Năm 2022 là năm dòng phim kinh dị “chiếm lĩnh” phòng vé nội địa về cả số lượng, thể loại lẫn muôn màu chất lượng. Ngoài Chuyện ma gần nhà thắng về doanh số bán vé, Nhà không bán gây bất ngờ thì Vô diện sát nhân sẽ mang đến cho khán giả cảm nhận mới mẻ về đề tài phim tâm lý - rùng rợn kinh dị.
‘Nhát ma’ kiểu mới
Vô diện sát nhân là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn trẻ Đinh Công Hiếu cùng bàn tay dàn dựng “ma thuật” của đạo diễn Hàm Trần.
Kịch bản phim được hé lộ từ đầu là khai thác đề tài nhân vật bị ám ảnh tâm lý thông qua những tình huống giật gân như cách Người lắng nghe: Lời thì thầm, Bóng đè, Thiên thần hộ mệnh đã làm trước đó nhưng theo hướng slasher - phong cách chưa từng xuất hiện ở phim kinh dị Việt.
Bộ phim Vô diện sát nhân được thực hiện vàm năm 2019, sau nhiều lần hoãn dời mới chính thức ra mắt khán giả Việt từ ngày 26-8.
Tuy nhiên, khi chính thức công chiếu, Vô diện sát nhân gây bất ngờ cùng những tình huống thót tim, màn phán đoán như “mò kim đáy bể” cho người xem mà không hề có kiểu “nhát ma” bằng yếu tố tâm linh.
Nhiều khán giả bình luận đây là “phim giật gân hay nhất năm” hay “phim tâm lý kinh dị nặng đô nhất màn ảnh Việt”...
Bởi tác phẩm của Đinh Công Hiếu không đi theo lối mòn với những tình huống jumpscare (hù dọa bất ngờ), rùng rợn mà khiến khán giả phải tư duy, phải sống cùng nhân vật để tìm ra lời giải xem “ai là sát nhân vô diện”.
Nội dung phim xoay quanh việc nữ bác sĩ phẫu thuật xinh đẹp, tài năng Phương Anh (Phương Anh Đào thủ vai) bị hành hạ vì cơn ác mộng bị kẻ sát nhân “không mặt” truy đuổi.
Tần suất của ác mộng ngày càng dày đặc khiến cô kiệt quệ tinh thần đến mức không phân định được đâu là mộng, đâu là thực. Sau khi nhận trị liệu tâm lý, Phương Anh dần dần khám phá những sự thật bất ngờ về tên sát nhân “vô diện”.
Khán giả cũng hoang mang khi ai cũng có khả năng là hung thủ sau 1.001 tình huống gây nghẹt thở
Được làm theo phong cách slasher mới lạ, xuyên suốt phim mang đến bầu không khí căng thẳng, những màn truy đuổi thót tim và tình huống giật gân… đến mức người xem cũng hoang mang, khó phân định giữa mơ và thực.
Có thể nói, cách kể chuyện của phim khá thành công khi dẫn dắt được người xem cùng “căng não” không khác gì nữ chính khi bất kỳ ai xuất hiện bên cạnh cô cũng có khả năng là hung thủ.
Đó là Thiên Minh (Hiếu Nguyễn thủ vai) - một người chồng vốn ân cần nhưng lại ngày càng có nhiều biểu hiện mập mờ, hành động bí ẩn một cách bất thường. Là ông Trọng (Châu Thế Tâm thủ vai) - người cha ôm hận vì bị mất con gái trong ca phẫu thuật của Phương Anh.
Thiên Minh, Khoa và Thái đều rơi vào diện tình nghi là "vô diện"
Nữ y tá Vy - bạn đồng nghiệp thân thiết của Phương Anh
Đó là Thái - người bạn thân yêu đơn phương nữ bác sĩ xinh đẹp luôn tỏ ra bất mãn vì để vuột mất cô. Đó là Khoa (Steven Nguyễn) - anh chàng bác sĩ hài hước, thân thiện dành tình cảm, sự quan tâm có phần thái quá cho nữ bác sĩ đàn chị. Ngoài ra, ngay cả những nhân vật ít xuất hiện như ông viện trưởng đạo mạo (Hoàng Phúc đóng) cũng trong diện tình nghi.
Bên cạnh việc phải “xoắn não” để phán đoán hung thủ, khán giả hẳn nhiều lần muốn rớt khỏi ghế khi chứng kiến những cảnh Phương Anh bị hành hạ đến bầm dập, tóe máu với tần suất dày đặc, không đếm nổi. Đây cũng là điểm cộng dành cho sự hết mình của Phương Anh Đào với vai diễn này.
Diễn xuất của Phương Anh Đào cùng sự lăn xả đã khéo léo dẫn khán giả nhập tâm vào những cảm xúc bất ổn của nhân vật chính.
Những hạn chế quen thuộc
Tuy Vô diện sát nhân được đánh giá cao khi mang lại cảm xúc mới mẻ, khác biệt đủ sức giữ chân khán giả nhưng trong 87 phút thời lượng phim vẫn còn có hạn chế.
Dễ nhận thấy nhất, tần suất phân cảnh giật gân khi nhân vật chính bị đâm chém, hành hạ dã man rồi giật mình tỉnh giấc mộng trong sợ hãi tột độ bị lặp lại. Mô típ này chiếm phần lớn thời lượng vốn đã ít ỏi của phim dễ khiến người xem nhàm chán, ảnh hưởng đến cảm xúc hồi hộp, giật gân theo đúng đặc trưng slasher đem tới.
Nữ chính liên tục bị hành hạ, bị đâm nhiều đến mức làm khán giả… hết sợ
Màu phim “thiếu sáng” khiến các phân cảnh mơ và thực rất khó nhận biết cũng làm khán giả có cảm giác nặng nề, mệt mỏi. Dù phim khai thác yếu tố tâm lý nhân vật được xem là điểm mạnh nhưng thiếu cân đối. Gần như ở dàn nhân vật phụ, người xuất hiện nhiều lại mờ nhạt về tính cách, số còn lại gần như “có cũng như không”.
Hạn chế này có thể đến từ việc thiếu hụt thời lượng phim, mặt khác cũng có thể do khả năng diễn tâm lý của diễn viên còn “non nghề” nên chưa thể khắc họa rõ nét chiều sâu của nhân vật.
Tựu trung lại, Vô diện sát nhân vẫn còn những hạt sạn thường thấy nhưng vẫn là một tác phẩm mới, lạ khi dám thử sức ở thể loại mới. Đặc biệt, ở góc độ khai thác vấn đề tâm lý của nữ chính, phim cũng có những lý giải logic, đủ sức thuyết phục. Đây cũng là yếu tố mở ra một hướng khai thác mới cho các nhà làm phim Việt.