Đứng trước lời dụ dỗ ngon ngọt rằng sang Campuchia làm ăn với nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, em T., sinh viên của một trường Đại học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã bỏ học, giấu gia đình, người thân khăn gói vượt biên với hy vọng đổi đời.
"Công việc chính của em ở Campuchia là tìm kiếm thông tin khách hàng, những danh bạ họ đã đưa cho em. Sau khi tìm kiếm đầy đủ các thông tin, sẽ gửi lại cho những người Trung Quốc. Mỗi ngày phải tìm được khoảng 4 khách hàng, nếu không tìm đủ sẽ bị tăng ca, phải làm việc thêm khoảng 1-2 tiếng", T. cho biết.
Công an Thừa Thiên Huế gặp gỡ, động viên các nạn nhân vừa trở về từ Campuchia.
Hơn 1 tháng T. đi, gia đình em này phải sống trong lo lắng, thấp thỏm, chỉ mong con trai lành lặn trở về. Đến khi vỡ mộng làm giàu, tỉnh ngộ, cũng là lúc đặt lên đôi vai người mẹ món nợ gần 100 triệu đồng khi gia đình phải vay mượn gửi tiền sang nước bạn chuộc con về Việt Nam.
Cũng giống như em T., em H. - một nạn nhân khác (ở thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) cũng vừa trở về nhà sau khi gia đình phải bỏ số tiền chuộc gần 200 triệu đồng. Theo đó, sau khi học xong lớp 12, nghe lời bạn rủ rê, H. đã giấu gia đình sang Campuchia lao động trái phép. Hơn 6 tháng ở đây, H. đã phải nếm trải biết bao "cay đắng, tủi nhục"; trên tay em vẫn lưu lại những vết sẹo do bị còng, chích thuốc, bị hành hạ.
Theo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua các cơ quan chức năng và phương tiện truyền thông liên tục phát đi cảnh báo về những hệ lụy, thậm chí là rủi ro cả về sức khỏe, tính mạng và tài sản khi xuất cảnh trái phép sang nước ngoài làm việc.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn bỏ ngoài tai những cảnh báo này, nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng xấu, giấu gia đình vượt biên sang nước ngoài lao động trái phép và rồi chỉ ngay sau đó, họ đã phải nếm "quả đắng".
Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua đơn vị đã nhận được nhiều đơn trình báo của người dân tố cáo con em, người thân của mình bị lừa ra nước ngoài làm việc. Qua điều tra, lực lượng chức năng đã ghi nhận có 18 trường hợp xuất cảnh trái phép sang nước ngoài làm việc, chủ yếu là ở Campuchia; trong đó có 4 trường hợp có thông tin để nhận định bị lừa đảo qua làm việc cho công ty ở nước ngoài và bị ngược đãi.
Thượng tá Lê Quang Tuấn - Trưởng phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin của người dân về việc có con em bị lừa sang nước ngoài lao động trái phép, đơn vị đã cử lực lượng để tiến động viên, trấn an người thân nạn nhân, người đến trình báo. Đồng thời, nhanh chóng truy xét lại những mối quan hệ cũ của những người đưa các nạn nhân qua biên giới trái phép và phối hợp với các cơ quan chức năng để xác định có hay không có hành vi xuất nhập cảnh trái phép này.
Kí ức hãi hùng của nam thanh niên thoát khỏi cái bẫy "việc nhẹ lương cao" ở CampuchiaĐỌC NGAY
Để phòng chống hiệu quả với nạn mua bán, đưa lao động trái phép sang nước ngoài, cùng với công tác điều tra, xử lý, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành làm việc, phối hợp trao đổi với Sở Ngoại vụ đưa ra những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn nạn lừa đảo đưa người dân đi lao động trái phép và một số nội dung bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài. Hiện nay, Công an Thừa Thiên Huế đang phối hợp với các đơn vị chức năng, nỗ lực rà soát, xác minh và thống kê danh sách nạn nhân để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời.
Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến cáo, xuất khẩu lao động, tìm kiếm việc làm với mức lương hấp dẫn là nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên để tránh bị lừa đảo, người dân muốn xuất khẩu lao động nước ngoài cần hết sức tỉnh táo, tránh bị mờ mắt bởi những lời mời chào về cơ hội "việc nhẹ, lương cao" trên mạng xã hội và những đối tượng xấu. Người dân phải tìm hiểu kỹ lưỡng mọi thông tin và lựa chọn đơn vị tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động uy tín do các cơ quan nhà nước giới thiệu....
Theo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, xuất nhập cảnh, lao động trái phép ở nước ngoài không thông qua các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ tiềm ẩn nhiều hệ lụy, rủi ro cả về sức khỏe, tính mạng mà đây còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Nghị định số 144 ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu nạn cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình đã có quy định cụ thể về các mức xử phạt liên quan đến hành vi xuất cảnh trái phép hay còn gọi vượt biên trái phép với mức tiền phạt cao nhất lên đến 40 triệu đồng, cùng với nhiều hình thức xử phạt bổ sung.
Còn tại Điều 347, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về "tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép" thì mức phạt tù cao nhất lên đến 3 năm, phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng.
GiadinhNet - Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay đơn vị đã tiếp nhận hơn 10 đơn trình báo của người dân liên quan đến việc con, em bị lừa đưa sang Campuchia làm việc trái phép...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nước mắt buồn bủa vây xóm nhỏ vụ sập tường 5 người chết ở Bình Dương