vườn" âm nhạc thiếu nhi nhiều màu sắc, cô cậu bé nào cũng có thể tiếp cận. Tôi viết nhiều chủ đề như gia đình, thầy cô và mái trường, các ngày lễ, cuộc sống quanh em. Tôi cũng muốn các ca khúc hợp với thời đại được đưa vào hệ thống giáo dục. Những bài hát trước kia rất hay nhưng đôi chút xa rời cuộc sống hiện tại. Tôi nghĩ chỉ khi trẻ hiểu và thích một bài hát, chúng mới hào hứng học.
Tôi bỏ 1,5 tỷ đồng tiền túi, cùng Duyên Quỳnh quay 300 video dạy nhạc. Tôi nghĩ đây là tư liệu hỗ trợ các con có hoàn cảnh khó khăn hoặc ở vùng sâu vùng xa, không có điều kiện đi học hát. Các giáo viên cũng có thể xem đây là nguồn tham khảo.

Ca sĩ Duyên Quỳnh hướng dẫn tập hát "Chị thương em lắm" (Nguyễn Văn Chung) trong dự án "Cùng con tập hát". Video: YouTube 300 bài hát thiếu nhi
- Từ sinh viên ngành du lịch - khách sạn, điều gì đưa anh đến với con đường sáng tác?
- Gia đình bán nhạc cụ nhưng thuở nhỏ, tôi không thích học đàn, mỗi lần mẹ bắt chơi cho khách nghe là khóc. Thời đại học, khi thất tình và muốn tìm một điều mới mẻ để quên đi nỗi buồn, tôi lấy một cây đàn trong góc và tự học nhạc. Lúc đó, giai điệunhư một người bạn, giúp tôi giải tỏa tâm trạng. Viết khoảng 10 bài, tôi được bạn bè trong lớp khen hay, nên tìm cách liên lạc loạt ca sĩ để gửi bài, nhờ thu âm. Anh Nguyên Vũ là người duy nhất đồng ý, anh chọn bài Người thầy năm xưa để diễn trên sân khấu Lan Anh. Tôi nhận nhuận bút 500.000 đồng, là số tiền lớn thời ấy.
Anh Vũ lúc ấy lại là phó giám đốc công ty Nhạc Xanh, đơn vị quản lý nhóm GMC, Khánh Ngọc. Những ca khúc khác của tôi nhờ vậy mà được các nghệ sĩ này thể hiện, đến gần hơn với công chúng. Năm 2008-2009 là giai đoạn rực rỡ nhất thanh xuân của tôi. Nhờ loạt hit như Vầng trăng khóc, Đêm trăng tình yêu, Ngôi nhà hoa hồng, tôi kiếm được một tỷ đồngđầu tiên trong đời, mua ngôi nhà nhỏ ở quận 7 (TP HCM).

Hiền Thục hát "Nhật ký của mẹ". Video: Nhạc sĩ cung cấp
- Anh làm cách nào để cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng?
- Tôi từng trải qua giai đoạn chơi vơi sau khi ly hônnăm 2020, nhưng sau đó vực dậy nhờ xác định được mục tiêu sống. Với tôi, các con là ưu tiên số một. Kim Anh, 15 tuổi, và Hiếu Long, 12 tuổi, đang học cấp hai, đã đến giai đoạn ẩm ương, nhưng tôi chưa gặp khó khăn gì trong việc kết nối với bọn trẻ. Các bạn đã tự lập hơn nên tôi dành cho con không gian riêng tư, sự tôn trọng nhất định. Hiện tại, Kim Anh hứng thú học nhạc nhưng Hiếu Long thì không.
Sau khi mẹ qua đời năm ngoái, tôi cũng muốn có thời gian chăm sóc ba nhiều hơn. Trước khi mất, mẹ luôn sợ ba cô đơn. Ngoài ra, tôi ý thức yêu thương bản thân. Chỉ khi ta khỏe mạnh, hạnh phúc mới lo được cho những người xung quanh. Trước đây, có giai đoạn tôi bỏ bê chính mình, chạy theo guồng quay cuộc sống. Giờ tôi sống chậm lại, cảm thấy bình yên.
Với chuyện yêu đương, tôi không còn giữ quan niệm phải sống chết, hy sinh vì một người như khi còn trẻ. Nếu duyên đến, tôi sẵn sàng đón nhận. Khi hết duyên, tôi không níu giữ, xác định mọi thứ nhẹ nhàng.
Nguyễn Văn Chung sinh năm 1983 ở TP HCM, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ - Tin học. Năm 2005, anh viết Vầng trăng khóc, giúp đôi song ca Nhật Tinh Anh - Khánh Ngọc trở thành hiện tượng. Nhiều bài hát của anh đóng đinh trong sự nghiệp các ca sĩ như Cao Thái Sơn (Con đường mưa), Khánh Phương (Chiếc khăn gió ấm), Akira Phan (Mùa đông không lạnh), Nam Cường (Bay giữa Ngân Hà), Bảo Thy - Quang Vinh (Ngôi nhà hoa hồng), Hiền Thục (Nhật ký của mẹ).
Anh còn thành công trong mảng nhạc thiếu nhi, với số lượng khoảng 300 bài. Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận anh là Nhạc sĩ trẻ có nhiều ca khúc thiếu nhi nhất.
Hà Thu