Nhiều người yêu tranh Vermeer đã đặt cho mình sứ mệnh du hành tới khắp nơi trên thế giới để ngắm càng nhiều càng tốt những bức tranh của danh họa Hà Lan. Nhưng bắt đầu từ thứ Sáu tuần này (11/2), Bảo tàng quốc gia Rijksmuseum ở Amsterdam, Hà Lansẽ giúp nhu cầu của họ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Đây rõ ràng là triển lãm đáng xem đến chết đi được - hay thậm chí là chết luôn, như một nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Marcel Proust, người đã chết trước bức View of Delft của Vermeer. Bản thân Proust từng phấn khích khi xem triển lãm Vermeer tới mức ông bị đột quỵ!

Hơn cả một triển lãm, đây là một phép màu!

Nếu Proust còn sống, có thể ông không dám tới xem triển lãm Chance in a lifetime (Cơ hội một lần trong đời) khi nhìn qua danh mục tác phẩm trưng bày. Hơn cả một triển lãm, đây là một phép màu!

Ngắm một bức tranh của Vermeer giống như lặn xuống một đầm nước trong xanh với chú cá màu vàng chanh và những viên ngọc trai lấp lánh. Vậy làm sao khán giả không bị choáng ngợp khi có tới 82% tác phẩm của ông được triển lãm tại Rijksmuseum lần này?

Triển lãm bom tấn tại bảo tàng nghệ thuật và lịch sử quốc gia Hà Lan đã quy tụ được 28 bức tranh của Vermeer từ 7 quốc gia khắp thế giới. Không tệ chút nào, khi chỉ có 34 bức tranh thường được cho là thuộc về danh họa thành Delft còn tồn tại. Chưa bao giờ nhiều tranh của Vermeer quy tụ về một triển lãm như vậy. 7 trong số này đã không ở Hà Lan suốt hơn 2 thế kỷ qua.

Triển lãm “Chance in a lifetime” quy tụ nhiều tranh Vermeer chưa từng có. Trong ảnh là bức “Girl with a Pearl Earring”

Tổng giám đốc Rijksmuseum, Taco Dibbits, tin rằng triển lãm sẽ mang tới cho khách tham quan cơ hội chìm đắm giữa những cảnh trong nhà tinh tế nổi tiếng nhất của Vermeer, bao gồm Girl with a Pearl Earring (Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai) và The Milkmaid (Cô gái vắt sữa), cũng như những bức tranh tôn giáo thời kỳ đầu và hai bức phong cảnh thành phố, tất cả đều miêu tả quê nhà Delft của ông.

Nhìn vào sự đơn giản đầy hấp dẫn của bức Mistress and Maid (Nữ chủ nhân và cô hầu gái), một trong ba bức được bảo tàng The Frick Collection của New York cho mượn, Dibbits nói nó "tỏa ra sự tĩnh lặng, một thế giới lý tưởng".

Việc sử dụng ánh sáng của Vermeer - thường đến từ cửa sổ nằm bên trái bức tranh - với màu sắc đậm và bố cục tỉ mẩn có thể nhìn thấy xuyên suốt triển lãm. "Chất lượng tranh Vermeer đạt tới độ hoàn hảo ở mọi góc độ. Mọi thứ được đặt vào đúng vị trí của nó" - Dibbits nói - "Có một hạnh phúc trọn vẹn trong những cảnh quan của ông, với sự tĩnh lặng và gần gũi".

"Với Vermeer, ánh sáng chính là màu sắc, và màu sắc là ánh sáng" - Pieter Roelofs, chuyên gia của Bảo tàng Rijksmuseum.

Đi sâu vào cuộc đời Vermeer

Vermeer có biệt danh là "Nhân sư xứ Delft" bởi có rất ít thông tin về ông. Ông không để lại thư, nhật ký hay ảnh chân dung nào. Nhưng nghiên cứu gần đây đã bắt đầu làm sáng tỏ những bí ẩn về danh họa. Các nghiên cứu được thực hiện quanh cuộc triển lãm đang mở rộng thêm hiểu biết về sáng tác của ông.

"Chúng tôi thật sự đang tới gần Vermeer hơn bao giờ hết" - Trưởng bộ phận Hội họa và Điêu khắc của Rijksmuseum, Pieter Roelofs, cho biết. Như lời ông, trong nghiên cứu gần đây, "chúng tôi thật sự hiểu thêm về cuộc đời ông, gia đình ông, những người tiếp xúc trực tiếp với ông, những người ông đã vẽ trong tranh và ý nghĩa của chúng".

vermeer-2-16759038749651824746452.jpg

Một bức tranh được cho là tự họa của Vermeer

Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm, bảo tàng đã xem xét rất kỹ các bức tranh của Vermeer, trong đó bao gồm bức tranh kinh điển The Milkmaid. Các bản quét công nghệ cao nhìn xuyên qua bề mặt tác phẩm tiết lộ rằng Vermeer đã chỉnh sửa nền khi ông vẽ, dường như để đảm bảo rằng tâm điểm chỉ tập trung vào cô gái đang rót sữa. Giá treo bình - tương tự như giá treo áo khoác trên tường - ban đầu nằm ở hậu cảnh đã được sơn phủ lên.

