Ngày 31/10 vừa qua, thành phố Đà Lạt chính thức được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực âm nhạc. Đặc biệt, đây cũng là thành phố sáng tạo âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam, với những triển vọng khá đặc biệt.

Cần nhắc lại, mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) xuất hiện từ năm 2004, gắn với việc bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của các thành phố ở các quốc gia, cũng như nhấn mạnh đến các mục tiêu phát triển bền vững.

Trước khi Đà Lạt được UNESCO ghi danh, mạng lưới UCCN có 61 thành phố trong lĩnh vực âm nhạc, trong đó có 27 thành phố tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ và 10 thành phố tại khu vực châu Á  - Thái Bình Dương.

Cơ hội đặc biệt

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, khi Việt Nam có được một thành phố gia nhập mạng lưới UCCN về âm nhạc như trường hợp Đà Lạt, chúng ta sẽ có cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp âm nhạc dựa trên tính kết nối địa phương và kết nối toàn cầu. Thực tế, nhiều thành phố trên thế giới đã có sự phát triển đáng kể về lĩnh vực này khi gia nhập mạng lưới sáng tạo âm nhạc của UCCN.

Một buổi biểu diễn âm nhạc ở Đà Lạt

Bà Phạm Minh Hồng, Quản lý nghệ thuật của Hội đồng Anh cho biết, việc tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo là ưu tiên của Vương quốc Anh. Và Belfast, thủ phủ của Bắc Ireland đã xây dựng, triển khai những chiến lược phát triển một cách mạnh mẽ và thực tế khi trở thành thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc năm 2021.

"Chỉ vài tháng sau khi có được danh hiệu, đô thị này đã thành lập ban phát triển thành phố âm nhạcvới vai trò đầu mối kết nối tất cả các bộ phận có liên quan - trong đó có cả các cơ quan nhà nước về thương mai, văn hóa, du lịch. Từ đó, thành phố được kỳ vọng phát triển một cách toàn diện với một mạng lưới có sự kết nối với nhau" - bà Hồng nói.

Tại Hàn Quốc, trường hợp của thành phố âm nhạc Daegu (gia nhập UCCN năm 2017) cũng là ví dụ tiêu biểu. Sau khi gia nhập, Daegu đã có nhiều sáng kiến để trở thành một thành phố opera và nhạc cổ điển duy nhất tại Hàn Quốc.Cụ thể, Daegu được định hình là "thành phố của lễ hội và nghệ thuật biểu diễn" trong hiện tại và tương lai với nhiều liên hoan âm nhạc nổi bật như: Liên hoan Opera quốc tế Daegu, Liên hoan Nhạc kịch quốc tế Daegu, Liên hoan Giao hưởng quốc tế...

bieudien-16993149852441294663052.jpg

Một tiết mục biểu diễn tại Liên hoan Opera quốc tế Daegu

Cùng với đó, Daegu cũng đưa ra những sáng kiến về các chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách văn hóa giữa các tầng lớp xã hội và hỗ trợ nghệ thuật. Các nguồn lực cơ sở hạ tầng và con người cũng được Daegu đầu tư mạnh tay với 170 địa điểm biểu diễn nghệ thuật, 11 sân khấu biểu diễn với 1.000 chỗ ngồi và 1.300 chuyên gia văn hóa và nghệ thuật. Ngoài ra, hợp tác toàn cầu về âm nhạc cũng được Daegu chú trọng khi kết nối với 27 thành phố bạn bè từ 13 quốc gia trên thế giới.

Cũng theo PGSNguyễn Thị Thu Phương, việc trở thành 1 thành viên của UCCN sẽ giúp các thành phố có khả năng hiện thực hóa những cơ hội hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa được điều chỉnh.

Với phân tích của bà Phương, khi cơ chế, chính sách chung vẫn còn những hạn chế, việc thực hiện điều chỉnh cơ chế chính sách ở phạm vi nhỏ - cụ thể là ở một thành phố sáng tạo - luôn dễ thực hiện hơn. Đồng thời, việc kết nối với mạng lưới quốc tế cũng giúp các thành phố dễ dàng triển khai các hoạt động hướng tới phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Festival âm nhạc quốc tế Langbiang là một ý tưởng quan trọng để có thể biến Đà Lạt trở thành một tâm điểm tại Việt Nam về âm nhạc, đồng thời tạo ra được một nền công nghiệp âm nhạc mang tính chuyên nghiệp ở đây.

Giấc mơ về "tâm điểm" của âm nhạc Việt Nam

Với trường hợp Đà Lạt, theo PGS Nguyễn Thị Thu Phương, việc gia nhập UCCN sẽ giúp xây dựng một thương hiệu mới dựa trên nền tảng phát huy tài nguyên âm nhạc đa dạng của thành phố và đưa dòng chảy âm nhạc xuyên suốt thế kỷ, trở thành nhân tố đóng góp thiết thực vào các mục tiêu phát triển bền vững của Đà Lạt.

