Nền văn hoá đại chúng Nhật Bản, bao gồm cả tiểu thuyết, anime lẫn điện ảnh luôn có những tác phẩm có đề tài độc đáo và có cái nhìn sâu về bản thể đối với con người và xã hội đương thời. Parasyte/Kiseiju (Ký Sinh Vật) dựa trên manga cùng tên của tác giả Iwaaki Hiroshi phát hành năm 1988, nay được dựng lại trên màn ảnh rộng với diễn viên bằng xương bằng thịt ở bối cảnh thời hiện đại được đánh giá là một trong những live-action hay nhất trong mặt bằng chung, mang đến cho người xem trọn vẹn những ý nghĩa mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm gốc mà vẫn giữ được giá trị hiện đại.

b1-1491408825427.png

Nguyên tác truyện tranh "Kiseiju"

Một tác phẩm cài cắm nhiều giá trị triết học

Parasyte nhiều người có thể hiểu là một phim triết học. Trong đấy tổng hợp các chi tiết thể hiện triết lý của nhiều môn tư tưởng khác nhau. Về bề nổi thì có thể dễ dàng thấy có mặc cảm Oedipe (Freud), thuyết luân lý và đạo đức luận của Hume, bản chất của sự phi lý (Albert Camus), và cả một phần vấn đề hiện sinh nữa. Điện ảnh Nhật vốn có sở trường xoáy sâu vào nghiên cứu bóc tách bản chất sự tồn tại của con người. Chúng ta tồn tại vì lý do gì? có mục đích nào không?

Những anime kinh điển nhất đã đứng ra làm người tiên phong đặt dao mổ vào lớp da của con quái vật đang thiếp thủ - "hiện sinh", soi rọi vào những góc khuất mà luân lý và dòng chảy xã hội bỏ qua, không nhìn thấy. Hai người tiên phong xuất sắc nhất là Neon Genesis Evangelion và Akira. Những gì mà không ai khác nghĩ tới hoặc dám nghĩ tới thì người Nhật dám. Không có rào cản hay các giới hạn nào tồn tại trong nền điện ảnh Nhật cả.

Diễn xuất và kết cấu trong phim cũng không được chính thống như quy chuẩn điện ảnh của phần còn lại của thế giới. Người Nhật có kiểu diễn xuất của riêng họ bởi vì lối ứng xử đời thường của người Nhật cũng khác biệt sẵn rồi. Diễn xuất "tốt" nhất phim thực ra lại là con ký sinh được làm bằng kỹ sảo. Phim của họ cũng có mạch phim và cách lồng nhạc rất tuỳ ý và kỳ quặc. Họ tự gây dựng, tự định nghĩa những quy luật điện ảnh của riêng mình. Lần gần đây nhất họ định đồng nhất phong cách của mình với thế giới, họ đã gây dựng luôn cả một nền văn hoá đại chúng đặc sắc và kinh điển cho phương Tây. Clint Eastwood thực ra cũng chẳng khác gì phiên bản kém soái khí hơn của Toshiro Mifune. Hàng tá kỹ thuật điện ảnh ngày nay người Mỹ sử dụng là thừa hưởng lại của Akira Kurosawa.

b-2-1491408857974.jpg

Triết gia Albert Camus

Quay lại với Parasyte, bộ phim mang hơi thở hiện sinh này vẫn nói ra các vấn đề của thể xác với tâm hồn. Bàn tay phải của Shinichi bị ký sinh ngoài hành tinh chiếm đoạt và mang đầy những suy nghĩ phi nhân tính trong khi bộ não của anh luôn tìm cách kháng lại và bảo vệ lý tính con người. Điều này tượng trưng cho xung đột giữa thể xác với lý trí trong Dualism (thuyết nhị nguyên).

Theo thuyết này, người ta gợi ý rằng bộ não có một tiềm lực và sức mạnh nào đấy cao siêu hơn nhiều và vượt ra khỏi tầm thể xác. Loài ký sinh không có quy tắc không ăn thịt đồng loại, nhưng lại không có khả năng sinh sản. Điều này ném bọn chúng vào nghịch lý của sự tồn tại. Ngay từ đầu bọn chúng đã không được trang bị bất kỳ quy tắc đạo đức nào rồi và điều này đẩy chúng đến tự diệt vong. David Hume tin rằng đạo đức là cảm giác được sinh ra từ kinh nghiệm.

Vấn đề tồn vong bắt buộc loài cộng sinh này cần tìm đến các quy tắc và giới hạn cho mình. Albert Camus định nghĩa cái phi lý là một cái khoảng trống to tướng, tức cười giữa mong muốn và thực tại. Ông cho rằng bản thân đời sống là phi lý bởi cái vực thẳm giữa ý nghĩa và kế hoạch mà chúng ta đầu tư vào cuộc đời của chúng ta và sự dửng dưng đầy chế nhạo của cái vũ trụ phi lý. Con ký sinh trùng trú ngụ trong cơ thể giáo viên Tamiya đã nhận thức được sự phi lý của sự tồn tại của mình đầu tiên nhờ trải nhiệm mang thai. Shinichi có cha mất sớm và được nuôi dưỡng bao bọc bởi mẹ từ nhỏ. Bởi vậy cậu thiếu đi bản lĩnh và sự vững chãi mà đáng ra những đứa trẻ bình thưởng được thừa hưởng bởi người cha.

