Sau những ngày diễn thi sôi nổi, Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 (Vietnam Dance Week 2023) đã khép lại. Gần 500 nghệ sỹ, diễn viên, tài năng ở lứa tuổi thiếu nhi, thiếu niên bằng đam mê, khát khao sáng tạo đã cống hiến hàng trăm tiết mục múa đặc sắc, mang lại cho công chúng những cảm nhận tinh tế, hấp dẫn, ly kỳ và vẻ đẹp của loại hình nghệ thuật múa.

Tuần lễ tôn vinh nghệ thuật múa

Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 do Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam phát động từ ngày 15/7, trải qua các vòng đăng ký thử thách video sơ khảo, chấm sơ khảo, bán kết và vòng chung kết. Trong đó, vòng chung kết được tổ chức tại 2 khu vực. Khu vực phía Nam diễn ra từ ngày 19-21/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh; phía Bắc diễn ra từ ngày 25-29/10 tại Hà Nội.

Tại khu vực phía Nam, Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 thu hút sự tham gia của gần 200 nghệ sỹ, diễn viên, các tài năng nhảy múa ở nhiều hạng mục, với nhiều lứa tuổi, đến từ các tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Đắc Nông…

Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 khu vực phía Nam có sự phong phú trong các hạng mục dự thi với những tác phẩm được đầu tư dàn dựng chỉn chu, công phu, nội dung đa dạng, đề tài nhân văn.

Ở cuộc thi Tác phẩm múa dân gian dân tộc Việt Nam và Liên hoan tài năng múa chuyên nghiệp đã xuất hiện nhiều thí sinh nổi trội về kỹ thuật và khả năng biểu cảm. Có thể kể đến nghệ sỹ Nguyễn Đức Hữu với tác phẩm Tám chữ có (biên đạo Dajay); nghệ sỹ Đỗ Hoàng Khang Ninh với tác phẩm Verses (biên đạo Robert Bondara). Một số tác phẩm được xây dựng với kết cấu chặt chẽ, khắc họa rõ ý tưởng và mang tính hình tượng, giá trị nhân văn cao, thể hiện rõ nét bản sắc, tôn vinh giá trị văn hóa vùng miền như tác phẩm Khía súa- biên đạo Sùng A Lùng, tác phẩm Thổi hồn nhịp trống Ghi năng- biên đạo Lê Thị Yến Phi…

Tuần lễ Múa là dịp để những nghệ sĩ múa, những nhà biên đạo múa, huấn luyện múa có cơ hội giao lưu. Nguồn: Báo Văn hóa

Điểm nổi bật của Tuần lễ Múa 2023 ở khu vực phía Nam nằm ở hạng mục Liên hoan các thể loại trình diễn múa với sự xuất hiện của các nhóm, vũ đoàn có chất lượng tốt và có sự đầu tư chỉn chu, nổi bật. Trong đó phải kể đến Mania Family với 7 tiết mục dự thi và Huỳnh Huy Academy… Có thể nói, các nhóm vũ đoàn đã góp phần làm cho Tuần lễ Múa Việt Nam khu vực phía Nam sôi động, hấp dẫn.

Tại Hà Nội, hơn 300 nghệ sỹ, thí sinh đã tham gia các phần trình diễn với tinh thần thi đua tràn đầy năng lượng. Đêm khai mạc 27/10 diễn ra hoành tráng với màn thảm đỏ trang trọng với sự tham gia của các quan khách trong nước và quốc tế; các thế hệ nghệ sỹ múa tài năng, danh tiếng. Không khí náo nhiệt của vũ điệu Tay trong tay của các vũ đoàn và thí sinh tham dự cuộc thi càng làm "nóng" bầu không khí của Tuần lễ Múa Việt Nam.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên có sự tham gia của 6 vũ đoàn lớn ở Hà Nội hiện nay gồm: Vũ đoàn Grammy (Leader Anh Đức), Vũ đoàn Carmen (Leader Kiều Vân), Vũ đoàn Emmy (Leader Quang Huy); Vũ đoàn Cao Tùng (Leader Cao Tùng), Vũ đoàn Cannes (Leader An Nguyễn), Vũ đoàn PL (leader Phan Lương). Đây là các vũ đoàn được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, đã xây dựng được thương hiệu ở nhiều show diễn lớn, đóng góp tích cực cho nền công nghiệp văn hóa nghệ thuật.

