Bài viết có spoil nội dung phim, xin độc giả cân nhắc trước khi đọc!
Bắc Kim Thang gây chú ý ngay từ cái tên vì đây là một bài đồng dao quen thuộc trong văn hóa Việt Nam lần đầu tiên được đưa lên màn ảnh rộng. Với những ai đã xem phim xong, hẳn đa phần sẽ thắc mắc NSX có đang lạm dụng một bài đồng dao nổi tiếng chỉ để thu hút sự chú ý hay không? Vì nó không liên kết nhiều với nội dung của phim.
Nói về vấn đề này, nghệ sĩ Trung Dân đã có lời giải thích vô cùng cặn kẽ, về cả bài đồng dao lẫn bộ phim Bắc Kim Thang có mối liên quan mật thiết với nhau.
NS Trung Dân giải thích "chú bán dầu - bán ếch" ở phim "Bắc Kim Thang"
Chú giải thích như thế nào về hình tượng "chú bán dầu, chú bán ếch" và "chim le le - bìm bịp" ở bài đồng dao Bắc Kim Thang?
Bắc Kim Thang là một câu chuyện không mới, đó là cái nhìn bẩn thỉu về cuộc sống và xã hội của một người phụ nữ ở tầng lớp trên. Nhân vật chính là Thiện Tâm gắn câu chuyện của mình với một câu hát đồng dao mà rất nhiều người thuộc: “Bắc kim thang cà lang bí rợ, cột qua kèo, kèo qua cột, chú bán dầu qua cầu mà té, chú bán ếch ở lại làm chi, con le le đánh trống thổi kèn, con bìm bịp thổi tò tí te tò te”. Ít người biết nên chưa hiểu, thực ra câu chuyện trong bộ phim Bắc Kim Thang nếu gắn vào lời bài đồng dao này thì sẽ hiểu cực kì hay.
Thiện Tâm - cháu đích tôn trong gia đình.
Văn hóa Nam Bộ thể hiện trong những bài hát vè của những đứa trẻ con ở quê, người lớn nghe nhiều rồi đúc kết thành văn hóa miền sông nước miền Nam Việt Nam. Câu chuyện kể về tình bạn bán hàng của một anh bán dầu với một anh bán ếch, họ gắn kết và chia sẻ với nhau. Người bán ếch muốn có ếch thì phải đi bẫy, mồi bẫy của họ là gì ta không cần biết, nhưng khi họ đi bẫy thì trông thấy con bìm bịp và con le le đang tranh nhau miếng mồi rồi hai con sụp luôn vào cái bẫy đó luôn. Bài học đầu tiên là về sự tranh giành, tranh giành mà bất chấp thì chết luôn cả đám.
Tiếp theo câu chuyện nhé, khi hai con này sập bẫy rồi thì ông kia muốn bắt về ăn thịt nhưng rồi nhìn mặt chúng đáng thương quá, ông lại thả. Bạn biết con le le với bìm bịp không? Con le le thì giống như con vịt, còn con bìm bịp thì tựa như con quạ, nó săn rắn về tổ, rung mấy cái là con rắn gãy xương sống nằm đó cho đám con nó ăn, ai mà thọt tay vào ổ nó có ngày rắn cắn chết. Tiếng kêu của nó báo hiệu nhiều thứ, vang và chính xác, hễ nó kêu thì nước lớn, nó kêu thì nước rồng. Trong văn hóa nông nghiệp Việt Nam, người nông dân sử dụng con bìm bịp để lắng nghe ở môi trường. Chứ con le le thì nhát và nhỏ, thấy người là nó bay đi.
Chim lele
Chim bìm bịp là loài ăn rắn.
