Tết 2025 đánh dấu sự thành công của các sân khấu tại TP.HCM khi nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả. Không chỉ mang đến tiếng cười sảng khoái, các vở kịch còn để lại dấu ấn sâu sắc với nội dung ý nghĩa, mang lại những trải nghiệm nghệ thuật đáng nhớ.
Thời tiết đẹp, ấm áp ở TP.HCM cũng là một lợi thế dịp để người dân tận hưởng không khí lễ hội. Kịch Tết 2025 tập trung vào chất hài, nhẹ nhàng, vui tươi, phù hợp với tâm lý khán giả mong muốn giải trí sau một năm làm việc căng thẳng.
Từ tâm điểm hài hước
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: "Kịch Tết thường nghiêng về hài vì đây là thời điểm khán giả tìm kiếm niềm vui, sự thư giãn. Không khí xuân vui tươi cùng nhu cầu giải trí nhẹ nhàng khiến kịch hài được ưa chuộng hơn cả. Kịch Tết không chỉ mang lại tiếng cười mà còn gắn kết các thành viên gia đình, dễ tiếp cận mọi lứa tuổi nhờ nội dung đơn giản, gần gũi".
"Tuy nhiên, dù là hài, kịch vẫn cần đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản và diễn xuất để tránh cười gượng hoặc quá lố. Một vở kịch Tết thành công phải vừa mang lại tiếng cười chân thật, vừa để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả".
Vở hài “Cái gì vui vẻ thì mình ưu tiên” trên sân khấu IDECAF. Ảnh: H.K
Năm nay, các sân khấu lớn nhỏ đều tung ra những tác phẩm hài đầy màu sắc. Sân khấu IDECAF với Cái gì vui vẻ thì mình ưu tiên và Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài ngoại truyện. Sân khấu Thiên Đăng gây ấn tượng với 13 đức thầy, Cô giáo Duyên, Duyên thệ. Sân khấu 5B mang đến Đẹp bất chấp và Tía ơi con lấy chồng. Sân khấu Thế Giới Trẻ trình diễn Anh trai say ai, Đại náo thành Bombay. Sân khấu Hồng Vân không kém phần hấp dẫn với Thân sâu hồn bướm, Hậu cung ngoại truyện và Đứt dây tơ chùng. Sân khấu Trương Hùng Minh có Cầu dừa đủ xài, Lẹ lẹ trễ phà, Bỗng dưng trúng số, Ngày mai người ta lấy chồng. Sân khấu Quốc Thảo trình diễn Đám cưới bên cồn và Những kẻ dị mộng mơ. Nhà hát Thanh Niên cũng góp mặt với Lạc lối ở Bangkok, Đại hội yêu quái 7 con yêu nhền nhện, Tung hoành Pattaya, Thanh Xà Bạch Xà ngàn năm tỉnh mộng…
Đây đều là những vở hài kịch với đủ mọi bối cảnh từ xã hội đến cổ trang, đủ sức đáp ứng mọi sở thích của khán giả yêu thích vui vẻ trong những ngày đầu năm.
Không chỉ dừng lại ở mảng hài, các sân khấu cũng dành không gian cho thiếu nhi với những vở diễn như Cây bút thần và Trạm cứu hộ động vật của sân khấu 5B, Hành tinh nâu của sân khấu Quốc Thảo, hoặc sân khấu Ban Mai với Tết ơi Tết à. Các vở này đều được đầu tư bài bản từ cảnh trí đến âm nhạc, trang phục lộng lẫy hứa hẹn mang đến món ăn tinh thần thú vị cho các bạn nhỏ.
Đồng thời, mảng kịch kinh dị cho khán giả ưa thích cảm giác mạnh cũng không bị bỏ quên với Căn phòng câm lặng và Người vợ ma (sân khấu Hồng Vân), Escape Room - Căn nhà ma quái và Tâm ma (sân khấu Thế Giới Trẻ). Tuy vậy, hầu hết tác phẩm vẫn nhấn mạnh vào tiếng cười, tập trung khai thác câu chuyện và tâm lý nhân vật, tránh hình ảnh ghê rợn, chất kinh dị được pha loãng với hài hước, lãng mạn để phù hợp với không khí Tết.
