Trong 200 năm, các học giả nghệ thuật đã hoàn toàn không biết đến 2 bức chân dung của bậc thầy Hà Lan Rembrandt. Mới đây, cặp tranh này đã được nhà đấu giá Christie's bán với giá 11,2 triệu bảng, vượt xa con số ước tính vốn chỉ từ 5 tới 8 triệu bảng.

Đây là 2 bức chân dung nhỏ vẽ 1 cặp vợ chồng già, được Rembrandt ký tên và đề năm 1635, rất khác biệt so với phong cách thường có của danh họa. Khá thú vị, năm 1824, cặp chân dung này được bán bởi chính nhà đấu giá Christie's, trước khi mất dấu trong lịch sử.

Cái nhìn mới về Rembrandt

Phó Chủ tịch Christie's về mảng Kiệt tác hội họa xưa (Old Master Paintings - tranh của những bậc thầy hội họa sống trước năm 1800) là Henry Pettifer, đã phát hiện ra 2 bức tranh nằm lặng lẽ trong bộ sưu tập của một gia đình người Anh. Gia đình này không hề biết những bức tranh là do Rembrandt vẽ.

"Đây là 1 trong những khám phá thú vị nhất trong những năm gần đây ở mảng Kiệt tác hội họa xưa của chúng tôi" - ông Pettifer nói và gọi cặp tranh là "đặc biệt hiếm có".

Cao 20cm và được đóng khung vàng trang trí công phu, các tác phẩm được cho là cặp chân dung cuối cùng được biết tới của Rembrandt được đánh giá là "rất thân mật, rất tự phát" - như ông Pettifer nhận định -và rất khác thường so với tranh Rembrandt. Chúng cho thấy mối quan hệ mật thiết của những mẫu vẽ với danh họa và mang tới cái nhìn mới về bậc thầy Hà Lan. Từ trước tới nay, Rembrandt vốn nổi tiếng với những tác phẩm lớn hơn nhiều, do các gia đình giàu có ủy thác.

2 bức chân dung vừa được bán của Rembrandt

"Được vẽ với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chúng nằm trong số những bức chân dung nhỏ và thân mật nhất mà chúng ta biết về Rembrandt. Chúng bổ sung thêm những hiểu biết mới mẻ về ông với tư cách một người vẽ chân dung thiên tài không phải bàn cãi" - ông Pettifer nói.

2 người mẫu trong tranh là thợ sửa ống nước giàu có Jan Willemsz van der Pluym (1565 - 1644) và vợ ông, Jaapgen Carels (1565 - 1640). Họ sống ở nơi Rembrandt sinh ra (Leiden) và có quan hệ thân thiết với ông cùng gia đình. Năm 1635, năm mà các bức chân dung hoàn thành, Rembrandt đã sống ở Amsterdam được 4 năm, còn cặp đôi vừa mua khu vườn gần nhà mẹ Rembrandt. Con trai họ, Dominicus, họ kết hôn với con gái của cậu Rembrandt, Willem van Suytbroeck. Con trai của cặp vợ chồng này, nghệ sĩ Karrel van der Pluym, được đích thân Rembrandt dạy dỗ nhiều năm sau.

Hành trình dài qua các bộ sưu tập cá nhân

Các bức tranh có dòng xuất xứ đáng kinh ngạc, hầu như không bị gián đoạn, có thể truy ngược rõ ràng. Chúng vẫn ở lại trong gia đình 2 người mẫu tranh tới năm 1760, khi được bán đấu giá lần đầu tiên ở Amsterdam sau cái chết của chắt của họ là Marten ten Hove (1683 - 1759). Sau đó, cặp tranhdu hành sang Warsaw (Ba Lan), nằm trong bộ sưu tập cá nhân của Bá tước Vincent Potocki; trước khi có thời gian ngắn nằm ở bộ sưu tập của Baron d'Ivry tại Paris vào năm 1820 và sau đó thuộc về James Murray, Nam tước Glenlyon I, người phụng sự trong triều đình của vua George III và Nhiếp chính vương.

