Tại Moskva, sân khấu Lệ Ngọc đã trình diễn vở kịch "Lá đơn thứ 72" trong khuôn khổ Chương trình nghệ thuật Bản trường ca hữu nghị Việt – Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, tiếp tục những hoạt động đa dạng kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nga, dưới sự giới thiệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, ngày 17/7, tại Đại phòng Đại học Tài chính ở thủ đô Moskva, sân khấu Lệ Ngọc đã trình diễn vở kịch "Lá đơn thứ 72" trong khuôn khổ Chương trình nghệ thuật Bản trường ca hữu nghị Việt – Nga. Sau khi ra mắt 3 năm trước, vở kịch đã gặt hái nhiều thành công trên các sân khấu trong nước, cũng như tại Lào và Trung Quốc, trước khi đến với đông đảo khán giả ở xứ sở Bạch Dương.

Vở kịch nói “Lá đơn thứ 72” trên sân khấu Đại học Tài chính ở Moskva. Ảnh: Tâm Hằng, PV TTXVN tại LB Nga

Vở kịch lấy cảm hứng từ một vụ án oan có thật, người bị kết án đã viết và gửi 72 lá đơn gửi tới Bác Hồ để kêu oan, suốt 8 năm tưởng như vô vọng, nhưng khi con người được đặt vào trung tâm ở các cấp chính quyền, sự chính trực, công tâm đã giúp lật lại vụ án, giải nỗi oan tày đình của một con người, đem lại niềm tin cho một gia đình. Nội dung vở kịch không chỉ xoay quanh nhân vật chính là người bị kết án oan giết người, mà còn khắc họa nhiều "bộ mặt" của xã hội, của quan chức, qua đó nổi lên những vấn đề thời sự về oan sai, tham nhũng, về thói vô cảm, vai trò của những định hướng đúng đắn, giá trị nhân văn trong đời sống.

vnapotalduahinhanhhochutichdenvoikieubaonga8155565-17528004635391927150510.jpg

Cảnh trong vở kịch nói “Lá đơn thứ 72”. Ảnh: Tâm Hằng, PV TTXVN tại LB Nga

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại LB Nga, NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đạo diễn, cho biết dẫu hình tượng Bác Hồ đã được khai thác rất nhiều trên sân khấu, song để sân khấu "sáng đỏ đèn" suốt hơn 3 năm qua, cần phải tìm được những tứ mới, với "Lá thư thứ 72" đó là sự quan tâm của Bác đối với số phận con người. Các tác giả và đạo diễn đã thành công xây dựng các nút thắt, các xung đột "sân khấu" để giữ trọn được sự chú ý của người xem trong suốt 120 phút.

Lý giải về việc đưa vở kịch chính luận này sang diễn phục vụ bà con kiều bào Nga, NSƯT Nguyễn Văn Hải, Giám đốc sản xuất và chỉ đạo nghệ thuật sân khấu Lệ Ngọc, người đóng vai Bác Hồ, cho biết ngoài việc kỷ niệm sự kiện năm chẵn trong quan hệ song phương, nước Nga còn là nơi Bác Hồ đã đặt chân đến hơn 100 năm trước đây trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, và ngày hôm nay vở kịch đã đưa Bác "quay lại" đất nước Người rất yêu quý. Đây là điều rất có ý nghĩa đối với toàn thể các nghệ sĩ trong đoàn. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Hải cho biết trong hơn 300 đêm diễn vở kịch đã luôn được đón chào nồng nhiệt, có thể thấy tại Nga cũng vậy, vở kịch thu hút một lượng lớn khán giả từ nhiều thành phần, bà con cộng đồng đã xem rất chăm chú.

vnapotalduahinhanhhochutichdenvoikieubaonga8155567-17528004782322099993799.jpg

Biểu diễn nghệ thuật tại đêm diễn. Ảnh: Tâm Hằng, PV TTXVN tại LB Nga

Đáng chú ý là dù là kịch nói diễn bằng tiếng Việt song sự kiện văn hoá này thu hút không ít các bạn Nga và lãnh đạo Đại học Tài chính, ngôi trường danh giá đào tạo nên không ít thế hệ các chuyên gia tài chính cho Việt Nam. Đến dự và chào mừng vở diễn, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi cho biết tới đây sẽ diễn ra nhiều hoạt động giao lưu và quảng bá văn hóa lớn khác giữa hai nước, tạo đà thúc đẩy hợp tác về giáo dục, văn hóa, nghệ thuật giữa Việt Nam và Nga lên một tầm cao mới, góp phần thay đổi diện mạo quan hệ song phương.

Sau đêm diễn đầu tiên, sân khấu Lệ Ngọc sẽ còn cống hiến cho bà con kiều bào các chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Moskva.

XEM THÊM TIN TỨC VĂN HOÁ TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022