Ở phần thi của các tài năng biểu diễn múa chuyên nghiệp, nhiều nghệ sỹ, nhóm nghệ sỹ tài năng đã mang đến cho công chúng "bữa tiệc" nghệ thuật mãn nhãn với nhiều tác phẩm xuất sắc. Nhóm Theatre Dance Vietnam với tác phẩm "Tắt đèn", thể loại Jazz đương đại; Nguyễn Quang Đạt với tác phẩm Ngoài vùng, thể loại múa đương đại, hình thức múa solo; Trần Thảo Vân với tác phẩm Dạ Liên Vũ, thể loại múa dân gian dân tộc, hình thức múa solo; Xuân Thảo – Đình Lộc với tác phẩm The Mirror – Soi, thể loại múa đương đại, hình thức múa Duo…

Đặc biệt, đêm diễn thi cuối cùng của Tuần lễ Múa Việt Nam vào tối 28/10 của các thí sinh cuộc thi múa dân gian dân tộc, dưới tiết trời mưa nặng hạt liên tục, nhưng các thí sinh vẫn "cháy" hết mình để hoàn thành bài thi một cách xuất sắc. Nhiều tác phẩm múa dân gian dân tộc đã chinh phục Hội đồng giám khảo, giới trong nghề và công chúng yêu nghệ thuật múa như: Giã vải của của biên đạo múa Hà Văn Trung đến từ Trường Cao đẳng Lào Cai; Tắm lửa của biên đạo múa Thanh Mai và Công Phương (Trường Nghệ thuật Việt Bắc - Thái Nguyên); Tác phẩm Tự tại của biên đạo múa Vũ Huệ (Học viện Múa Việt Nam - Hà Nội)…

Theo đánh giá Hội đồng Giám khảo, tất cả các hạng mục, từ biểu diễn dành cho người cao tuổi, đến các bảng tài năng nhảy múa dành cho các em thiếu niên, thiếu nhi hay bảng múa dân gian dân tộc… đều được các thí sinh thể hiện đầy hào hứng, say mê. Hàng trăm tiết mục, tác phẩm múa đã được các thí sinh, nhóm thí sinh trình diễn tại Tuần lễ Múa Việt Nam 2023, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao.

img5265-1698656481395414511745.jpg

Vũ điệu cộng đồng "Tay trong tay - Hand in hand" tại Tuần lễ Múa Việt Nam 2023. Nguồn: Báo Hànộimới

Còn nhiều trăn trở

Nghệ sỹ Nhân dân Hà Thế Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đánh giá: Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 đã khởi động nhiều hoạt động thiết thực nhằm hồi sinh những giá trị văn hóa, nghệ thuật đích thực đang dần mai một trong nhịp sống hối hả của thời cuộc. Sự kiện quy tụ nhiều nghệ sỹ múa trong nước, bạn bè quốc tế thể hiện tài năng biểu diễn và sáng tạo tác phẩm. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời cho công chúng tiếp cận và nhận dạng muôn sắc thái của các hình thức sáng tạo nghệ thuật múa với nhiều thể loại khác nhau, phong phú về tính chất, đổi mới về nội dung, tìm tòi và khai thác vốn tài nguyên của dân tộc, tôn vinh nghệ thuật múa trong bối cảnh phát triển chung đa chiều và toàn cầu hóa.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Hà Thế Dũng, các thí sinh tham dự Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 đã trình diễn với tinh thần thi đua tràn đầy năng lượng, mang đến những tín hiệu tích cực cho ngành múa. Ở hạng mục Liên hoan tài năng biểu diễn múa có sự phong phú, đa dạng về thể loại, màu sắc, có sự đầu tư về trang phục, âm nhạc, cấu trúc bài thi, thu hút nhiều thí sinh ở các tỉnh thành hưởng ứng, tham gia. Tiêu biểu là nhóm thí sinh ở bảng thiếu niên nhi đồng khiến Hội đồng nghệ thuật khá bất ngờ trước kỹ năng biểu diễn khá thuần thục, thông minh của các em. Điều này cho thấy nghệ thuật múa đã nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng, đã có sự lan tỏa và có ảnh hưởng trong cộng đồng xã hội.

