Ngày 11-11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) họp báo, thông tin về Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam và Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ nhất, năm 2022.

anh-chup-man-hinh-2022-11-11-luc-170620-16681619730771863673893.png

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt (giữa) phát biểu tại họp báo

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt cho hay sự kiện được Bộ VH-TT-DL phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức từ ngày 18 đến 23-11 tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Hà Nội, chào mừng Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11) và Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11).

Trong khuôn khổ sự kiện có rất nhiều hoạt động quy mô lớn, hấp dẫn. Lễ khai mạc với chủ đề "Khát vọng Việt Nam" được tổ chức trên sân khấu nổi nằm ven hồ Đồng Mô với sự tham gia của 200 nghệ sĩ và 170 nghệ nhân các dân tộc, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam tối 18-11.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly chia sẻ, sân khấu của "Khát vọng Việt Nam" được thiết kế theo hình chiếc quạt, đây là một hình ảnh không thể thiếu trong di sản văn hóa Việt Nam. Tất cả các nan quạt chụm về một phía tượng trưng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Từ đó cũng có thể liên tưởng đến hình ảnh những cánh buồm đưa đất nước ra biển lớn.

Sẽ có 4 sân khấu nhỏ trên tổng thể sân khấu lớn để các diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân cùng đồng diễn. Đó là sân khấu đảo, sân khấu mặt nước, sân khấu đường pitch và sân khấu là cầu nối từ sân khấu đường pitch và sân khấu đảo. Như vậy công chúng sẽ được thưởng thức nghệ thuật trên nhiều mặt sân khấu. 

trang-phuc-dan-toc-dao-16681615246382019983187.jpeg

Trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao tại Tuyên Quang. Ảnh: Nam Sương

Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng cho hay, Ban tổ chức đã mời hơn 200 đồng bào của các dân tộc đang sinh hoạt thường xuyên tại Làng và 2 cộng đồng dân tộc ở địa phương khác tham gia nhiều hoạt động, trong đó điểm nhấn là Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Cũng theo ông Chung, trong Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022, tại các khu làng sẽ tổ chức tái hiện các lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Các hoạt động không chỉ tôn vinh gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn là dịp để động viên đồng bào và tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm các giá trị văn hóa độc đáo và đặc sắc của các dân tộc Việt Nam.

Chia sẻ về Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc lần thứ nhất, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung cho biết đồng bào 22 dân tộc với 30 nhóm ngành lên tới gần 500 nghệ nhân, diễn viên quần chúng sẽ tham gia liên hoan.

Các nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số sẽ trực tiếp trình diễn trang phục hàng ngày, lễ hội và lễ cưới của dân tộc mình. Ví dụ như Bắc Giang sẽ chọn trang phục các dân tộc Nùng (nhóm Nùng Phàn Slình), Tày và Sán Chay (nhóm Sán Chỉ); còn tỉnh Bắc Kạn cũng chọn trang phục dân tộc Nùng nhưng là nhóm Nùng An, dân tộc Dao (nhóm Dao Tiền) và dân tộc Sán Chay…

Sự kiện sẽ tái hiện, giới thiệu các hoạt động của đồng bào các dân tộc Việt Nam tới du khách trong nước và quốc tế.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022