Xây dựng thương hiệu cá nhân qua mạng xã hội

PV: Nhà báo là một trong số những người dùng mạng xã hội (Facebook với nickname Chiến Văn) rất hiệu quả với tần suất đăng bài gần như mỗi ngày và nhận được lượng tương tác (like, comment) lớn. Theo đó, thương hiệu cá nhân cũng tạo được dấu ấn, vậy với anh cái hay của nhà báo khi tích cực tham gia mạng các hội là gì?

+ Như chúng ta đã biết, hiện nay, mạng xã hội đang có vị trí rất quan trọng trong hoạt động truyền thông, lan tỏa thông tin. Có nhiều trang cá nhân, mức độ tương tác, tính lan tỏa thông tin trên đó còn lớn và ổn định hơn một số tờ báo, tạp chí điện tử. Vì vậy, cái hay của người làm báo khi tham gia mạng xã hội là cập nhật, truyền tải được nhiều thông tin đến với cộng đồng hơn, trong đó, có cả những điều chưa kịp đăng tải, bày tỏ trên các trang báo chí chính thống. 

Qua đó, sẽ giúp tạo dựng được uy tín cá nhân, xây dựng được một lượng độc giả nhất định. Như bản thân tôi, công tác trong một tờ báo có nhiều đặc thù nên trước đây, hầu như chỉ bạn đọc trong lực lượng vũ trang mới biết, nhưng khi tham gia mạng xã hội, qua các bài viết của mình trên trang cá nhân, tôi đã có được lượng độc giả phong phú hơn.

Tất nhiên, đây chỉ là biện pháp "bổ trợ", còn đối với nhà báo, quan trọng nhất vẫn phải là các tác phẩm báo chí đăng tải trên các trang báo chính thống.

chien-van-1-168854434733737930622.jpg

Trên Facebook của nhà báo Nguyễn Văn Chiến luôn xuất hiện những đòng trạng thái tích cực, hài hước.

Từng bị 'hớ' phải giải thích trên Facebook

PV: Khi tham gia vào mạng xã hội, anh đã biết chúng ta phải kê khai nhiều dữ liệu cá nhân như ngày tháng năm sinh, quê quán, trường học, tình trạng hôn nhân, bạn bè, hội nhóm, sở thích, nơi làm việc, hình ảnh cá nhân… Việc thông tin bị lộ cũng gây tai họa khôn lường, khi có status mới anh có phải ‘uốn lưỡi’ kỹ càng? Anh từng bị dính bẫy gì khi tham gia mạng xã hội chưa?

+ Giống như xã hội hiện nay, mạng xã hội cũng đang cho thấy đây là môi trường hết sức phức tạp, nếu không tỉnh táo, thận trọng, bất cứ ai, kể cả nhà báo cũng sẽ đều bị nếm "quả đắng". Tôi không sợ bị lộ thông tin cá nhân, vì trên mạng xã hội tôi luôn viết bằng tính "chính danh" của mình. 

Và tôi cũng quan niệm, mạng xã hội chính là cuộc đời thật. Nó chỉ khác đời thật ở chỗ, nhiều thứ bên ngoài ta không có thời gian để thực hiện, để thể hiện, bộc lộ, thì ta nhờ trang cá nhân truyền tải giúp, hỗ trợ thêm thôi. Khi đã coi nó là đời thật thì tất nhiên mình không thể nói năng thiếu suy nghĩ, thiếu chuẩn mực được. Nhất là đối với nhà báo quân đội chúng tôi, luôn được quán triệt rất kỹ về việc sử dụng mạng xã hội.

chien-van-3-168854536181712545009.jpg

Những chia sẻ hằng ngày của nhà báo Nguyễn Văn Chiển đã tạo thành thói quen đọc của nhiều người.

Về chuyện "dính bẫy" mạng xã hội thì chưa hẳn, nhưng cũng có lần tôi bị "hớ" khi chia sẻ, đăng bài viết trên mạng xã hội. Đó là một lần sau khi đọc báo, tôi thấy một tấm gương có hành động rất dũng cảm, nghĩa hiệp nên đã viết lên trang cá nhân để bày tỏ sự cảm phục, muốn lan tỏa để giúp cộng đồng thấy cuộc sống còn nhiều người tốt. Nhưng sau đó, mới biết, thông tin đó chỉ là một nửa sự thật. Khi biết điều đó, tôi đã viết một bài để giải thích, xin lỗi cộng đồng và đã được mọi người cảm thông, chia sẻ.

Đã uống bia, rượu đừng viết Facebook

PV: Theo anh là một nhà báo làm thế nào để tham gia vào mạng xã hội một cách an toàn, hữu ích và có trách nhiệm? Với nhà báo mạng xã hội là mồi ngon hay cạm bẫy?

+ Theo tôi, một nhà báo muốn tham gia vào mạng xã hội một cách an toàn, hữu ích và có trách nhiệm thì trước tiên phải có lương tâm trong sáng, thái độ tích cực, coi viết bài trên trang cá nhân cũng như trên báo vậy. Khi muốn viết điều gì cần cân nhắc là nếu bài này đăng báo liệu có được duyệt không? Có vi phạm gì không? Có được độc giả chấp nhận không? 

