Vì được giới thiệu là siêu phẩm kế thừa một tác phẩm kịch tính đột phá như Bad Genius (Thiên Tài Bất Hảo), nên Brother of the Year (Ông Anh "Trời Đánh") có thể khiến bạn bất ngờ. Không giống như kỳ vọng, nó là một câu chuyện gia đình khá bình thường, không quá choáng ngợp như "người anh em" cùng công ty đã khuynh đảo phòng vé Việt hồi năm ngoái.

brotherposter-15289783557141513453684-15309486413121844518865-15311413907871765205066.jpg

Đây là phim về tình anh em, hay tình yêu với truyện tranh Nhật Bản?

Phim có thể tóm tắt ngắn gọn như sau: Xưa kia, có một người phụ nữ Thái Lan yêu một người đàn ông Pháp; sinh ra hai đứa con, một trai một gái. Trai tên Chut (Sunny Suwanmethanont thủ vai), thuở nhỏ vô dụng toàn tập, đi học toàn ăn điểm F; lớn lên thì bớt vô dụng đi một tí vì cũng có công ăn việc làm ổn định tại một công ty quảng cáo. Gái tên Jane (Yaya Urassaya thủ vai), hoàn hảo từ trong ra ngoài từ ngoài từ ngoài vào trong, đi học toàn được điểm A; lớn lên đi du học Nhật Bản 4 năm rồi về làm ở một công ty Nhật Bản có chi nhánh tại Thái Lan.

Tại đây, cô gặp một anh đẹp trai lai Thái - Nhật tên Moji (Nichkhun thủ vai). Moji và Jane vừa gặp nhau là yêu nhau luôn. Nhưng duyên thắm tình nồng chưa được bao lâu, hai tháng sau, do một biến cố mà Chut vô tình gây ra, Moji bị điều về Nhật. Anh ngỏ lời muốn cưới Jane và đưa cô về Nhật sinh sống. Anh cầu hôn lần một, Jane không đồng ý vì mọi việc diễn ra quá nhanh. Ít lâu sau, anh cầu hôn lần hai, ngọt ngào hơn và "soái ca" hơn, nên cô ưng liền. Vấn đề là, Jane ưng nhưng anh trai cô không ưng. Chut khuyên em gái là đừng đi, nhưng cô cứ đi và thế là tình anh em tan vỡ.

brother-of-the-yearbehind-the-scenes04-1528978452187873732696-1530948669308786389772.jpg

Sở dĩ phải tóm tắt từ đời bà mẹ, vì vấn đề "con lai" là một vấn đề vô cùng quan trọng trong phim. Ba nhân vật chính của chúng ta đều là con lai, và chuyện này cũng được nhắc đi nhắc lại suốt cả phim như sợ khán giả... quên mất.

Nếu không liên quan đến chuyện giao lưu văn hóa, thì chắc hẳn phải có ít nhất một người trong đoàn làm phim là fan của truyện tranh Nhật Bản. Bởi thứ nhen nhóm sự chia rẽ giữa hai anh em là quyển truyện tranh, rồi chính quyển truyện tranh đó lại là vật hàn gắn mối quan hệ của họ.

Các chi tiết gợi nhớ đến văn hóa truyện tranh cũng được "nhồi nhét" khắp phim và đôi chỗ nó gượng ép đến mức kịch bản phim phải thêm vào một số nhân vật hay tình tiết rất "giời ơi đất hỡi" để nó tự nhiên hơn. Ví dụ như nhân vật cô bạn của Jane ở cửa hàng hoa, được thêm vào có lẽ chỉ để có bối cảnh cửa hàng hoa và để cô Jane được mặc tạp dề trông hộ cửa hàng giúp bạn như thiếu nữ truyện tranh. Bối cảnh sân bóng chày nơi Moji quen Jane (rồi sau này cầu hôn Jane) cũng như để thỏa mãn giấc mơ ngày bé của hầu hết "hiệp hội otaku". Chuyện cô Jane đi mổ mắt lasik cũng thế, tạo cảm giác vô cùng chắp vá, như thể cô đi mổ mắt chỉ để úp hai cái đồ bảo vệ lên mắt và để anh Moji chọc là "Em trông giống Kamen Rider quá đi!".

brother-of-the-yearbehind-the-scenes07-1528978547501365801593-15309486900671530983876.jpg

Những chi tiết "hoa lá" này có thể được bỏ qua nếu tuyến truyện chính của Ông Anh Trời Đánh được phát triển tốt. Tuy nhiên, đoàn làm phim không làm được như vậy. Các tình huống mang tính bước ngoặt đều hời hợt (ví dụ chuyện Chut lỡ lời khiến Moji bị điều về Nhật, chuyện Chut lén uống bia trong giờ làm nên bị đuổi), còn các nhân vật thì dường như "dậm chân tại chỗ" suốt cả phim. Sự làm hòa của hai nhân vật ở kết phim không làm người xem thấy thỏa mãn, vì nó chẳng khác gì cảnh họ làm hòa trước lễ cưới của Jane. Bởi gốc rễ vấn đề là ở Jane chứ không phải ở Chut. Gốc rễ này không được giải quyết, vì cho đến phút cuối, Jane vẫn ra vẻ cao cả và ban ơn, còn Chut vẫn không thôi dằn vặt và mặc cảm.

