Cả hai quốc gia Việt Nam và Azerbaijan tuy không lớn về diện tích, nhưng đều có bề dày lịch sử và tinh thần kiên cường, dũng cảm trước các thế lực ngoại xâm. Dẫu có khoảng cách lớn về địa lý, song các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam và Azerbaijan đã nỗ lực vun đắp, xây dựng, củng cố tình đoàn kết hữu nghị bền chặt.
Điều dễ nhận thấy Việt Nam và Azerbaijan có nhiều điểm tương đồng về văn hóa. Phải chăng, văn hóa là cầu nối gắn kết 2 quốc gia ở hai khu vực xa xôi: Đông Nam Á và Tây Nam Á, Nam Kavkaz? Phải chăng sự tương đồng về văn hóa đã làm nên tình đoàn kết hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Azerbaijan vốn đã có truyền thống từ lâu đời.
Cộng hòa Azerbaijan là một quốc gia nằm bên bờ biển Caspian (Nam Kavkaz), tiếp giáp với các nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ... Azerbaijan có vị trí địa chiến lược quan trọng ở vùng Nam Kavkaz. Là đất nước sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu khí, Azerbaijan còn có tiềm năng lớn về du lịch. Trong những năm qua, khu vực phi dầu mỏ dần trở thành nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng và phát triển nền kinh tế quốc dân; tỷ trọng khu vực phi dầu mỏ tăng từ 48%-70% trong GDP và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Khai thác và lọc dầu, sản xuất các chế phẩm dầu mỏ, chế tạo thiết bị lọc dầu, hoá chất và hoá dầu, sản xuất sắt thép, dệt may vẫn là những ngành công nghiệp chủ chốt của Azerbaijan.
Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Azerbaijan được tổ chức trọng thể tại Phủ Tổng thống - Cung Zugulba ở thủ đô Baku. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Azerbaijan và Việt Nam là hai quốc gia đa dân tộc với nền văn hóa truyền thống giàu bản sắc, đó là nền văn học đồ sộ; nền văn hóa dân gian độc đáo (lễ hội truyền thống, điệu múa dân gian, nhạc cổ truyền…); kiến trúc đan xen hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; nhiều di tích lịch sử - văn hóa gắn với tiềm năng du lịch núi, biển… Và đặc biệt tố chất con người của hai đất nước là sự thông minh, cần cù, nhân hậu, khoan dung, sáng tạo… thể hiện trên nhiều lĩnh vực văn hóa, thể thao. Nhiều đại kiện tướng quốc tế xuất hiện trong thi đấu môn cờ vua quốc tế.
Cũng như Việt Nam, Azerbaijan là đất nước có nhiều di sản văn hóa - lịch sử. Kể từ năm 2000, Cung điện Shirvanshah (thế kỷ XV), Tháp Maiden được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới thì Azerbaijan càng được nhiều người biết tới và nhiều du khách đã đặt chân tới khám phá, thưởng thức vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn của quốc gia thuộc vùng Kavkaz, nằm trên ngã tư đường giữa Đông Âu và Tây Á.

Một góc Cung điện Shirvanshah. Ảnh: Internet
Đến Azerbaijan, du khách ấn tượng với nhiều di sản văn hóa – lịch sử, đặc biệt là 10 di sản văn hóa nổi tiếng mang vẻ đẹp độc đáo là: Quảng trường Fountain, Cung điện Shirvanshah, phố cổ Inner, Tháp Maiden, núi lửa bùn, Thành phố Lankaran, Núi Caucasus, Đền lửa Ateshgah, Qobustan. Trong số những điểm du lịch hấp dẫn thì thành phố duyên hải Baku - thủ đô nước Cộng hòa Azerbaijan, trung tâm văn hóa lịch sử, bến cảng lớn nhất trên bờ biển Caspi sở hữu nhiều di sản văn hóa nổi tiếng nhất. Biển Caspi hào phóng cùng các dòng chảy của mình đã ưu đãi để tạo nên một kiệt tác Baku.
