15 năm trước muốn mua vé Người vợ ma phải đặt trước cả tuần, nửa tháng, có người coi đi coi lại mấy lần vẫn còn thích thú.
Minh Luân là một nghệ sĩ đa năng, anh vừa có thể đóng kịch, đóng phim, ca hát, nay lại hợp tác đầu tư với NSND Hồng Vân gầy dựng Sân khấu kịch Hồng Vân-Chợ Lớn (TP.HCM). Chính anh đã phục hồi vở Người vợ ma với những cái mới phả vào thật hiệu quả. Vẫn với đường dây dàn dựng cũ của đạo diễn Thái Hòa, nhưng lần này Minh Luân lại ra tay “đạo diễn” thêm một chút nữa với sự xen lẫn của điện ảnh, thể hiện những điều mà sân khấu không làm được, minh họa rõ hơn, phong phú hơn cho câu chuyện.
Những cảnh phim dàn dựng công phu từ diễn xuất cho tới ánh sáng, âm nhạc, kỹ xảo, tạo sự hấp dẫn và rợn người. Những đại cảnh như toàn bộ khuôn viên căn nhà, sân vườn. cầu thang… nhờ màn hình mà hiện lên rất đẹp, chi tiết, đã “cứu” cho sân khấu nhỏ không thể thiết kế đầy đủ. Khán giả thỏa mãn phần nhìn, xem ra thú vị.
Ốc Thanh Vân (Thủy) và Hữu Tín (A Sửu) trong vở Người vợ ma ẢNH: H.K |
Còn lại phần cốt lõi sân khấu vẫn hấp dẫn người xem vì bản thân kịch bản đã hay rồi. Và Ốc Thanh Vân trở lại với vai diễn xuất sắc của mình 15 năm trước. Thật lạ, cô đào này vẫn xinh đẹp y như xưa. Thanh Vân trong vai Thủy, người vợ của Tâm (Minh Luân), đã diễn đầy nội lực với nhiều tâm lý phức tạp, vừa đáng thương vừa đáng trách, lúc hiền dịu ngọt ngào, lúc dữ dội hận thù, lúc chan hòa nước mắt khổ đau, lúc đáng sợ như một bóng ma thực sự… Chính nhân vật này đã làm nên giá trị cho câu chuyện, khiến nó vượt trội hơn tất cả những kịch bản kinh dị khác.
Đạo diễn không khai thác quá nhiều sự hù dọa, mà tập trung vào nội tâm con người khi sống trong tình yêu thương. Người chồng không trân trọng Thủy, chỉ xem cô như một “cascadeur” cho người vợ đã mất, phủ nhận tất cả những gì của riêng cô trao tặng. Yến, đứa con 12 tuổi cũng vậy, lúc nào cũng nhớ về người mẹ đã khuất mà quên đi sự chăm sóc của mẹ kế. Thủy đau trong sự cô đơn vì cái bóng của người vợ cũ che hết những nỗ lực của cô. Những người trong gia đình chỉ làm những gì liên quan tới quá khứ, từ nấu món ăn, cho tới trang phục, bày trí, đồ chơi… Vì vậy Thủy đã trả thù bằng cách nhát ma bé Yến để mọi người phải sợ hãi mà bỏ hết hình ảnh người vợ cũ ra khỏi căn nhà. Cuối cùng âm mưu bị lật tẩy, Thủy phải trả giá cho hành động của mình.
Xem xong vở Người vợ ma, chợt nhận ra hạnh phúc ngay trong hiện tại, dù vẫn tiếc thương quá khứ nhưng cũng đừng phủ nhận hiện tại, phải biết trân trọng và nắm bắt những thứ bên cạnh mình. Bóng ma ở đây là bóng ma của vô tâm, của lơ là, hờ hững với nhau, và của sự ghen tuông, ích kỷ nữa. Ai trong gia đình này cũng có một bóng ma trong lòng mình.
Minh Luân ngoại hình đẹp, sáng sân khấu, diễn rất tốt vai người chồng. Bé Yến đã từng làm nên vai diễn ấn tượng của nghệ sĩ Kim Huyền, nay đã tìm được một gương mặt mới cũng non trẻ, ngây thơ, là Trúc Anh, học trò của NSND Hồng Vân, diễn thật đáng yêu.
Và ấn tượng duyên dáng nhất chính là Hữu Tín trong vai A Sửu, một nhân vật mà Thái Hòa đã khai thác thành công rực rỡ. Thay vị trí cho Thái Hòa, xem ra Hữu Tín vẫn không thua kém, với lối diễn hài quá duyên, quá nhanh nhạy. Anh có nhiều “miếng” riêng của mình, khiến khán giả cười như nắc nẻ. Cười mà không đếm nổi bao nhiêu lần. Người ta “mê” A Sửu là có thật, cứ mong mau tới lớp A Sửu xuất hiện. Người vợ ma lần này chắc chắn đem lại sôi nổi cho sân khấu sau một mùa dịch uể oải.