Ngày 22/5, TS.BS Lương Đức Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, cho biết nơi đây là cơ sở đầu tiên cả nước triển khai chữ ký số cho bệnh nhân trong thanh toán viện phí. Hiện, nơi này triển khai 100% chữ ký số cho bệnh nhân nội trú và áp dụng tại ba phòng khám ngoại trú.

"Hệ thống chữ ký số mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho người bệnh và nâng cao hiệu quả quản lý trong khám chữa bệnh", TS Dũng nói, thêm rằng chữ ký số giúp tiết kiệm thời gian, giảm bớt thủ tục giấy tờ cho người bệnh, khi không còn phải ký tay trên bảng kê viện phí. Bên cạnh đó, thông tin cá nhân của người bệnh được bảo mật tốt hơn, hạn chế tối đa nguy cơ giả mạo hay sử dụng sai mục đích.

Ngoài ra, gắn chữ ký số với bảng kê chi phí điều trị tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh trong việc quản lý thông tin điều trị, đặc biệt trong các trường hợp tái khám định kỳ hoặc thanh toán không dùng tiền mặt. Việc ứng dụng chữ ký số còn góp phần minh bạch hóa chi phí khám chữa bệnh, xác thực người bệnh thực tế sử dụng dịch vụ, từ đó giảm thiểu tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm y tế và nâng cao niềm tin của người dân đối với hệ thống y tế.

58f51335a1ec14b24dfd-174791733-1556-7432-1747917480.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nF7EqvmyuAV-IjqWyGbYXg

Bệnh nhân đăng ký khám tại Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: Lê Nga

Theo kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố được UBND TP. Hà Nội ban hành hôm 20/5, 100% bệnh viện phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế trong tháng 9/2025. Vì vậy, thời gian tới bệnh viện sẽ tiếp tục nhân rộng việc triển khai chữ ký số đối với các loại giấy tờ khác trong quy trình khám chữa bệnh ngoại trú nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính và nâng cao trải nghiệm cho người bệnh như giấy cam kết phẫu thuật, điều trị theo yêu cầu, bảng công khai khám chữa bệnh và các tài liệu y tế khác có chữ ký người bệnh.

Bệnh viện đang hoàn thiện bệnh án điện tử và quy trình không giấy tờ, đảm bảo kết nối liên thông với hệ thống y tế quốc gia. Các quy trình như đăng ký khám, chẩn đoán, chỉ định cận lâm sàng, thanh toán, kê đơn và theo dõi điều trị đều được thực hiện trên nền tảng số, giúp tiết kiệm thời gian và giảm sai sót chuyên môn.

Theo Bộ Y tế, tính đến tháng 5/2025, chỉ có 174 trên tổng số 1.700 bệnh viện trên toàn quốc đã công bố triển khai bệnh án điện tử, loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bệnh án giấy. Chính phủ và Bộ Y tế đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, với mục tiêu đến ngày 30/9, 100% bệnh viện trên cả nước sẽ triển khai bệnh án điện tử. Bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích như rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, tăng tính chính xác, đồng thời giúp ngành y tế chủ động hội nhập, ứng dụng công nghệ trong thời đại 4.0.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022