Đó là phố cổ Inner với những kiến trúc cổ đẹp như một phương Đông huyền bí (được xây dựng vào thế kỷ XIX) đậm nét châu Âu. Một trong số điểm ấn tượng nhất trong khu phố cổ là Cung điện Shirvanshah (xây dựng từ thế kỷXV) được UNESCO công nhận là di sản thế giới có kiến trúc độc đáo 26 phòng không có cửa chứa trong đó rất nhiều sự bí ẩn.
Ngôi đền Ateshgah là vùng đất của ngọn lửa thiêng có từ thế kỉ XVII. Từ nguồn khí tự nhiên âm thầm trong lòng đất đã cháy bùng ngọn lửa thiêng hàng ngàn năm không tắt. Từ năm 1975, Ateshgah đã trở thành Bảo tàng Quốc gia Ateshgah.

Một phần không gian Bảo tàng ngoài trời Gobustan. Ảnh: Internet
Bảo tàng ngoài trời Gobustan nổi tiếng thế giới về nghệ thuật chạm khắc đá cổ đại là kho tàng vô giá của Azerbaijan. Di sản văn hóa này gồm hơn 4000 bức tranh có niên đại từ 12.000 năm.
Quảng trường Fountain là trái tim của thủ đô Baku. Xung quanh Quảng trường là trung tâm thương mại, dịch vụ lớn, là điểm đến dừng chân của du khách mỗi khi đặt chân tới thành phố Baku.
Tòa nhà Chính phủ với sức chứa khoảng 5.500 người do chính quyền Xô viết xây dựng có tên là Cung điện Baku Xoviet. Năm 1991, nơi đây đã trở thành trụ sở của nhiều tổ chức, công ty và sau đó được trùng tu để thành nơi làm việc của các tổ chức, cơ quan nhà nước.
Tháp Maiden (Tháp Trinh nữ) là một địa danh nổi tiếng nhất nằm dọc theo bờ biển Baku. Nền móng của tháp Maiden đã có từ thế kỷ VI-VII, nhưng phải đến thế kỷ XII phần chính của tòa nhà mới hoàn thành. Tòa tháp có hình dạng rất đặc biệt, bao gồm một hình trụ lớn nối liền với vài phần của một bức tường hình thang. Từ trên đỉnh tháp, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Baku với bến cảng, những sườn đồi, mặt biển trong xanh…
Núi lửa phun bùn (Tây Nam Baku) chưa trong một hồ khổng lồ dưới lòng đất. Ngoài bùn, núi còn phun lên cả các chất khí khác như: metan, khí cacbon, nitơ. Các loại khí này thỉnh thoảng "hợp tác" với nhau gây nổ và tạo thành ngọn lửa bắn lên khỏi mặt đất. Có thời điểm núi lửa phun bùn cao tới 200m.
Bảo tàng Dệt ở thủ đô Baku chứa hơn 13.300 tác phẩm trưng bày liên quan tới ngành dệt. Dệt là một trong những ngành nghề thủ công lâu đời của Azerbaijan. Nhiều tác phẩm dệt công phu được trưng bày tại Bảo tàng.
Ngoài ra, có một số di sản văn hóa nằm ngoài thành phố Baku. Nổi bật là Qobustan - một bảo tàng ngoài trời nổi tiếng "độc nhất vô nhị" với khoảng 4.000 bức tranh được khắc từ khoảng 12.000 năm trước. Những bức vẽ này miêu tả rất đầy đủ, sinh động cuộc sống sinh hoạt và những tập quán của con người trong thời kỳ đó, như: cư dân cổ chèo thuyền; đàn ông đang săn bắt linh dương, bò rừng; phụ nữ nhảy múa… Hiện những bức tranh được bảo tồn rất tốt.
Thành phố Lankaran tọa lạc trên bờ biển Caspi, giáp với biên giới Iran ở phía Nam, vùng này được biết đến nhiều là nhờ có những bãi biển cát vàng, các dòng suối khoáng và nhiều vườn hoa công viên với rất nhiều loài động vật, thực vật sinh sống ở đó. Lankaran cũng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bởi đất đai ở đây phì nhiêu, màu mỡ và khí hậu ôn hòa.
