Phù điêu được tạo hình từ phiến đá cẩm thạch, bên ngoài là khung tròn ghép từ sáu mảnh gỗ hình vòng cung. Hiện vật còn khá nguyên vẹn, chỉ phần viền gỗ bị nứt nhẹ, lớp sơn quang bị phai và bong tróc nhiều, đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Tháng 12/2024, Thủ tướng ký công nhận phù điêu là bảo vật quốc gia.

Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu, phù điêu đá là tặng phẩm của triều đình Trung Quốc cho hoàng đế nhà Nguyễn hoặc là quà của giới thương nhân, sứ đoàn ngoại giao khi đến Huế đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên, kỹ thuật tạo hình, nghệ thuật khắc chìm, chạm lộng cho thấy hiện vật mang đậm phong cách mỹ thuật Huế. Tài liệu của Cục Di sản Văn hóa cho biết căn cứ dòng lạc khoản khắc ở mặt trước: ''Minh Mệnh Kỷ Sửu cung tuyên ngự chế thi nhất thủ'', xác định niên đại của hiện vật là năm 1829.

phu-dieu-1738556933-7102-1738730202.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bb2sCAyJr6Wl3T5WKjdyPg

Mặt trước phù điêu. Bảo vật có đường kính 52 cm, dày 3 cm, trọng lượng 13,4 kg.

Mặt trước là bức phong thủy theo chủ đề ''sơn thủy tùng đình'' (núi, nước, cây tùng, mái đình). Bầu trời gồm 12 áng mây, đôi chim hạc, một con ngậm đũa thần trong tư thế tung cánh, con còn lại đang lượn xuống. Dưới đất có chín công trình kiến trúc (lầu các, đình tạ) ẩn sau những rặng cây cổ thụ, núi non. Trên mặt nước, cảnh được thể hiện từ gần đến xa, trung tâm là chiếc thuyền buồm lớn, phía xa có bến sông và con đò nhỏ neo đậu. Ngoài cảnh sắc, tranh khắc họa con người lao động như tiều phu, ngư dân, người lái đò.

Bảo vật thể hiện đỉnh cao của kỹ nghệ chạm khắc đá. Từ phiến đá liền khối, các nghệ nhân thời Nguyễn tạo nên bức tranh hòa quyện giữa thiên nhiên và con người. Họ chạm khắc tỉ mỉ, sắp đặt bố cục cân đối, đủ chi tiết. Kỹ thuật chạm nổi, khắc chìm, chạm lộng trên gỗ cũng được thể hiện ở phần chân đế phù điêu, với kiểu trang trí mang yếu tố cung đình và các biểu tượng rồng, mây, sóng, nước.

Chân đế được chế tác từ gỗ mun, mặt trước và sau lần lượt chạm nổi đề tài Long ẩn vân (rồng uốn lượn trong mây) và Lưỡng long tranh châu (hai con rồng tranh hạt châu). Hình ảnh rồng ở hai mặt chân đế có chín đặc điểm: đầu lạc đà, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng diều hâu, lòng bàn chân của con hổ.

Mat-sau-phu-dieu-1738572286-2187-1738730202.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NpWZPdVD1mWzTXNxls73xQ

Mặt sau phù điêu.

Hiện vật cho thấy tài thi ca của vua Minh Mạng, thể hiện qua hai bài thơ khắc ở mặt trước và sau. Bài Ngự chế được vua viết năm 1829, gồm 56 chữ theo thể thất ngôn bát cú, chia đều hai nửa ở hai bên, mỗi khổ sáu dòng, mô tả vẻ đẹp của bức phong thủy:

"Hồng lục tằng tằng nhậm xảo thi Kham xưng giai thạch xuất Điền Trì Lâu đài kiên cố lưu thiên tải Thụ mộc âm sâm mậu tứ thì Hữu lộ nhân hành an dục tốc Vô phong chu sử mạc hiềm trì Túng công huyên nhiễm chung tu hoại Tuy chuyết điêu tuyên diệc khả thùy"