Đối với phần thi tác phẩm múa dân gian dân tộc, các biên đạo phần lớn đã diễn đạt được ý đồ tác phẩm; các tác phẩm đều đã bộc lộ được tư duy thẩm mỹ, biểu hiện rõ nét bản sắc, tôn vinh giá trị văn hóa vùng miền, phản ánh được sắc màu cuộc sống xã hội, con người trong quá khứ và hiện tại.

img5266-16986564029472090570340.jpg

Tiết mục mở màn Tuần lễ Múa Việt Nam 2023. Nguồn: Báo Hànộimới

Nhiều tác phẩm đã có sáng tạo mới về phương pháp sáng tác và hình thức thể hiện thông qua cấu trúc tác phẩm, kết cấu ngôn ngữ múa, bám vào chủ đề nội dung. Cách xử lý âm nhạc dân tộc khéo léo, tinh tế, hài hòa giữa câu nhạc và câu múa, đưa âm nhạc dân gian vào tác phẩm chân thực, đưa đến cho khán giả những phút giây thưởng thức giữa nghe và xem một cách thú vị, hài hòa.

Tuy nhiên, Nghệ sỹ Nhân dân Hà Thế Dũng cũng bày tỏ sự trăn trở, bởi vẫn còn một vài tiết mục biên đạo chưa khéo léo xử lý ngôn ngữ, đội hình, âm nhạc cắt nối không logic, động tác có phần gượng ép. Một vài tác phẩm múa dân gian chưa thể hiện rõ nét màu sắc dân tộc, phần kết cấu biên bài còn sơ sài chưa rõ ý và có phần lạm dụng kỹ thuật, kỹ xảo của các loại hình khác vào múa dân gian dân tộc. Nhiều biên đạo sa vào bộc lộ tài năng, kỹ thuật diễn viên mà thiếu đi chiều sâu, tư duy nghệ thuật biên đạo trong phần biểu hiện nội dung, ý nghĩa nghệ thuật bao quát của tác phẩm. Một số tác phẩm không bám vào tiêu chí cuộc thi, nội dung không rõ ràng, kết cấu lỏng lẻo, sơ sài…

Điều khiến giới trong nghề băn khoăn là số lượng tác giả dự thi phần sáng tạo tác phẩm múa dân gian dân tộc ở cả hai miền Nam, Bắc chỉ có 28 tác giả, khá khiêm tốn so với tổng số 90 tiết mục dự liên hoan. Sự chênh lệch này khiến những người quan tâm đến nghệ thuật múa không khỏi băn khoăn. "Đây cũng là vấn đề khiến Ban tổ chức – Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam cần nghiêm túc nhìn nhận và bàn thảo để tìm phương hướng thúc đẩy nhằm phát triển mảng sáng tác múa dân gian dân tộc trong nhiệm kỳ tới", Nghệ sỹ Nhân dân Hà Thế Dũng bày tỏ.

Cùng với đó là nỗi lo về lực lượng nghiên cứu, lý luận phê bình múa ngày càng hiếm hoi, khi hạng mục công trình, báo chí chỉ có 4 tác giả tham dự giải. Đây cũng là trăn trở lớn của những người yêu nghệ thuật múa tại Tuần lễ Múa Việt Nam năm nay.

Tuần lễ Múa Việt Nam 2023 đã khép lại, dù vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở, nhưng thành công của sự kiện đã thổi làn gió hy vọng mới về một tương lai tỏa sáng cho nghệ thuật múa. Thạc sỹ, Biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam khẳng định: Đây thực sự là cơ hội để ngành múa giới thiệu và tôn vinh đóng góp của các thế hệ nghệ sỹ, người yêu nhảy múa, lan tỏa sâu rộng nghệ thuật múa vào đời sống xã hội, nhất là múa dân gian dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, phát triển công nghiệp văn hóa. Thông qua đó, giới chuyên môn tìm kiếm cơ hội hợp tác và đưa ra mô hình hoạt động hiệu quả, hướng phát triển mới cho sự phát triển bền vững của nghệ thuật múa Việt Nam.

Trao giải cho các tác phẩm xuất sắc tại Liên hoan Nghệ thuật Múa TP.HCM mở rộng 2022

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022