Không khí lễ hội ngày đầu năm ở Huế đầu thế kỷ 20 được tái hiện qua bức họa Thuận Hóa tiết nhất chi nhật (Ngày Tết ở Thuận Hóa). Năm 2021, một nhà sưu tập tư nhân người Pháp đã mua tác phẩm với mức 151.000 HKD tại phiên của Sotheby's Hong Kong. Theo thông tin từ nhà đấu giá, tranh do các họa sĩ của xưởng vẽ hoàng cung Huế thực hiện, có niên đại từ năm 1900 đến 1910, tương ứng thời vua Thành Thái và Duy Tân.
Tác phẩm vẽ theo lối sơn thủy bằng mực nho và màu nước trên giấy, kích thước 70x80 cm. Ảnh: Sotheby's
Lễ hội trong bức vẽ diễn ra ở khu vực trước Kỳ Đài. Hội xuân có hoàng đế, các cung phi, quan binh triều đình tham dự. Vua mặc áo vàng, ngồi ở giữa tầng hai trên thuyền Tế Thống, bên phải là Khâm sứ Pháp. Xung quanh, người dân tập trung đông để chơi leo cột mỡ, vòng đu quay ở bên phải Nghinh Lương Đình, đua ghe tại sông Hương, đấu voi - hổ trước Phu Văn Lâu.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - cho rằng đây là tư liệu thú vị, góp phần cung cấp những thông tin về Huế xưa. Tác phẩm mang lối vẽ lúc bấy giờ, chủ yếu tả chi tiết, ít chú ý đến phối cảnh. Trong sách Tết Hoàng cung (2021), ông Hải Trung nhận định tâm điểm của bức họa là cuộc chiến giữa sáu con voi và một con hổ.
Cảnh đấu voi trong lễ hội ngày Tết đầu thế kỷ 20 tại Huế. Ảnh: Sotheby's
Theo Mộc bản triều Nguyễn, sáng ngày mồng một tháng Giêng, vua sẽ mặc áo hoàng bào đi đến cung hoàng thái hậu chúc Tết. Sau đó, hoàng đế ngự điện Thái Hòa, nhận lễ lạy mừng của quân thần và ban tiền thưởng cho các quan. Từ ngày mồng ba Tết, vua đi du xuân, thăm thầy dạy, sư trưởng của mình. Hoàng đế cũng thăm viếng lăng tẩm, chùa đền bên ngoài kinh thành để tìm hiểu đời sống nhân dân. Mùng bảy, lễ Hạ tiêu (hạ nêu) và Khai ấn được cử hành. Kết thúc chín phát súng trên kỳ đài, các quan viên mở hộp đựng ấn triện, tượng trưng công việc của năm mới bắt đầu.
Sách Souvenirs de Hué (Hồi ký Huế) củatác giả mang hai dòng máu Pháp - ViệtMichel Đức Chaigneau (1803-1894) từng cho biết lễ hội đón năm mới ở Huế kéo dài khoảng mười ngày. Lễ thượng nêu, đóng ấn và hạ nêu, khai ấn là các hoạt động định kỳ. Trong những ngày Tết ở kinh thành, khắp nơi đều có tiếng pháo nổ. Mọi người đổ ra đường đi dạo, xem kịch, tham gia các trò như đánh đu, chơi bài ăn tiền.
Phương Linh