(Dịch nghĩa: Lớp xanh lớp đỏ khéo léo bày ra/ Có thể nói là đá quý xuất xứ từ Điền Trì/ Lâu đài bền vững nghìn năm còn mãi/ Cây cối um tùm bốn mùa tốt tươi/ Đường đi có lối, người đi sao phải vội/ Không có gió, cưỡi thuyền chớ hiềm lâu/ Tô vẽ dù khéo về sau rồi cũng hỏng/ Điêu khắc tuy vụng về nhưng cũng có thể truyền về sau)

Phía sau bảo vật được khắc chìm tác phẩm Minh (1825) với 64 chữ, 16 câu, chia thành sáu dòng, ca ngợi công lao những đời vua trước đã tìm ra nguồn gốc của đạo thánh hiền, răn dạy thế hệ hoàng đế sau phải học tập, trau dồi đạo đức:

"Hoàng đế văn minh Đồ thư tại kỷ Giảng ác thời khai Nghiên cùng chí lý Xích trục thanh sương Trừu thảo mị dĩ Lịch thánh đạo nguyên Như chưởng dị chỉ Thần hàn duật hoàng Điển mô tịnh trì Chấn ngọc thanh kim Dung kinh chú sử San định toản tu Chu Tứ đồng quỹ Nguyện ức vạn niên Sơn hải tích lũy"

(Dịch nghĩa: Bậc hoàng đế anh minh/ Sử sách (luôn) ở trên kỷ/ Khi đã học tập/ Thì học cho tường đạo lý/ Thư họa hoa lệ/ Phí phạm nên bỏ thôi/ Đạo lý thánh nhân/ Như nắm trong tay một cách dễ dàng/ Văn chương rực rỡ/ Điển phạm đủ đầy/ Tài trí thông tuệ/ Nung kinh nấu sử/ Biên soạn kinh sách/ Đạo lý thống nhất/ Cầu mong ức vạn năm/ Tích lũy sâu dày)

Vua Minh Mạng (1791-1841) tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, hoàng tử thứ tư của vua Gia Long và Thuận Thiên Cao hoàng hậu (thứ phi Trần Thị Đang). Ông lên ngôi năm 1820, được miêu tả thông minh, hiếu học, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, rất chăm lo việc triều chính.

Trong 20 năm trị vì (1820-1841), vua có nhiều đóng góp quan trọng ở mọi lĩnh vực kinh tế, hành chính, quân sự, ngoại giao, giáo dục. Cuộc đời của ông không chỉ ghi dấu ấn bằng những thành tựu trong điều hành, quản lý đất nước mà còn nhờ tài sáng tác thơ ca. Thống kê của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết hoàng đế Minh Mạng có khoảng 4.200 bài.

Theo cuốn Đại Nam thực lục, ông từng nói việc sáng tác thơ rất tự nhiên: "Thơ trẫm làm không cần khéo léo, chỉ luôn miệng ngâm ra để nói chí mình thôi. Những bài ban cho ấy đều nói về việc kính trời lo dân, mong tạnh cầu mưa, để các khanh biết ý trẫm, không phải vụ lời văn hoa mà đua hay với văn sĩ đâu".

Ông không lấy văn thơ làm nghiệp lưu danh. Sách Quốc Sử Quán triều Nguyễn ghi lời của vua: ''Tự nghĩ, những thơ ta làm đó phần nhiều là mình tự dạy mình về đạo kính trời yêu dân". Hoàng đế dùng thơ để trị vì đất nước, gửi tâm sự của bậc đế vương, mong muốn ''tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ".

Cục Di sản Văn hóa nhận định những tác phẩm thể hiện tâm hồn thi sĩ, nêu quan điểm, cách nghĩ của vua Minh Mạng, chứa đựng các triết lý nhân sinh quan về sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức.

Phương Linh Ảnh: Cục Di sản Văn hóa

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022