Mông lung như một trò đùa, nhưng lại là trò đùa không vui

Ông Anh Trời Đánh được giới thiệu là một phim biết cân bằng giữa yếu tố hài hước và cảm động. Quả thật là như vậy, vì hai yếu tố này đều thấp như nhau.

brother-of-the-yearbehind-the-scenes05-1528978585609385590349-153094871446786640804.jpg

Xem phim, khán giả có thấy một chút hài hước, một chút cảm động; nhưng phủ trùm lên tất cả là cảm giác mông lung. Đơn cử như tình hình tài chính của gia đình Jane - Chut. Ban đầu phim tạo ra cảm giác họ rất giàu có và sang trọng, nên khi đến một chi tiết "nghèo khó" là Jane bắt gặp cái áo cũ có thêu tên mình đè lên tên Chut (vì ngày bé cô thường phải mặc lại đồ của anh) thì người xem vô cùng hụt hẫng. Chắc giàu sang thì khó mà làm cho xúc động nên biên kịch phải tạo ra một chi tiết "lạc quẻ" thế chăng? Xem thêm một lúc thì cũng gặp được một câu nói gián tiếp giải thích là mẹ của Jane và Chut là một người keo kiệt, nhưng điều khó hiểu là bà mẹ keo kiệt chuyện quần áo nhưng lại thuê hẳn một ngôi nhà lớn và đầy đủ tiện nghi trên Bangkok cho hai anh em sinh sống? Ngôi nhà này về sau Jane mua lại được chỉ sau vài tháng về nước. Là do giá cả nhà đất ở Bangkok quá rẻ, hay Jane kiếm được quá nhiều tiền?

brother-of-the-yearbehind-the-scenes09-1528978609865639312765-15309487327741506154810.jpg

Chuyện tình giữa Jane và Moji cũng vô cùng mông lung. Vì phim tên là "Ông Anh Trời Đánh" chứ không phải "Tình Yêu Sét Đánh" nên cũng có thể bỏ qua chuyện mối quan hệ của hai người này được phát triển quá nhanh. Nhưng phát triển đến đoạn Moji cầu hôn Jane lần hai (ở chỗ mổ mắt lasik) thì khó mà "nuốt trôi". Nhớ lại lần cầu hôn thứ nhất, Moji rủ Jane về Nhật cùng anh nên Jane không đồng ý. Lần thứ hai này thì anh rút kinh nghiệm, bảo là Jane không cần về Nhật cùng anh nữa, anh sẽ ở lại Thái với cô. Cô đồng ý liền. Như vậy, ta đã đinh ninh là hai người sẽ cưới nhau và ở lại Thái, nhưng "đùng một cái", khi họ trình bày với Chut, kế hoạch của họ lại là về Nhật. Chut bất ngờ một thì khán giả bất ngờ mười. Không hiểu hai người đã thống nhất lại với nhau lúc nào và tại sao lại như thế? Ngoài việc cố gắng để tạo tình huống xung đột thì có lẽ chẳng có lý do nào có thể biện minh cho sự vô lý này.

brother-of-the-yearbehind-the-scenes01-1528978410258615509284-15309487542791078337342.jpg

Ông Anh Trời Đánh có đùa, nhưng lại đùa không hề vui. Phim sử dụng nhiều âm thanh để "mồi" cảm xúc khán giả, ví dụ những tiếng "tùng tùng xèng" như các chương trình hài trên TV, hay những bài hát lâm li bi đát được bật lên khi nhân vật đang lâm vào tình trạng đáng cười. Witthaya Thongyooyong đã tận dụng rất tốt yếu tố âm nhạc để tấu hài trong hai phim trước đây ông đồng đạo diễn là My Girl (2003) và The Little Comedian (2010); nhưng lần kế thừa này của ông là một sự thất bại. Duy nhất một chi tiết lặp lại được cái hài duyên dáng này là cảnh Chut tranh giành quyển truyện với em, và bài hát "The Best Big Brother" (Người anh tuyệt nhất) được bật lên. Còn lại, cũng như những yếu tố khác của bộ phim, âm nhạc tỏ ra vô cùng gượng gạo trong nỗ lực chọc cười khán giả.

Trailer "Ông Anh Trời Đánh"

Nói chung, Ông Anh Trời Đánh là một sản phẩm giải trí gia đình nhẹ nhàng. Nếu bạn không quá khó tính, hoặc là fan của điện ảnh Thái Lan, hoặc là fan truyện tranh Nhật Bản, hoặc là đứa con một luôn khát khao có thêm một ông anh, bà chị hay đứa em nào đó, thì đây là một bộ phim đáng để trải nghiệm. Chỉ là đừng quá hi vọng rằng nó là một "siêu phẩm", hay thậm chí là "siêu phẩm kế thừa Thiên Tài Bất Hảo" bởi như thế là khoác lên chiếc áo chùng quá khổ cho bộ ba Chut - Jane - Moji.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022