Mùa phim Tết 2024 vừa qua chứng kiến 2 thái cực trái ngược hoàn toàn của điện ảnh Việt. Mai của Trấn Thành vượt mốc 400 tỷ đồng chỉ sau 12 ngày, phá hàng loạt kỷ lục phòng vé và nhăm nhe đoạt danh hiệu tác phẩm điện ảnh Việt doanh thu cao nhất mọi thời của Nhà Bà Nữ thiết lập năm ngoái. Ngược lại, một số dự án nội địa khác lại nhận lại trái đắng khi phát hành cùng thời điểm, với doanh thu lẹt đẹt trên dưới 1 tỷ đồng.
Mai của đạo diễn Trấn Thành thống trị phòng vé Tết năm nay.
Phòng vé Tết vẫn là miếng bánh béo bở nhưng không phải ai cũng có phần
Dịp Tết Nguyên Đán từ lâu đã là mùa cao điểm với các nhà làm phim Việt. Đây là thời điểm nhu cầu xem của khán giả cả nước tăng vọt vì kỳ nghỉ lễ dài. Nhiều đạo diễn xem đây là cơ hội để phát hành những dự án tham vọng của mình với hy vọng đạt doanh thu khủng. Cùng với đó, không thiếu các dự án ra đời với tâm lý “ăn xổi”, lợi dụng sự dễ dãi của một bộ phận khách hàng trong dịp năm mới.
Mùa phim Tết năm nay có 4 tác phẩm điện ảnh Việt cùng ra rạp gồm Mai, Gặp Lại Chị Bầu, Sáng Đèn và Trà. Trong đó, dự án của Trấn Thành cho thấy sự thống trị tại phòng vé và cả hiệu ứng truyền thông. Tác phẩm phá hàng loạt kỷ lục phòng vé như doanh thu ngày mở màn, doanh thu trong ngày, tốc độ đạt mốc trăm tỷ nhanh nhất… của phòng vé Việt. Tốc độ bán vé của phim hiện đang tốt hơn Nhà Bà Nữ và có cơ hội lập mốc doanh thu mới 500 tỷ đồng nếu tiếp tục duy trì được độ nóng cho đến hết tháng 2.
Bên cạnh chiến thắng vang dội của Mai, 3 tác phẩm còn lại đều không để lại nhiều dấu ấn về mặt doanh thu. Sau 13 ngày phát hành, theo số liệu từ Box Office Vietnam, Gặp Lại Chị Bầu đứng thứ 2 với 70 tỷ, thành tích không tệ nhưng vẫn khiêm tốn so với một tác phẩm chiếu Tết. 2 tác phẩm còn lại là Sáng Đèn và Trà đều ngậm ngùi xin rút khỏi rạp và đổi lịch phát hành vì không thể cạnh tranh suất chiếu, chỉ đạt doanh thu xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Lần đầu tiên có hai bộ phim Việt xin rút khỏi rạp trong dịp Tết.
Doanh thu phòng vé năm nay khởi sắc hơn đôi chút so với năm ngoái. Tuy nhiên, phim Mai chiếm hơn 80% thị phần trong bối cảnh không có nhiều đối thủ cạnh tranh. Một nửa thị phần còn lại thuộc về Gặp Lại Chị Bầu trong khi các bom tấn quốc tế khác đều tỏ ra lép vế.
Sáng Đèn được khen về chất lượng nhưng nội dung lại bị nhận xét không hợp với khán giả dịp Tết. Phim khai thác câu chuyện về đoàn cải lương Viễn Phương trong giai đoạn vất vả để tìm lại hào quang xưa cũ. Việc thiếu vắng các ngôi sao phòng vé cũng khiến phim khó cạnh tranh với những dự án thương mại ra mắt cùng thời điểm.
Ngược lại, Trà của đạo diễn Lê Hoàng bị nhiều người ví như “thảm họa” đầu tiên của điện ảnh Việt năm nay. Phim bị chê có nội dung nhảm nhí cùng nhiều cảnh nóng thừa thãi. Dù có nhiều yếu tố gây sốc để thu hút sự chú ý từ công chúng, tác phẩm thất bại trong việc lôi kéo khán giả đến rạp vì không tạo được hiệu ứng truyền miệng tích cực.
Ngày càng ít đất cho các bộ phim nhảm nhí, ra đời như để đánh lừa khán giả dễ dãi
Việc hai phim Việt vượt các bom tấn quốc tế để đứng đầu doanh thu là một tín hiệu tích cực. Điều này như một minh chứng cho việc khán giả ngày càng quan tâm tới các dự án điện ảnh của nước nhà. Đây là cơ hội để các nhà làm phim tiếp tục cho ra đời các tác phẩm mới, hướng tới những cột mốc doanh thu kỷ lục trong tương lai.
Có thể thấy, kết quả cuộc đua phim Tết năm nay cũng là bằng chứng rõ nét về sự thay đổi trong xu hướng xem phim của khán giả. Đã qua cái thời công chúng ra rạp và chọn bừa 1 tác phẩm bất kỳ để giết thời gian trong những ngày đầu năm mới. Ngày càng ít đất cho các bộ phim nhảm nhí, được sản xuất như để đánh lừa những khán giả dễ dãi, không tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định mua vé.
Dù có nội dung vui tươi và lồng ghép một số thông điệp nhân văn về tình mẫu tử, Gặp Lại Chị Bầu phần nào chưa thoát khỏi mô-típ một bộ phim hài kiểu cũ thường ra mắt trong dịp Tết mỗi năm, không đem lại nhiều sự mới mẻ. Vì lẽ đó, dự án của đạo diễn Nhất Trung khó tạo sự bùng nổ về doanh thu như kỳ vọng.
Về thất bại của Sáng Đèn và Trà, 2 dự án này đều có những vấn đề riêng dẫn đến việc phải sớm bỏ cuộc trong cuộc đua phòng vé. Đầu tiên, nội dung của các tác phẩm này đều bị đánh giá không quá phù hợp với đối tượng khán giả dịp Tết, thường ưa chuộng những bộ phim có đề tài về gia đình, bạn bè hay tình yêu.
Từ hiện thực đó, các nhà làm phim càng cần chọn lựa đề tài, thể loại một cách kỹ lưỡng hơn nếu không muốn nhận cái kết đắng. Thiết nghĩ, sự thanh lọc này là cần thiết để tạo ra sự phát triển bền vững của nền điện ảnh nước nhà. Tư tưởng “sợ phim Việt” khi ra rạp ở các năm trước đã dần biến mất nhưng cần thêm nhiều tác phẩm chất lượng để đem đến sự đa dạng về lựa chọn cho người xem.