Đền lửa Ateshgah là vùng đất của ngọn lửa thiêng được xây giống kiểu lâu đài. Đây là một cấu trúc tôn giáo được giao lưu, tiếp biến hai nền văn hóa Ấn Độ và Azerbaijan. Đền lửa Ateshgah đã được trùng tu và trở thành bảo tàng năm 1975. Mỗi năm có khoảng 15.000 khách du lịch đã tới tham quan bảo tàng này.
***
Văn hóa dân gian Azerbaijan và Việt Nam có nhiều điểm gần gũi. Dịch giả Thúy Toàn chia sẻ "Azerbaijan tuy là nước nhỏ nhưng có lịch sử lâu đời và một nền văn học đồ sộ. Tôi mong muốn có thêm nhiều tác phẩm văn học Azerbaijan sẽ được dịch sang tiếng Việt".

Đại biểu dự Hội thảo "650 năm sinh nhà thơ Nasimi" năm 2019, chụp ảnh với ngài Đại sứ Anar Imanov (thứ 7 trái sang)
Tựa như văn hóa Việt Nam "tháng Giêng là tháng ăn chơi", người Azerbaijan cũng thường có kỳ nghỉ lớn vào đầu mùa Xuân. Thành phố Baku và nhiều thành phố ở Việt Nam có điểm giống nhau là có nhiều tuyến phố đông đúc khách du lịch, nhiều nhà hàng, quán cà phê... Đường phố Baku khá sạch sẽ, được quy hoạch bài bản và đẹp theo phong cách Tây Âu, nhất là Pháp. Khu quần thể Trung tâm Heydar Aliyev (mang tên cố Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan) được xây dựng với kiến trúc hoành tráng và khác biệt. Kiến trúc cổ điển kiểu Tây Âu rất phổ biến ở thủ đô của Azerbaijan. Đi trên đường phố cổ Baku mà có cảm giác tựa như phố cổ Việt Nam.
Chúng ta sẽ tìm thấy nhiều nét tương đồng của thủ đô Hà Nội và thủ đô Baku đều là hai thành phố xanh - sạch - đẹp với nhiều phong cảnh thiên nhiên hấp dẫn, đan xen hài hòa nhiều công trình kiến trúc cổ có tuổi đời hàng ngàn năm vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa mang phong cách kiến trúc phương Tây hiện đại. Những di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới của hai nước: Di sản Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Cố đô Huế… của Việt Nam; Tháp Maiden, Cung điện Shirvanshah của Azerbaijan.
Nhìn những người thợ làm các nghề thủ công truyền thống ở những ngôi làng trong ở thành phố Lankaran dệt thổ cẩm, làm đồ trang sức… chúng ta có liên tưởng đến các nghệ nhân ở các làng dệt thổ cẩm Văn Giáo (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang); Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận); GLar (huyện Đắc Đoa, Gia Lai)...
Văn hóa Việt Nam và Azerbaijan có một điểm chung nổi bật là sự coi trọng gia đình và tôn vinh phụ nữ. Ở Azerbaijan, gia đình có vị trí rất đặc biệt. Cũng giống người Việt Nam, người Azerbaijan có tinh thần cộng đồng cao, truyền thống tôn trọng người cao tuổi, cha mẹ và chăm sóc con cái. Coi gia đình là tế bào của xã hội, người Azerbaijan sống gần gũi với gia đình. Mọi thành viên trong gia đình cùng hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc. Tính dân chủ là một tiêu chí. Vì thế, các quyết định lớn nhỏ trong gia đình, con cái đều được bàn bạc và cùng đưa ra giải pháp quyết định. Đây là điểm khác với thanh thiếu niên phương Tây.
Cũng như văn hóa Việt Nam, tính cộng đồng, cộng cảm là một đặc điểm nổi bật, thế nên mỗi dịp lễ lớn, người Azerbaijan thường dành nhiều thời gian sum họp cùng gia đình. Điều đó cũng chung tâm lý của người Việt Nam, nhất là dịp Tết đến, Xuân về, đều mong ước đoàn viên, đoàn tụ. Người Việt Nam xa xứ đều cố gắng về thăm quê vào dịp đó. Giá vé máy bay vào dịp Tết vì thế phải đăng ký rất sớm. Thêm nữa, coi trọng mái ấm gia đình và sự thủy chung là điểm chung của cả hai nước: "Chồng em áo rách em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người" (Ca dao Việt Nam). Gia phong, gia đạo, gia huấn là điểm tương đồng trong văn hóa của hai quốc gia rất rõ. Người Azerbaijan nói "bề dưới phải lễ phép với bề trên" cũng giống như người Việt Nam răn dạy: "Trên kính, dưới nhường", "Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con".

