Trong quá trình công tác hơn 30 năm tại Hãng phim Truyện Việt Nam, họa sĩ Trịnh Thái đã tham gia thiết kế bối cảnh cho nhiều bộ phim, trong đó có những tác phẩm đã đi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Biệt động Sài Gòn, Trở về Sam Sao, Mẹ vắng nhà, Ngày lễ thánh, Rừng O Thắm…
NSƯT - họa sĩ Nguyễn Trịnh Thái sinh tại Phnom Penh (Campuchia) khi cha ông làm việc tại đây. Sau một thời gian, gia đình ông trở về Hải Phòng. Sinh thời, họa sĩ từng chia sẻ, ông đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật (Hà Nội) với niềm mong mỏi của cha mình. Nhưng sau đó, Trịnh Thái quyết định rẽ ngang sang điện ảnh.
Ông trở thành một trong những sinh viên khóa đầu tiên của lớp họa sĩ trường Điện ảnh Việt Nam (nay là trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp, ông về làm việc tại Xưởng phim Hà Nội (nay là Hãng phim Truyện Việt Nam).
Làm phim trong thời kỳ đất nước chiến tranh vừa khó khăn, thiếu thốn, lại luôn phải đối mặt với mưa bom bão đạn nhưng ông cũng như những người đồng nghiệp của mình vẫn bất chấp hiểm nguy, vượt lên những gian khó.
Công việc thiết kế bối cảnh phim đòi hỏi ông luôn phải nay đây mai đó đi tìm bối cảnh. Sau cùng, họa sĩ Trịnh Thái đúc rút lại rằng: cuộc đời làm phim với ông là cuộc đời nhiều thú vị.
Năm 1995, ông xin về hưu để tập trung với niềm đam mê cùng cây cọ. Họa sĩ Trịnh Thái cũng là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã có nhiều triển lãm tranh tại Hà Nội và TP.HCM. Tranh của ông tập trung vào chủ đề phong cảnh, chân dung, tĩnh vật, sinh hoạt thường ngày…, với gam màu tươi sáng, bay bổng. Tranh ông vẽ được nhiều người mua. Có triển lãm, chỉ sau 3 ngày, tranh của họa sĩ Trịnh Thái đã bán hết sạch.
Họa sĩ Trịnh Thái ra đi sau thời gian mắc bạo bệnh. Lễ tang của ông diễn ra lúc 14 giờ ngày 30.7 tại Nhà tang lễ Quân khu 3 (12 Bến Bính, P.Minh Khai, Q.Hồng Bàng, TP. Hải Phòng).