Cách dạy con trong trứng trong nước của mẹ Shinichi tạo cho cậu ta nhân cách yếu đuối và nhút nhát. Shinichi tuy rất thân thiện với cô bạn Saitomi nhưng vẫn không nhận ra tình cảm của mình. Trong đầu cậu ta lúc nào cũng có hình bóng của người mẹ bao bọc mình từ nhỏ. Đây là một ca mặc cảm Oedipe rõ ràng.

Giá trị nhân văn sâu sắc và niềm tin vào tính bản thiện của loài người

Không chỉ hám chứa những lý thuyết triết học được thừa hưởng lại đơn thuần, Parasyte còn là một tác phẩm nhân văn và cảm động về bản tính thiện trong mỗi con người. Ban đầu khi dung hoà cơ thể với Migi, Shinichi là người cảm thấy mình bị ký sinh trùng xâm chiếm và mất dần nhân tính. Nhưng cuối cùng, chính cậu đã cảm hoá tên ký sinh trùng vô cảm và lôi Migi lại gần hơn với bản tính thiện. Ký sinh trùng ẩn mình trong cơ thể cô giáo Tamiya ban đầu chỉ định coi việc mang thai và làm mẹ như một thí nghiệm. Cuối cùng cũng sanh lòng cảm thương với đứa con mình chia da sẻ thịt đẻ ra. Phát sinh tình cảm với cậu bé như một người mẹ thực thụ.

b3-1491408880205.jpg

Tamiya và đứa trẻ

Việc loại bỏ nguồn gốc và lý do ký sinh trùng xâm nhập vào trái đất nhằm mục đích tạo ra nghịch lý về sự tồn tại của loài ký sinh, tạo điều kiện cho chúng ta quan sát sự phát triển của một giống loài từ lúc bắt đầu trong tự nhiên là như thế nào. Cuối cùng như ta thấy, với ký sinh trùng, câu trả lời về một cuộc sống bình yên còn quan trọng hơn câu trả lời về nguồn gốc ra đời của chúng. Chúng đã có những khát vọng làm người thực thụ. Cô bạn Saitomi có niềm tin kiên định vào bản chất lương thiện của Shinichi và cô ấy đã đúng. Parasyte tuy bóc trần bản chất "con" của loài người những vẫn ẩn chứa giá trị nhân văn sâu sắc, có niềm tin mạnh mẽ vào sự chiến thắng của phần "người" trong cội rễ của nhân loại.

Phản ánh xã hội Nhật Bản

b4-1491408899956.jpg

Xã hội Nhật đầy rẫy những vấn đề

Xã hội Nhật Bản trong vài thập kỷ gần đây phải đối mặt với những vết thương đang tróc vảy sinh ra từ sự phát triển. Sự đi lên của xã hội đồng nghĩa với những vấn đề mới ngày một xuất hiện nhiều hơn. Những câu lạc bộ tự tử, khu rừng tự sát, tuyệt tự không sinh con, ngại kết hôn ngày một nhiều. Xã hội thực dụng lên ngôi cùng chủ nghĩa tiêu dùng hư ảo va chạm với những giá trị truyền thống của Nhật khiến người ta mất niềm tin vào cuộc sống và bắt đầu đặt ra những nghi hoặc cho sự tồn tại của mình. Đó là mảnh đất tươi sốp để những suy ngẫm triết học nảy mẩm.

Những bộ phim mang màu sắc triết học xô nhau ra đời và tràn ngập những hoài nghi và suy tư của cuộc sống. Có thể kể đến các ví dụ như Mushi-Shi, Texhnolyze, The Tatami Galaxy và tác phẩm ăn khách cách đây không lâu Psycho-Pass. Không biết điều này chỉ là trùng hợp hay thực sự có liên quan gì đến việc kinh tế Nhật Bản đã đứng yên 10 năm trở lại đây không, nhưng có thể người Nhật đã bắt đầu dừng lại để giành rất nhiều thời gian suy ngẫm về sự tồn tại của mình so với xã hội. Vấn đề liên quan đến nuôi dưỡng và phụ huynh xuất hiện trong phim Nhật Bản rất nhiều. Người Nhật nhận thức được điều này, nhưng họ không sao thoát khỏi nó. Họ không thể ngăn mình khỏi nghĩ rằng mình sẽ lại trở nên giống như cha mẹ mình sau khi sinh con. Điều này giải thích vì sao điện ảnh Nhật Bản lại cực kì xuất sắc trong việc thể hiện các triết lí sinh tồn trên màn ảnh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022