Năm nay, tôi lại về quê sau mấy năm con Covid-19 làm đứt gãy mùa hội. Giống như luân chuyển của vũ trụ, năm có bốn mùa, hội làng cũng theo thế diễn ra. Đất Nành quê tôi hội chùa từ mùng 4 và kết hội vào mùng 6 tháng 2 âm lịch.
Vẫn như xưa, mồng Bốn mở hội đón khách thập phương. Khách xa về cùng người làng ngồi chung mâm cỗ 8 món. Mâm cỗ bày ngay dưới hai hàng bệ thờ La hán và gian hậu chùa. Cỗ do dân làng tự làm. Tự xưa đã thế, bây giờ vẫn thế!
Một chu kì lặp lại hàng năm. Vẫn cỗ bàn đón khách, vẫn có tuồng Tấn Bào làng mời bên Đa Vạn diễn trước cửa chùa. Buổi diễn giữa chừng vẫn có người cầm rá chìa ra nhận đồng tiền thướng của người thưởng lãm yêu thích cho đội tuồng. Vẫn những "Hồ Nguyệt cô hóa cáo", vẫn "Phụng nghi đình" thôi, nhưng cảm nhận không bao giờ cũ...
Người dân vui hội làng Nành
Rồi sân chùa vẫn diễn ra cờ bỏi thúc trống, có các trò chơi ngày hội ồn ào như đấu vật, hát chúc rổn rảng vui nhộn.
Vào đến sân chùa, tất cả những toan tính, những cái khó đời thường đã dừng lại hết bên ngoài, ngay từ cổng làng... Nói chung là hội hàng năm vẫn tái hiện như xưa, không mới cũng không cũ, năm nào cũng náo nhiệt sắc màu, náo nhiệt tình người tứ phương.
Buổi tối, trong gian hậu chùa các bà từ Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên... lại trải chiếu, đầu gối tay nải, nằm giao lưu suốt đêm chuyện nhà chuyện cửa con cái gia cảnh cho nhau những kinh nghiệm sống...
Vui nhất là ngày thứ hai, trung hội mồng 5, ngày rước Thành hoàng các làng lên chầu cửa Phật. Làng có 9 thôn, cắt cử nhau từ thôn 1 đến thôn 9 căn giờ sao cho đám rước cuối cùng kết thúc trước mười hai giờ trưa, giờ Ngọ. Vẫn hương hoa lễ chay xôi oản hoa quả trên kiệu. Dọn đường cho Thánh có cờ phướn chiêng trống gõ nhịp và hai hàng đồng nam đồng đồng nữ mặc đẹp, bên cầm quạt, bên chũm chọe múa dẫn đường. Các bậc cao niên trung niên, nam thì khăn xếp áo lương, nữ thì khăn vấn áo dài nâu vác cờ phướn và bảo vật từ đình thôn chậm rãi từng bước, trang trọng tư thế ngày rước Thánh...
Bao nhiêu mùa lễ hội cũng chừng việc ấy diễn ra như thế lặp lại như thế, nhưng dân làng từ trẻ đến già không ai quên. Ai cũng chờ mong hội chùa hàng năm.
***
Hội như ngày nhắc lại trang sử làng. Cây phướn giữa sân chùa, trên có con quạ cắp dải lụa trắng bay mơ hồ trong gió là cả một tích chuyện rất nhân văn từ thời đại sư Khâu Đà La đến giác ngộ dân xây chùa.
Cây phướn giữa sân chùa, trên có con quạ cắp dải lụa trắng
Chuyện rằng có đoàn người đi quyên góp gặp một lão chài nghèo bên sông Thiên Đức. Ông lão nghèo, chỉ có tài sản lớn nhất là cái khố mới, chưa dùng đến, thế là lão đem ra cung tiến. Toán người quyên góp cho đó là thứ dơ bẩn tầm thường, dè bỉu không nhận. Đoàn quyên góp đi rồi, lão chài ngồi nghĩ đau lòng vì tấm lòng chân thành của mình bị xúc phạm. Bất chợt lão cầm dao rạch vụng moi ruột gan ra cho người đời hiểu tấm lòng mình.
Phật bà Quan âm ở xa với tuệ nhãn nghìn dặm nhìn ra bèn biến thành con quạ bay tới cắp bộ lòng của lão chài thả xuống sân chùa. Dân làng bừng tỉnh tìm đến nơi lão chài quyên sinh thì một đống mối lớn đã vun đắp thành mộ cho ông.
Ngôi chùa xây xong, cột phướn được dựng lên. Trên cao chót vót là hình ảnh quạ và dải lụa trượng trưng Phật Quan âm và gan ruột của lão chài với cửa Phật, nhắc nhở người làng nghìn năm sau rằng tấm lòng chứ không phải của cái là giá trị của con người.
Một câu chuyện nhỏ trong nhiều huyền sử trên đất Nành là bài học nhân văn thấm thía với mỗi người chúng ta.
Hội chùa làng Nành là như thế. Đó là ngày ôn lại những giá trị sống cho những người đến hội. Chúng ta tin rằng mỗi ngôi chùa cổ của ông cha để lại đều có những tích chuyện dù khác nhau nhưng đều thấm thía nhân văn như thế. Chùa làng, hội làng không chỉ là nơi vui chơi gặp gỡ thông thường mà còn là nơi hội tụ những giá trị lớn về văn hóa của đất nước và mỗi chúng ta cần trân trọng.