GĐXH - Trong các loại cầu cổ ở Việt Nam, cầu ngói là công trình kiến trúc dân gian đặc sắc, có giá trị nghệ thuật cao. Ở đất Thành Nam hiện vẫn còn cây cầu ngói cổ kính, tuổi đời 5 thế kỷ với kiến trúc độc đáo.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài cây cầu ngói chợ Lương thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu có tuổi đời 5 thế kỷ nổi tiếng mà Gia đình và Xã hội đã đăng tải trước đó, ở huyện Nam Trực cũng có một cây cầu ngói bắc qua sông nổi tiếng không kém cạnh, có thể ví “một chín, một mười".
Cây cầu mà chúng tôi nhắc đến là cầu ngói chợ Thượng ở thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Điểm đặc biệt của những cây cầu ngói là đều được làm bằng gỗ và lợp mái ngói, bắc qua sông, tạo nét đẹp riêng cho không gian văn hóa làng quê.
Theo đó, cầu ngói chợ Thượng thuộc thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực gắn liền với tên tuổi của bà Chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân - người có công lao trong việc làm cầu, mở chợ phục vụ cho công việc làm ăn của nhân dân nơi đây.
Cầu ngói chợ Thượng ở huyện Nam Trực.
Theo lịch sử ghi chép lại, với sự thông minh, xinh đẹp, bà từng được Chúa Trịnh Sâm đem lòng yêu mến, tuyển vào phủ làm cung phi. Cây cầu bắc qua sông Ngọc cạnh chợ Thượng nên được gọi là cầu ngói chợ Thượng.
Theo thiết kế, bộ khung cầu được dựng bằng gỗ lim, mái lợp ngói nam, hai hồi xây tường, hai bên là hai cửa giả, tạo thành một mái nhà ở trên, vừa tạo điều kiện cho nhân dân đi lại tránh mưa nắng và có thể nghỉ ngơi, hóng mát, vừa có tác dụng bảo vệ cho các cấu kiện kiến trúc gỗ của cầu.
Cửa phía nam và phía bắc cầu được xây bằng gạch, rộng 1,7m, cao 2m, hai hồi đều có đại tự đắp nổi chữ “Thượng gia kiều” bằng chữ Hán.
Cầu ngói chợ Thượng có 11 gian kết cấu kiểu kèo cầu tứ hàng chân, mỗi gian từ 1,45m đến 1,65m, tạo nên một công trình dài 17,35m nối hai bờ sông Ngọc.
Cầu ngói chợ Thượng có 11 gian kết cấu kiểu kèo cầu tứ hàng chân, mỗi gian từ 1,45m đến 1,65m, tạo nên một công trình dài 17,35m nối hai bờ sông Ngọc. Con sông đã đi vào thơ của thi sĩ đồng quê Đoàn Văn Cừ với các vần thơ: “Dòng nước lượn trong như dòng ngọc chảy/Đàn chim sẻ nấp nhìn qua kẽ sậy”.
Đặc biệt, mố cầu được xây dựng bằng đá tảng, vuốt theo hình thang cân. Hai mố cầu cách nhau 4,5m tạo cho dòng nước lưu thông và thuyền bè đi lại. Năm 1993, do hai bên thành bằng gỗ của cầu bị mối mọt nên đã được trùng tu thay thế bằng đá.
Năm 2012, cầu ngói thôn Thượng Nông xã Bình Minh đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.
Người dân ở đây cho biết, cây cầu ngói chợ Thượng chứa nhiều kỷ niệm tuổi thơ của thế hệ người dân trong làng. Ngày xưa, cả làng có một cây cầu duy nhất là cầu ngói chợ Thượng này nên được làm nơi lưu thông của đông đảo người dân trong vùng. Đến nay, cứ mỗi buổi trưa, buổi tối, người dân chúng tôi lại ra đây ngồi trò chuyện, tránh nắng trong những ngày hè oi ả.
Cầu ngói chợ Thượng được xây dựng từ thời Hậu Lê, với sự đóng góp công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, cung phi của chúa Trịnh.
Năm 2012, cùng với phủ thờ bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, di tích cầu ngói thôn Thượng Nông, xã Bình Minh đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Video: Những tác phẩm của làng nghề sơn mài truyền thống Hổ Sơn ở Nam Định