Tháng 6/1824, Murray rao bán các tác phẩm thông qua Christie's. Khi đó, cặp tranh được đánh giá là "Rembrandt - rất giàu tinh thần và màu sắc tinh xảo". Kể từ đó, chúng nằm lại ở bộ sưu tập cá nhân của một gia đình người Anh và không được các chuyên gia biết tới.

rembrandt-2-16890351552471718750532.jpg

Chân dung tự họa của Rembrandt

Cặp tranh được tái phát hiện vài năm trước, như 1 phần trong cuộc "định giá thường kỳ để xem xét các món đồ của gia đình". Trong cuộc trò chuyện với báo giới tại Amsterdam tháng trước, ông Pettifer tiết lộ ông đã "đứng hình" khi lần đầu nhìn thấy các bức tranh: "Tôi thật sự choáng váng khi phát hiện ra rằng các bức tranh này chưa bao giờ thật sự được nghiên cứu và chưa bao giờ được đề cập tới trong bất cứ tài liệu nào về Rembrandt trong suốt 200 năm qua. Vì vậy, chúng hoàn toàn không được biết tới".

Chính những người chủ sở hữu cũng rất ngạc nhiên. "Tôi không nghĩ là họ xem xét chúng" - theo ông Pettifer - "Họ không kỳ vọng gì mấy vào các bức tranh này. Như thế, chúng đã lặng lẽ nằm đó và được gia đình sở hữu thưởng thức trong suốt 2 thế kỷ".

Vô cùng phấn khích nhưng ở giai đoạn đó, ông Pettifer chưa đưa ra bất kỳ kết luận nào. Các bức tranh sau đó chỉ được xác thực qua một cuộc điều tra học thuật dài, sâu rộng cùng phân tích khoa học được thực hiện ở Hà Lan.

2 bức chân dung đã được mang đi trưng bày tại New York và Amsterdam vào tháng 6 vừa qua trước khi trở lại London, nơi mọi người có thể chiêm ngưỡng chúng ở triển lãm trước phiên đấu giá Tuần lễ Kinh điển.Phiên đấu giá phần 1, diễn ra vào tuần trước, đã thu về tổng cộng 53,9 triệu bảng. Tác phẩm đắt giá nhất phiên thuộc về bức tranh chưa được biết tới trước đây của họa sĩ Flemish Michael Sweerts, bán được với giá 12,6 triệu bảng.

Theo nhà đấu giá, có rất nhiều bên quan tâm tới cặp tranh của Rembrandt. Nhà đấu giá từ chối tiết lộ ai đã mua các kiệt tác, thậm chí không nói đó là bảo tàng hay cá nhân, bởi "việc thông báo là tùy thuộc ở người mua. Người này đã trả giá qua điện thoại".

Christie's hiện vẫn đang giữ kỷ lục thế giới về giá tranh Rembrandt, được lập vào năm 2009 khi bức Chân dung người đàn ông tay chống nạnh được bán với giá hơn 23 triệu bảng.

Đôi nét về danh họa Rembrandt

Rembrandt Harmenszoon van Rijn (15/7/1606-4/10/1669), thường được gọi đơn giản là Rembrandt, là nhà thiết kế, nghệ sĩ khắc bản in và họa sĩ người Hà Lan. Ông là bậc thầy sáng tạo và sung mãn cả ở 3 lĩnh vực, được coi là 1 trong những bậc thầy nghệ thuật thị giác vĩ đại nhất trong lịch sử nghệ thuật. Ước tính, Rembrandt đã cho ra đời khoảng 300 bức tranh, 300 bản khắc và 2.000 bản vẽ.

Không giống như hầu hết các bậc thầy Hà Lan ở thế kỷ 17, các tác phẩm của Rembrandt miêu tả nhiều phong cách và chủ đề khác nhau, từ chân dung và chân dung tự họa tới phong cảnh, cảnh sinh hoạt đời thường, cảnh dụ ngôn và lịch sử, chủ đề Kinh thánh,thần thoại và nghiên cứu động vật. Những đóng góp nghệ thuật của ông nằm trong thời kỳ đạt được nhiều thành tựu về văn hóa và khoa học mà các nhà sử học gọi là Thời kỳ Hoàng kim của Hà Lan, khi nghệ thuật Hà Lan (mà đặc biệt là tranh vẽ) rất phong phú và tân tiến.

Tranh của 'thánh nữ hội họa' Frida Kahlo lập kỷ lục đấu giá

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022