Theo trang The Value, cuối tháng 1, bảo tàng nghệ thuật Ōta Memorial (Tokyo) triển lãm khoảng 90 tác phẩm từ thế kỷ 17 tới thời kỳ Minh Trị (1868-1912), của các tên tuổi lớn trong làng hội họa Nhật Bản gồm Utagawa Kuniyoshi, Utagawa Kunisada, Katsushika Hokusai... Triển lãm chủ đề Ukiyo-e và Trung Quốc, chỉ những yếu tố văn hóa Trung Quốc xuất hiện trong trường phái tranh Ukiyo-e.

tranh-1553-1675331195.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KBAxM4rLlHSX2AQY24jruw

Tranh "Huyền Đức thăm Khổng Minh ngày gió bão", khắc họa ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi tới thỉnh cầu Gia Cát Lượng, nhưng không chú thích vị trí từng nhân vật. Ảnh: The Value

Một trong số tranh độc đáo được giới thiệu tại triển lãm là bức Huyền Đức thăm Khổng Minh ngày gió bão, của Utagawa Kunisada (1786-1865), ra đời năm 1820. Nếu không đọc tên tranh, khán giả khó đoán bối cảnh tác phẩm là "Tam cố thảo lư" (Ba lần tới nhà cỏ), chỉ tích Lưu Bị ba lần tới nhà tranh của Gia Cát Lượng thỉnh cầu ông phò tá mình. Gia Cát Lượng cảm động, đồng ý xuất sơn cùng Lưu Bị tính đại sự.

Ngoài bức trên, Utagawa Kuniyoshi từng vẽ nhân vật Lâm Xung trong Thủy Hử phiên bản nữ. Đổi giới tính nhân vật là thủ pháp xuất hiện trong nghệ thuật Nhật Bản từ 200 năm trước. Họa sĩ Katsukawa Shunsen (1762-1805) cũng từng thực hiện bức tranh biến Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi và Gia Cát Lượng thành phụ nữ. Thủ pháp này là nét văn hóa độc đáo, khá phổ biến trong truyện tranh hay các trò chơi điện tử Nhật Bản ngày nay.

bi-1-1563-1675331195.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=kPDSM2ex5PGuP8H22lKZoA

Katsukawa Shunsen khắc họa ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi (cầm ô) tới nhà cỏ của Gia Cát Lượng, được thư đồng ra đón. Ảnh: Otakinen Museum

Huyền Đức thăm Khổng Minh ngày gió bão thuộc trường pháiUkiyo-e (Phù thế) - vốn bắt nguồn từ Phật giáo, chỉ cuộc đời vô thường. Tranh thể hiện hiện thực cuộc sống, sự tận hưởng thú vui, thiên nhiên. Đề tài tranh phong phú, như mỹ nhân, phong cảnh, nhân vật lịch sử, sắc dục, chim muông hoa lá...

Tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Nhật Bản. Bản dịch sớm nhất ở Nhật Bản ra đời năm 1692, do nhà sư Konan Bunzan biên dịch. Tam Quốc diễn nghĩa trở thành đề tài trong nhiều lĩnh vực ở Nhật, ngoài hội họa còn có truyện tranh, trò chơi điện tử, phim hoạt hình, điện ảnh. Phim điện ảnh gây chú ý gần nhất là The Untold Tale of the Three Kingdoms (2020, Chuyện chưa kể về Tam Quốc), doanh thu hơn bốn tỷ yen (gần 31 triệu USD).

Kỹ thuật hội họa Ukiyo-e xuất hiện từ thời kỳ Edo (1603-1867), giai đoạn kinh tế phát triển, thúc đẩy nghệ thuật. Ban đầu, họa sĩ dùng bút lông vẽ trang trí cho kiến trúc. Vì lượng công việc lớn, họ cho chế tạo phương pháp khắc gỗ. Họa sĩ vẽ tranh lên giấy, thợ mộc khắc tác phẩm thành bản gỗ, sau đó họa sĩ tô màu lên. Thợ in ấn làm công đoạn in tranh lên giấy. Kỹ thuật này giúp nâng cao hiệu suất công việc, sản xuất tranh hàng loạt. Chỉ cần tại một bản mẫu, họa sĩ có thể thực hiện các phiên bản khác trong thời gian ngắn. Ukiyo-e được phổ biến rộng rãi vì hiệu quả trang trí cao.

tranh2-2849-1675331195.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ba6Nhsq3Ls9Huo24a3ofpg

"Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa", thể loại Ukiyo-e, là một trong bức tranh Nhật Bản nổi tiếng nhất thế giới. Tác phẩm của họa sĩ Katsushika Hokusai, ra đời khoảng 1831-1833, in ra vài nghìn bức nhưng đến nay chỉ còn khoảng vài trăm bức, được trưng bày ở các bảo tàng trên thế giới. Ảnh: The Value

Năm 1865, Ukiyo-e lưu truyền sang châu Âu, từng nhận được sự chú ý lớn của các họa sĩ như Édouard Manet, Claude Monet, Vincent van Gogh... Họ từng áp dụng kỹ thuật hội họa Ukiyo-e vào tác phẩm của mình. Tầm ảnh hưởng của Ukiyo-e đối với mỹ thuật thế giới được công nhận.

Nghinh Xuân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022