Đồng thời, mục tiêu, triết lý và cam kết toàn cầu của UCCN phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của Đà Lạt, để thành phố này trở thành một nơi con người sống hòa hợp với thiên nhiên, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy đồng thời đa dạng văn hóa và đa dạng sinh học.

"130 năm về trước, Đà Lạt được người Pháp quy hoạch theo hướng phát triển bền vững. Đó cũng là thời điểm những loại hình âm nhạc của phương Tây đến với Đà Lạt. Ở đây, người Pháp cũng rất tôn trọng âm nhạc bản địa. Sau này, Đà Lạt vẫn như một vùng đất có tính chữa lành và ít chịu ảnh hưởng mạnh từ chiến tranh như những vùng đất khác" - PGS Phương cho biết.

trinhcongson-1699314985251765369111.jpg

Trịnh Công Sơn (thứ 2 từ trái qua) và bạn trên đồi Cù, Đà Lạt. Ảnh: Tư liệu

Bà nói thêm: "Thực tế, cũng phải có những lý do đặc biệt để Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, và nhiều cặp đôi nghệ sĩ chọn Đà Lạt là nơi để sáng tác và cống hiến? Theo tính toán chưa đầy đủ của chúng tôi, có khoảng hơn 300 bài hát viết về Đà Lạt và nhiều bài hát Việt Nam được sáng tác tại Đà Lạt".

Trong quá trình xây dựng hồ sơ, một số sáng kiến nổi bật được đề nghị triển khai sau khi Đà Lạt gia nhập UCCN gồm có các dự án di sản âm nhạc của tương lai, triển khai giáo dục âm nhạc vì cộng đồng, xây dựng và củng cố các không gian văn hóa và sáng tạo tại thành phố. Ở góc độ quốc tế, đó là sáng kiến tổ chức các lễ hội như Thanh âm đại ngàn, Hòa âm Cồng chiêng Đông Nam Á, Festival âm nhạc quốc tế Langbiang.

Riêng với Festival âm nhạc quốc tế Langbiang - một sáng kiến đến từ nhà sản xuất, nhạc sĩ Quốc Trung, PGS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng đây là một ý tưởng quan trọng để có thể biến Đà Lạt trở thành một tâm điểm tại Việt Nam về âm nhạc, đồng thời tạo ra được một nền công nghiệp âm nhạc mang tính chuyên nghiệp ở đây.

Theo đó, Festival âm nhạc quốc tế Langbiang dự kiến trở thành lễ hội âm nhạc lớn nhất của Đà Lạt, tổ chức 2 năm 1 lần, kéo dài 1-2 tuần tại các không gian trong thành phố với sự hợp tác của chính quyền địa phương, tư nhân, nghệ sĩ quốc gia và quốc tế, cũng như cộng đồng. Chương trình nhằm thúc đẩy các hoạt động sáng tạo trong cộng đồng và trở thành cầu nối đưa các ý tưởng và thực hành âm nhạc đến gần hơn với công chúng. Và đây cũng là nơi để chia sẻ kinh nghiệm, thực hành âm nhạc quốc tế đến từ các thành phố sáng tạo âm nhạc trong mạng lưới.

Từ triển vọng của Đà Lạt, PGS Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định: "Chúng ta không làm những thứ chung chung. Hãy bắt đầu từ những việc làm cụ thể, từ những thành phố cụ thể, lúc đó mới tạo ra một điều gì đó cụ thể, tạo ra một sự phát triển thực sự cho một ngành công nghiệp âm nhạc mà chúng ta đều mong chờ ở Việt Nam".

Âm nhạc - "sợi dây" kết nối Đà Lạt

Theo các chuyên gia tham gia xây dựng hồ sơ gia nhập UCCN cho Đà Lạt, âm nhạc được thể hiện xuyên suốt lịch sử phát triển của thành phố, là sợi dây kết nối cộng đồng các dân tộc, các thế hệ công dân tại đây.

Cụ thể, âm nhạc đã trở thành một phần sinh kế của người dân với 5 đơn vị tổ chức sự kiện, 8 đơn vị doanh nghiệp hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, 30 quán cà phê, phòng trà, quán bar và các nhóm cá nhân hoạt động nghiệp dư.

Đặc biệt, người dân của Đà Lạt hầu như ai cũng có thể đánh đàn, ca hát. Dân ca, dân vũ, dân nhạc vừa là một phần đời sống, vừa là một phần của du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho các nhóm dân tộc thiểu số ở đô thị này.

(Còn tiếp)

Góc nhìn 365: Âm nhạc Việt Nam 'bừng nở' cuối năm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022