Vì khi viết báo còn có các cấp duyệt, chỉnh sửa, còn viết trên trang cá nhân thì tự mình viết, tự mình ấn nút đăng nên sự cẩn trọng càng phải cao hơn. Tôi cũng trò chuyện với nhiều "hot Facebooker" uy tín, có trách nhiệm với xã hội và nhận ra rằng, khi uống bia, rượu nhiều, nên hạn chế viết bài đăng Facebook vì đây là lúc người viết dễ bị đính "bẫy" nhất.

Từ sự quan sát của mình và thực tế bản thân, tôi nhận thấy với nhà báo, mạng xã hội vừa là mồi ngon vừa là cạm bẫy. Nó là mồi ngon nếu người ta biết sử dụng nó vào mục đích trong sáng, dùng một cách thận trọng, với mong muốn làm đẹp cho cộng đồng, xây dựng hình ảnh mình tốt hơn. Ngược lại, nó là cạm bẫy nếu chúng ta ảo tưởng, coi đó là một thứ vũ khí lợi hại để ta có thể mặc sức "tự tung tự tác", "hô mưa gọi gió", nói năng văng mạng mà không ai làm gì được.

chien-van-2-16885443473032128694341.jpg

Một thế mạnh của Chiến Văn là có thể xuất khẩu thành thơ và những status thơ hài khiến nhiều người thích thú.

Cuộc chạy đua về tốc độ với mạng xã hội đôi khi khiến nhà báo phải hụt hơi, bởi khi một sự việc xảy ra phóng viên, nhà báo phải thực hiện các thao tác hoàn tất các thủ tục chụp hình, viết tin, gửi về tòa soạn rồi mới có thể đăng tải hay phát sóng… trong khi người đăng trên mạng xã hội có thể livestream ngay tại chỗ. Theo anh, trong cuộc chạy đua này lợi thế thuộc về ai?

+ Thật khó để nói cách thức nào lợi thế hơn. Vì mỗi một cách truyền tải thông tin sẽ có những điểm mạnh, hạn chế khác nhau. Bài báo chính thống của nhà báo thì có tính "chính danh" với độ tin cậy cao hơn nên sẽ được độc giả lựa chọn khi cần một nguồn xác tín và giá trị pháp lý cũng cao hơn hẳn. 

Còn thông tin trên trang mạng xã hội hoặc kể cả hình ảnh "livestream" ngay tại chỗ của cá nhân có thể lợi thế về độ nhanh, nhưng giá trị pháp lý, sự tin cậy lại kém hơn. Nhưng theo tôi, với xã hội thông tin như hiện nay, đối với nhiều sự kiện, nếu người làm báo kết hợp được cả hai cách thức trên thì sẽ hiệu quả hơn.

Được gọi tên Facebook nhiều hơn tên thật

PV: Vai trò của nhà báo trong cuộc đua thông tin với mạng xã hội là gì? Làm gì để truyền tải thông tin nhanh mà vẫn chuẩn xác, không bị mạng xã hội thao túng?

chien-van-3-168854529421924169088.jpg

+ Nhà báo có vai trò rất quan trọng trong cuộc đua thông tin với mạng xã hội, vì nhà báo là người làm nghề chuyên nghiệp, được dạy về các nguyên tắc hoạt động báo chí, chịu sự chi phối của đạo đức nghề nghiệp. Do đó, nhà báo sẽ biết lựa chọn nên đăng những gì, không nên đăng điều gì, biết vấn đề này nên dừng lại thông tin ở mức độ nào để tạo hiệu quả tích cực. 

Bởi thực tế cho thấy, hằng ngày, xung quanh ta xảy ra rất nhiều sự kiện, nhưng không phải sự kiện gì cũng là đề tài báo chí để nhà báo đăng tin, viết bài. Để truyền tải thông tin nhanh và vẫn chuẩn xác, lại còn để không bị mạng xã hội thao túng thì quả là rất khó. Vì thực tế, nhiều trang mạng xã hội hiện nay họ lập ra để "kinh doanh" thông tin, do đó, rất đầu tư vào việc tìm kiếm, săn lùng nguồn tin. 

Họ không đơn thuần chỉ lập trang mạng ra để "chơi cho vui" nữa. Do đó, muốn không bị mạng xã hội thao túng, nhà báo cần xây dựng được nguồn tin thật tốt, thật tin cậy để kịp thời cung cấp thông tin "nóng". Đồng thời, cần rèn luyện ngòi bút, sáng tạo, đổi mới trong cách thể hiện để nâng cao chất lượng bài viết, sao cho chính xác, tin cậy, đúng định hướng nhưng vẫn hấp dẫn, lôi cuốn.

PV: Khi nói về mạng xã hội anh có kỷ niệm gì muốn chia sẻ với độc giả Báo Sức khỏe & Đời sống không?

+ Kỷ niệm về mạng xã hội thì rất nhiều, song, điều tôi muốn "khoe" nhất, đó là nhờ mạng xã hội mà tôi có cái tên thứ 2, đó là Chiến Văn, là nick name của Facebook, cạnh tên "cúng cơm" và bút danh chính thức tại Báo Quân đội nhân dân là Văn Chiển. 

Nhiều người trước đây chưa biết tôi, sau khi đọc Facebook, làm bạn Facebook với tôi thì nghĩ tôi tên là Chiến hoặc Văn, không hề biết tên thật của tôi là Nguyễn Văn Chiển. Còn nhiều anh chị từng biết tôi là Chiển, nhưng vì đọc Facebook tôi nhiều nên giờ hay gọi là Chiến hoặc Chiến Văn. Đó là điều tôi thấy rất vui và thú vị.

PV: Trân trọng cảm ơn anh!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022