VNE-Build-1747301518-8419-1747301560.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IG4RXdinbnKXfc6yCIl6Yg

Bảo tàng Guggenheim nhìn từ trên cao. Ảnh: B1M

Đầu thập niên 1990, thành phố Bilbao trải qua thời kỳ khó khăn nên muốn thay đổi hướng đi mới với trọng tâm là văn hóa thay vì than đá và thép. Tòa nhà Guggenheim được đề xuất xây dựng mục tiêu trở thành bảo tàng nghệ thuật hiện đại đẳng cấp thế giới. Chính quyền khu vực đồng ý tài trợ kinh phí 100 triệu USD cho tòa nhà. Vào thời điểm tỷ lệ thất nghiệp dao động ở mức 20%, động thái này vấp phải làn sóng phản đối dữ dội.

Tuy nhiên, một cuộc thi thiết kế đã được tổ chức và tìm ra bài dự thi nổi bật. Đề xuất của Frank Gehry, kiến trúc sư và nhà thiết kế người Canada - Mỹ, không giống bất kỳ bảo tàng nào từng thấy, theo Smart History. Thiết kế của ông thách thức hình khối của các tòa nhà truyền thống, thay thế góc vuông và đường thẳng bằng hình dạng uyển chuyển như đang tan chảy và lấp lánh trong không gian. Nổi tiếng với thiết kế phi truyền thống, Gehry từng phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng với các dự án trước đó. Dù việc chọn Gehry cho dự án Bilbao khá rủi ro, hội đồng tuyển chọn cảm thấy tầm nhìn của ông phù hợp nhất với tham vọng chuyển đổi của thành phố.

Để chuyển đổi hình dạng phức tạp của Gehry thành cấu trúc có thể xây dựng, đội ngũ của ông tìm đến giải pháp bất ngờ là CATIA, phần mềm mô hình hóa 3D ban đầu được phát triển để thiết kế máy bay quân sự. Vào thời điểm đó, phần lớn kiến trúc sư sử dụng công cụ thiết kế hỗ trợ máy tính (CAD) sơ khai, chỉ có thể mô hình hóa trong hai chiều hoặc khối ba chiều đơn giản. Ngược lại, CATIA cho phép nhóm của Gehry mô hình hóa đường cong phức tạp cao với độ chính xác toán học theo quy trình gọi là hình học phi Euclid. Phần mềm này từng được sử dụng để phát triển máy bay chiến đấu Mirage và đóng vai trò chủ chốt trong thiết kế Boeing 777, máy bay kỹ thuật số hoàn toàn đầu tiên trên thế giới.

Từ phác thảo tay, mô hình giấy đến mô phỏng kỹ thuật số, nhóm của Gehry đã phát triển thiết kế của Guggenheim theo cách chưa dự án kiến trúc nào thực hiện trước đây. CATIA không chỉ mô tả hình dạng mà còn phân tách nó thành hàng nghìn phần, mỗi phần có thể sản xuất và lắp ráp với độ chính xác cỡ milimet. Nó cũng giúp giải quyết câu đố làm thế nào để xây dựng bề mặt cong bằng vật liệu phẳng. CATIA có thể "mở" lớp vỏ của tòa nhà, cung cấp mẫu 2D cho mỗi tấm titan, nhiệm vụ mà đội kỹ sư mất hàng tuần để hoàn thành bằng tay.

Titan không phải là lựa chọn ban đầu để làm lớp phủ. Gehry sử dụng hợp kim chì - đồng trên các tòa nhà trước đó, nhưng phải loại bỏ lựa chọn này do vấn đề môi trường. Giải pháp khác là thép không gỉ không phản chiếu ánh sáng như ông mong muốn. Sau đó, tình cờ, Gehry chú ý đến mảnh titan bên ngoài studio của ông ở Los Angeles vào một ngày âm u, cách nó bắt sáng khiến ông nhớ đến Bilbao. Nhưng titan nổi tiếng đắt đỏ, thường được sử dụng trên máy bay hơn là kiến trúc. Bước ngoặt xảy ra vào thập niên 1990 khi Liên Xô sụp đổ dẫn tới tháo dỡ tàu ngầm hạt nhân lớp Alfa. Vỏ titan của chúng được bán đi, tràn ngập thị trường và hạ thấp giá thành của titan.

Guggenheim được phủ 33.000 tấm titan mỏng như giấy, mỗi tấm có kích thước chỉ 80 x 115 cm và định hình chính xác để phù hợp với đường cong phức tạp của tòa nhà. Quá trình xây dựng bắt đầu vào năm 1993, nhóm của Gehry ở California tiếp tục tinh chỉnh mô hình kỹ thuật số, trong khi các kỹ sư ở Chicago và nhà xây dựng ở Bilbao chạy đua để biến dữ liệu thành hiện thực.

Dù CATIA cung cấp thông số kỹ thuật chính xác, nó không chỉ rõ cách xây dựng công trình. Thách thức đó thuộc về các kỹ sư như Juan Ramon Perez Gonzalez. Giải pháp bao gồm cấu trúc nhiều lớp như bộ khung thép cứng bên dưới, khung thứ cấp với dầm cong phía trên, cuối cùng là lưới thứ ba để tạo ra bề mặt cong kép. Không có hai dầm thép nào giống nhau và một số phải giữ cố định bằng cần cẩu cho đến khi công trình hoàn thiện. Ngay cả lắp đặt lớp phủ cũng khó khăn. Cần cẩu không thể tiếp cận mọi bề mặt, vì vậy cả nhóm đã huy động nhà leo núi chuyên nghiệp leo lên tòa nhà và cố định tấm ốp bằng tay.

Khi bảo tàng thành hình, hoài nghi của người dân địa phương dần nhường chỗ cho sự tò mò. Khi mở cửa vào tháng 10/1997, bảo tàng Guggenheim nhanh chóng thành công, thu hút 1,3 triệu du khách trong năm đầu tiên, cao gấp ba lần kỳ vọng. Bảo tàng Guggenheim ở Bilbao trở thành tiêu chuẩn toàn cầu cho quá trình tái sinh đô thị. Thành công của bảo tàng đã truyền cảm hứng cho làn sóng hồi sinh các bảo tàng từ Tate Modern ở London đến Trung tâm Pompidou ở Metz.

An Khang (Tổng hợp)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022