Trở lại với câu chuyện, khi hai con bìm bịp và le le được giải phóng, ông bán ếch vẫn ở lại bình thường thôi. Bữa trưa ông nằm ngủ thì thấy con le le với bìm bịp bay tới báo mộng là “Ông ơi, bên dưới cái cầu mà ông với ông bán dầu bán có 2 con ma muốn bắt ông với ông bán dầu xuống đó để thế mạng cho nó, chuyện đó xảy ra trong vòng bảy ngày tới nên ông hãy coi chừng”, ông bán ếch sợ hãi chạy qua nhà ông bán dầu kể hết mọi chuyện. Ông bán ếch vốn từng có người mẹ hay người cha gì đó đã mất rồi, thời gian đó, ông bán dầu có đem tiền phúng điếu nên ông bán ếch nhớ ơn.
Vì thế, dù ông bán dầu không tin thì ông bán ếch vẫn cố gắng bảo vệ ông bán dầu bằng cách sang đó bày tiệc 7 ngày làm sao để ông bán dầu không đi qua cây cầu đó. Nhưng khi nhậu đến ngày thứ 6, ông bán dầu vẫn tỉnh dậy, đi bán dầu qua cây cầu đó và té chết thật. Ông bán ếch biết vậy nhưng ngày thứ 7 mới dám qua vớt xác bạn mình lên làm đám. Trong đám tang đó, con bìm bịp và con le le đến kêu giống như đang than khóc cho ông bán dầu, tạo nên một âm thanh ma chay, nói đánh trống thổi kèn chỉ là cường điệu thôi.
Bắc Kim Thang không dừng lại ở một bài hát đồng dao thiếu nhi mà còn gửi gắm rất nhiều bài học về chia sẻ tình bạn, sự tranh giành trong chất kể ma mị. Trong phim cũng vậy, các nhân vật vì mê muội cờ bạc mà dẫn đến kết cục bi thảm.
Hình ảnh những người trong gia đình ở Bắc Kim Thang.
Còn về hình tượng "bắc kim thang cà lang bí rợ" thì sao thưa chú?
NS Trung Dân giải nghĩa "cà lang bí rợ" ở phim "Bắc Kim Thang"
Mọi người thường hay ghép "cà - lang - bí - rợ” vào thành một cụm “cà lang bí rợ” nên mới thấy khó hiểu. Thực ra mỗi yếu tố lại có nghĩa riêng. “Cà” có thể là trái cà, “lang” có thể là khoai lang,... tất cả mọi cái là những dây leo, “bắc kim thang” là bắc cái thang lên cho những dây leo sống, sinh tồn, cộng hưởng. Đó cũng là một bài học đơn giản, dễ hiểu của ông bà mình đã gửi gắm qua các câu đồng dao. Nó là một câu chuyện buồn, nhưng khi chơi đùa, chúng ta hát cái bài hát này trong ngữ cảnh vui thì lại cảm thấy vô tư lắm. Con le le, con bìm bịp chính là biểu tượng của thiên nhiên, thiên nhiên cũng có thể dự báo trước số phận của con người. Sự gắn kết giữa người với người cũng là bài học rất hay mà bộ phim rút ra từ câu chuyện này.
Trở lại với bộ phim Bắc Kim Thang, mối quan hệ gia đình phạm phải rất nhiều sai lầm như trọng nam khinh nữ, họ không “bắc được kim thang” để tình cảm thăng hoa, họ chia rẽ lẫn nhau, từ cha mẹ, vợ chồng cho đến anh em. Đó là một ngôi nhà bệ rạc, rượu chè be bét, từ danh giá, giàu có trở thành một đống than.
Trailer Bắc Kim Thang
Bên cạnh câu chuyện giải thích ý nghĩa của bài đồng dao trong bộ phim Bắc Kim Thang, chúng tôi cũng đã có buổi phỏng vấn chân tình với NS Trung Dân về câu chuyện 30 năm tham gia nghệ thuật. Bài phỏng vấn đầy đủ sẽ xuất bản trong thời gian sớm nhất. Rất mong độc giả đón đọc.
Bắc Kim Thang đang công chiếu trên các rạp toàn quốc.