Đây là lần đầu tiên nhãn hàng lớn của Ý này chọn một người mẫu Việt để quảng bá cho sản phẩm của mình (tháng 7-2021). Đến tháng 9-2021, Phương Oanh tiếp tục xuất hiện với vai trò người mẫu trong bộ ảnh thời trang số tháng 9 của Tạp chí Vogue Thái Lan.

Động lực để nhà thiết kế Việt học hỏi

Thời trang Việt đang dần được thế giới quan tâm khi đã có thay đổi rất nhiều về diện mạo. Những buổi trình diễn thời trang được sản xuất qua loa trên sóng truyền hình trước đây đã được thay thế bằng những tuần lễ thời trang chuyên nghiệp.

Chương trình "Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam" lần thứ 15 (Aquafina Vietnam International Fashion Week 2023) đã công bố danh sách những nhà thiết kế (NTK) trình diễn gồm: Lê Thanh Hòa, Adrian Anh Tuấn, Vũ Thu Phương, Vũ Việt Hà, Xuan Thu Nguyen (Hà Lan), Frederick Lee (Singapore), Christos Chronis (Úc), Kobi Levi (Israel), cùng các thương hiệu thời trang Butuni, Melya và các NTK khác. Mùa thứ 15 của "Aquafina Vietnam International Fashion Week 2023" diễn ra từ ngày 13 đến 16-7 tại Nhà thi đấu Quân khu 7 (TP HCM).

8-chot-trang-8-16889998960651080035341.jpg

Chương trình “Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2020” tại TP HCM - sân chơi tập trung nhiều nhà thiết kế thời trang tài năng.Ảnh: LEON

Để tham gia tuần lễ thời trang này, chi phí mỗi NTK phải đóng là 200 triệu đồng. Khoản phí này tăng lên sau 15 mùa ra mắt, so với giá khởi điểm ban đầu là 100 triệu đồng. Hiện nay việc NTK tham gia phải trả phí cho đơn vị tổ chức đã không còn là chuyện bất ngờ. Trước đây, nó đã từng là chuyện "bóc phốt" ồn ào trên mạng xã hội một thời gian dài. Người "bóc phốt" chính là những NTK từ chối tham gia vào tuần lễ thời trang khi cho rằng việc phải đóng phí cho đơn vị tổ chức là vô lý.

Bà Lê Thị Quỳnh Trang - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thiết kế thời trang Đông Nam Á, Chủ tịch "Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam" lần thứ 15 - cho biết: "Chi phí thuê địa điểm luôn cao ngất ngưởng, trung bình 1 tỉ đồng/đêm, chưa tính chi phí dàn dựng, âm thanh ánh sáng. Việc thu phí đã là quy định chung khắp thế giới. Không có tuần lễ thời trang nào lại miễn phí cho một thương hiệu hay NTK muốn xuất hiện để giới thiệu những sáng tạo mới của mình".

Các NTK Việt Nam phải đóng phí để được tham gia. Riêng các nhà thiết kế quốc tế được mời diễn vẫn được chi trả vé máy bay, khách sạn, đi lại cho cả ê-kíp. Bà Lê Thị Quỳnh Trang lý giải: "Thời trang Việt vẫn là một sân chơi mới trong mắt những người làm thời trang quốc tế. Để mời những cái tên danh tiếng như Julien Fournie, Yumi Katsura... việc phải chi trả toàn bộ chi phí cho họ là điều tất nhiên. Sự có mặt của họ không chỉ là bảo chứng về uy tín của chương trình mà còn là động lực để thúc đẩy các NTK Việt học hỏi và phấn đấu".

NTK Adrian Anh Tuấn cho biết: "Chuyện đóng tiền để được diễn là điều bình thường ở mọi tuần lễ thời trang trên thế giới. Sau khi tham gia ở "Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam", bộ sưu tập ra mắt năm ngoái của tôi đã được khán giả ủng hộ ngoài mong đợi".

Người mẫu Việt đầu tiên

Mặc dù bị loại ở cuộc thi "Vietnam’s Next Top Model 2017" nhưng Phương Oanh (sinh năm 1999, quê tỉnh Điện Biên) đã trở thành người mẫu Việt ghi dấu ấn đặc biệt khi trình diễn ấn tượng tại các thị trường thời trang lớn của thế giới như Anh, Ý...

Phương Oanh là người mẫu Việt đầu tiên có hồ sơ hình ảnh trên trang quốc tế models.com. Cô đã ký hợp đồng với nhiều công ty quản lý người mẫu lớn tại Anh như PRM Agency, Women Management, Taste Management và trúng nhiều show diễn đáng chú ý trong thời gian qua, như diễn cho 4 show lớn của các thương hiệu Maison Margiela 16Arlington, Fashion Hong Kong, Bosideng tại "Tuần lễ thời trang London" (Anh); show của nhà mốt Stella McCartney và được chọn chụp hình lookbook cho thương hiệu này; làm mẫu ảnh trong các bộ sưu tập của Erdem, Halpern...

Phương Oanh bộc bạch: "Để được chọn diễn cho các tuần lễ thời trang danh giá và thương hiệu thời trang nổi tiếng không phải là điều dễ dàng. Tôi đã trải qua 2 năm nghiêm khắc rèn luyện, cải thiện tất cả kỹ năng liên quan đến nghề người mẫu như catwalk, tạo dáng trước ống kính và cân chỉnh hình thể cho hợp chuẩn quốc tế". Phương Oanh cho biết vừa ký thêm hợp đồng với công ty quản lý Women 360 Management Paris (Pháp) và Women Management Milano (Ý). Chắc chắn sau thành công của Phương Oanh, làng thời trang Việt sẽ có thêm những chân dài mạnh dạn bước ra với thời trang quốc tế.

Những người trong cuộc cho rằng mọi thành công của thời trang Việt trên trường quốc tế đều không có chỗ cho sự may mắn mà đó là sự đầu tư bằng công sức và tiền bạc rất lớn mới có thể đạt được những mục tiêu mong muốn. Câu hỏi đặt ra "Liệu có gặt hái được gì không khi phải đổ ra một khoản đầu tư khổng lồ?". Chắc chắn là có, thành công của Nguyễn Công Trí hay Phương Oanh là một minh chứng sống động. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-7

Theo những người trong giới, việc mời các thương hiệu ngoại về Việt Nam biểu diễn là chuyện không đơn giản. Các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới đòi hỏi rất cao về chất lượng đêm diễn cũng như cách thức tổ chức chuyên nghiệp để bảo quản bộ sưu tập. Đã từng có những ngôi sao có tiếng, thường xuyên xuất hiện ở hàng ghế đầu trong nhiều chương trình thời trang thế giới từ chối đến Việt Nam vì không tin tưởng khả năng tổ chức của nước chủ nhà. Điều này cũng lý giải vì sao chương trình thời trang lớn phải mua bản quyền và đưa các chuyên gia ngoại đến Việt Nam dàn dựng. Việc tham gia và hòa nhập với guồng quay thời trang của quốc tế có thể nói là rất chông gai, vì vậy những kết quả đạt được của thời trang Việt hiện nay trên thế giới là rất đáng khích lệ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022