Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh của Trường ĐH Thương mại cho hay, những năm gần đây, điểm chuẩn các chương trình đào tạo chuẩn của Trường ĐH Thương mại thường ở mức trên dưới 26 điểm. Một số ngành hot, mức điểm có thể lên tới 27 điểm.

“Qua quan sát và phân tích phổ điểm năm nay, hầu hết các môn đều có điểm tăng nhẹ. Tuy vậy, mức điểm chuẩn vào Trường ĐH Thương mại dự kiến khá cao, các môn phải từ 8 điểm. Trong khi đó, riêng với môn Toán, số lượng thí sinh đạt mức điểm 8 trở lên không nhiều. Do vậy, dự kiến điểm chuẩn của trường năm 2024 sẽ có sự ổn định so với năm ngoái”, ông Trung nhận định.

Năm 2024, Trường ĐH Thương mại mở thêm 2 chương trình đào tạo chuẩn, đặc biệt có 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP) gồm: Quản trị kinh doanh (Ngành Quản trị kinh doanh); Marketing thương mại (Ngành Marketing); Kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ICEAW CFAB) (Ngành Kế toán); Logistics và xuất nhập khẩu (Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng); Thương mại quốc tế (Ngành Kinh doanh quốc tế); Tài chính – Ngân hàng thương mại (Ngành Tài chính – Ngân hàng); Quản trị nhân lực doanh nghiệp (Ngành Quản trị nhân lực); Quản trị khách sạn (Ngành Quản trị khách sạn).

Ông Trung nhận định, đây là những ngành học mới nên cơ hội sẽ rộng mở hơn với các thí sinh. Theo đó, điểm chuẩn các chương trình đào tạo này có thể thấp hơn các ngành học khác.

nguyen-quang-trung-1336-1722245992389-1722245992930402924075.jpg

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh của Trường ĐH Thương mại. Ảnh: Thanh Hùng.

Cụ thể, theo ông Trung, có thể chia làm 4 nhóm ngành với các mức điểm chuẩn dự kiến khác nhau.

Dự kiến, những ngành top đầu của trường gồm: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Trung Quốc (tiếng Trung thương mại) sẽ có điểm chuẩn năm 2024 cơ bản ổn định như năm ngoái, ở mức trên dưới 27 điểm.

“Những ngành này cũng có thể sẽ tăng điểm chuẩn, song nếu có, cũng chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái”, ông Trung nói.

Nhóm thứ hai là các ngành năm ngoái có điểm chuẩn dao động từ 26 đến 26,5 như Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh, Kiểm toán,... điểm chuẩn năm nay cơ bản giữ ổn định như năm ngoái.

Nhóm thứ ba là các ngành năm ngoái có điểm chuẩn trên dưới 26 như Kế toán, Luật kinh tế, Tài chính - Ngân hàng, Hệ thống thông tin quản lý... cũng sẽ không có biến động nhiều.

Nhóm cuối cùng là nhóm các chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ ở ngưỡng trên dưới 24 điểm. Trong đó, đặc biệt các ngành như Khách sạn du lịch, Quản trị nhân lực khả năng điểm chuẩn sẽ thấp hơn cả, ở mức dưới 24.

Tuy nhiên, ông Trung cho hay đây cũng chỉ là những dự đoán mang tính chất tham khảo, bởi điểm chuẩn không chỉ phụ thuộc về điểm xét tuyển mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như số lượng thí sinh đăng ký vào...

Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, ThS Nguyễn Quang Trung khuyên thí sinh nên chia nguyện vọng xét tuyển thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là ngành học mơ ước. Nhóm này các em chọn ngành học có điểm chuẩn gần với điểm của mình nhằm gia tăng cơ hội trúng tuyển.

Nhóm 2 là ngành có điểm chuẩn tương tự như số điểm thí sinh đạt được. Nhóm 3 là nhóm có mức điểm vượt trội điểm chuẩn, trên khoảng 0,5 điểm để đảm bảo sự an toàn, tránh rủi ro.

Song, cũng theo ông Trung, những thí sinh có tổng điểm từ mức 23 trở xuống gần như không có cơ hội vào Trường ĐH Thương mại năm 2024.

“Nhà trường công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển từ 20 nhưng tôi tin rằng điểm chuẩn các ngành của trường năm nay đều phải từ 23 điểm trở lên”, ông Trung dự đoán.

Năm 2024, Trường ĐH Thương mại tuyển sinh 4.950 chỉ tiêu đại học chính quy.

Trường tuyển sinh 38 chương trình đào tạo, trong đó 27 chương trình đào tạo chuẩn, 3 chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp và có 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP) tuyển từ năm 2024.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022