Nhà văn Tracy Chevalier từng yêu thích một bức tranh rất nổi tiếng khác của Vermeer - Girl with a Pearl Earring - đến mức bà đã viết cả cuốn tiểu thuyết về nó và sau đó đã được dựng thành phim với sự tham gia diễn xuất của Scarlett Johansson và Colin Firth. Chevalier cũng có mặt tại buổi xem trước triển lãm hôm thứ Hai để ngắm bức tranh cùng 27 bức khác được trưng bày trong 10 phòng.

"Tôi nghĩ các giám tuyển của bảo tàng thật sự hiểu rất rõ về ông ấy, ít thì tốt hơn. Triển lãm chỉ có đúng 28 bức tranh, nhưng con số 28 là hoàn hảo, bởi mọi người có không gian và thời gian để thật sự chiêm ngưỡng từng bức" - bà nói.

Girl with a Pearl Earring chỉ phải đi một quãng ngắn từ bảo tàng Mauritshuis tới đây và nán lại sau triển lãm. Tranh sẽ trở về nhà sau ngày 30/3. Các bức khác như Officer and Laughing Girl (Viên sĩ quan và cô gái cười), Mistress and Maid Girl Interrupted at her Music (Cô gái bị gián đoạn giữa bản nhạc) phải bay từ bờ Đông nước Mỹ, rời bảo tàng Frick Collection ở New York vốn đang trùng tu. Điều này mở đường cho nhiều bảo tàng có thể mượn tranh để triển lãm tiếp. Nhiều tác phẩm khác từ bảo tàng Nghệ thuật The Metropolitan và The Leiden Collection ở New York. Phòng Trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington, nơi từng tham gia tổ chức triển lãm về Vermeer hồi năm 1995 - 1996, cũng gửi tranh tới.

Tổng cộng, 28 bức tranh tới từ 14 bảo tàng và các bộ sưu tập tư nhân từ 7 quốc gia đã hội tụ tại đây. Và với quy mô ấy, những bức tranh không thể có mặt Hà Lan trong dịp này cũng đang thu hút sự chú ý không kém. Vài bức từ thế kỷ 17 quá mong manh tới mức không thể di chuyển được. Một bức tranh - The Concert (Buổi hòa nhạc) - không thể xuất hiện, vì nằm trong số 13 tác phẩm nghệ thuật mất tích sau khi bị đánh cắp khỏi bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston vào năm 1990 -  một trong những vụ trộm nghệ thuật khét tiếng nhất thế giới.

Buổi triển lãm ở Amsterdam sẽ mở cửa từ thứ Sáu tuần này (11/2) và kéo dài tới ngày 4/6. Đây hiện là triển lãm được quan tâm nhiều nhất ở Rijksmuseum. Dibbits nói hiện bảo tàng đã bán được gần 200 ngàn vé và đã kéo dài thời gian mở cửa để thu hút thêm nhiều người.

Đối với những người yêu nghệ thuật không thể tới Amsterdam hoặc không thể mua vé, hiện có một chương trình kỹ thuật số song hành do Stephen Fry dẫn dắt. Người xem trực tuyến có thể phóng to tới từng chi tiết nhỏ của những bức ảnh có độ phân giải cực cao để xem điều gì khiến Vermeer nổi bật như vậy.

"Với Vermeer, ánh sáng chính là màu sắc, và màu sắc là ánh sáng" - Roelofs nói - "Và một trong những điều chúng ta sẽ thấy là cách ông ấy thật sự biết  tập trung. Điều đó khiến ông trở nên rất đặc biệt".

Đôi nét về Vermeer

Johannes Vermeer (1632 - 1675), còn được gọi là Jan Vermeer, là họa sĩ người Hà Lan thời kỳ Baroque chuyên về tranh cảnh nội thất ở tầng lớp trung lưu. Trong suốt cuộc đời mình, ông là một họa sĩ tỉnh lẻ thành công vừa phải, được công nhận ở Delft và The Hague. Tuy nhiên, ông vẽ tương đối ít tranh và rõ ràng là không giàu có, để lại cho vợ con khoản nợ sau khi chết.

Vermeer làm việc chậm rãi nhưng hết sức cẩn thận và sử dụng các loại bột màu rất đắt tiền. Hầu như các tác phẩm của ông đều có bối cảnh là hai căn phòng nhỏ trong nhà ông ở Delft với đồ nội thất và trang trí giống nhau được sắp xếp lại khác nhau và dường như vẽ cùng những người như nhau, chủ yếu là phụ nữ. Ông đặc biệt nổi tiếng với cách xử lý và sử dụng ánh sáng bậc thầy trong tác phẩm của mình.

Sau khi qua đời năm 1675, phải tới thế kỷ 19, Vermeer mới được Gustav Friedrich Waagen và Theophile Thore - Burger phát hiện. Họ đã xuất bản một tiểu luận về 66 bức tranh của ông, dù chỉ có 34 trong số đó ngày nay được công nhận do Vermeer vẽ. Từ đó, danh tiếng của Vermeer ngày một lớn và giờ được công nhận là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của Thời đại Hoàng kim ở Hà Lan. Tương tự như nhiều nghệ sĩ lớn Thời đại Hoàng kim ở Hà Lan, như Frans Hals và Rembrandt, Vermeer chưa bao giờ ra nước ngoài. Và cũng như Rembrandt, ông say mê sưu tập và buôn bán nghệ thuật.

Bày tranh triệu đô của danh họa Hà Lan Rembrandt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022