Tạp chí Di sản văn hóa số đầu tiên của Azerbaijan bằng tiếng Việt
Azerbaijan là quốc gia từ rất sớm đã trao quyền bình đẳng chính trị cho phụ nữ, thậm chí trước cả một số quốc gia châu Âu. Phụ nữ ở Azebaijan đã được công nhận bình đẳng với nam giới và có quyền bầu cử từ năm 1918 (phụ nữ Hoa Kỳ có quyền đầu phiếu theo hiến định vào năm 1920). Kể từ đó, phụ nữ Azerbaijan thực hiện vai trò tích cực trong đời sống chính trị của đất nước.
Cũng như Việt Nam, phụ nữ Azerbaijan được đánh giá cao ở vai trò gìn giữ truyền thống gia đình, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Trong tổng số lao động có trình độ cao của Azerbaijan, nữ chiếm 59%, nam chiếm 41%. Ở Việt Nam, phụ nữ luôn có ý thức học tập nâng cao trình độ và đó là yêu cầu tất yếu của nền kinh tế tri thức tiến tới bình đẳng giới trong xã hội hiện nay. Việt Nam có nhiều tấm gương phụ nữ vừa có trình độ cao, vừa là nhà quản lý giỏi, vừa là người vợ, người mẹ mẫu mực. Đến nay, ngày càng có nhiều phụ nữ Azerbaijan và Việt Nam tham gia các hoạt động xã hội, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Còn nhớ, sau Hội thảo về chủ đề này, ngài Tham tán văn hóa của Đại sứ quán nước Cộng hoà Azerbaijan nói với tôi: "Tôi rất ấn tượng với bài tham luận rất kỳ công của bà tại Hội thảo tương đồng văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Azerbaijan. Bà cho phép tôi được sử dụng bài trình chiếu của bà trong thời gian tôi ở Đại sứ quán tại Việt Nam và tôi sẽ mang về nước Cộng hoà Azerbaijan của tôi. Cảm ơn bà!".
***
Thành lập tháng 7/2014, đến ngày 26/9/2014, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và văn hóa Azerbaijan (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) chính thức ra mắt. Ý tưởng thành lập Trung tâm được hình thành từ khi có Đại sứ quán Cộng hòa Azerbaijan tại Hà Nội và được hiện thực hóa sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan IIham Aliyev (5/2014). Theo Quyết định số 266/QĐ-LHHVN ngày 07/4/2021 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Trung tâm có tên là Trung tâm Khoa học, Văn hóa và Lịch sử Azerbaijan - Center for Azerbaijani Science, Culture and History (CASCH) và ngày 27/4/2021 Bộ Khoa học Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ số A-2370 cho Trung tâm.

Cán bộ Trung tâm dự Lễ kỷ niệm ngày sinh ngài Heydar Aliyev (10/5/1923-10/5/2021) - lãnh tụ dân tộc Azerbaijan tại Đại sứ quán nước Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam
CASCH được thành lập với mục đích nghiên cứu tìm ra những nét tương đồng về văn hóa, lịch sử giữa Việt Nam và Azerbaijan để làm tiền đề cho giao lưu văn hóa và hợp tác toàn diện giữa 2 quốc gia; kết nối những người Việt Nam yêu mến và quan tâm văn hóa - lịch sử Azerbaijan với những người Azerbaijan yêu mến và quan tâm văn hóa - lịch sử Việt Nam; cầu nối giúp cho học sinh Việt Nam có cơ hội được học tập và làm việc tại Azerbaijan...
Ngay sau khi thành lập, Trung tâm đã có nhiều cuộc làm việc với cán bộ Đại sứ quán, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tạo bước đột phá mới trong quan hệ giữa 2 nước đã được lãnh đạo dày công vun đắp, tiếp tục được củng cố và phát triển mạnh mẽ.