Vở thiếu nhi “Cây bút thần” trên sân khấu 5B. Ảnh: H.K
Phá bỏ định kiến sân khấu Tết "chỉ cần hài"
Trong khi hầu hết các sân khấu chọn hướng đi an toàn với hài kịch, Hoàng Thái Thanh lại khẳng định vị thế riêng bằng việc dựng bi kịch suốt mười mấy mùa Tết qua vở Tóc mai sợi vắn sợi dài. Đạo diễn Ái Như lý giải rằng, dù Tết gắn liền với tiếng cười, nhưng chính kịch và bi kịch vẫn có vai trò quan trọng. "Khán giả không chỉ cần tiếng cười mà còn mong muốn được chiêm nghiệm, đồng cảm qua những tác phẩm có chiều sâu. Chính kịch và bi kịch mang lại sự cân bằng trong trải nghiệm nghệ thuật, giúp người xem suy ngẫm về cuộc sống, tình yêu, gia đình và giá trị nhân văn" - Ái Như chia sẻ.
Vở “Tóc mai sợi vắn sợi dài” trên sân khấu Hoàng Thài Thanh, bi kịch duy nhất trong mùa Tết 2025. Ảnh: H.K
Theo Ái Như, việc dựng chính kịch hoặc bi kịch vào dịp Tết là cách phá bỏ định kiến "Tết chỉ cần hài". Nghệ thuật phải đa dạng, không bị giới hạn bởi thời điểm hay hoàn cảnh. Bà nhấn mạnh: "Nghệ thuật không chỉ phục vụ tiếng cười mà còn nuôi dưỡng tâm hồn. Dù là Tết, chúng ta vẫn cần những tác phẩm chạm đến trái tim, giúp khán giả nhìn lại chính mình và cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống".
Quan điểm này đã nhận được sự đồng tình từ nhiều nghệ sĩ và khán giả. Vì vậy, bên cạnh hài kịch, các sân khấu khác vẫn dành chỗ cho chính kịch. Chẳng hạn Chuyến đò định mệnh của Thiên Đăng thấm đẫm triết lý sâu sắc, Ông già đoàn lô tô của Thế Giới Trẻ đậm đà tình người trong nghịch cảnh xã hội, hoặc Bồ công anh của sân khấu 5B đề cập vấn đề giới tính một cách đầy nhân văn.
Và hình ảnh miền quê Nam bộgần gũi
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, các sân khấu kịch TP.HCM cũng thường ưu ái khai thác hình ảnh miền quê Nam bộ với sông nước, đồng lúa, mái nhà tranh, xuồng ba lá và cuộc sống dung dị của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Những yếu tố này không chỉ gợi nhớ về một miền quê thanh bình, mà còn khơi dậy ký ức tuổi thơ, tạo cảm giác gần gũi và thân thuộc trong lòng khán giả.
Đặc biệt, trong không khí sum vầy ngày Tết, thời điểm con người hướng về cội nguồn, những hình ảnh này càng trở nên ý nghĩa, phù hợp với tinh thần truyền thống của ngày lễ cổ truyền.
Không chỉ dừng lại ở cảnh vật, các vở kịch còn khắc họa cuộc sống mộc mạc của người dân Nam bộ qua những câu chuyện về tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình và sự hy sinh vì người thân. Sự thân thiện, cởi mở và hào sảng của con người Nam bộ cũng được thể hiện rõ nét, góp phần tạo nên cảm giác ấm áp và kết nối giữa các thành viên trong gia đình khi cùng nhau thưởng thức.
Vở hài “Đám cưới bên cồn” trên sân khấu Quốc Thảo. Ảnh: H.K
Chẳng hạn vở Cái gì vui vẻ thì mình ưu tiên của IDECAF, yếu tố hài hước được lồng ghép khéo léo qua ngôn ngữ và cách ứng xử dân dã, mang lại tiếng cười sảng khoái, nhưng vẫn giữ được chiều sâu nhân văn. Hoặc Đám cưới bên cồn của sân khấu Quốc Thảo xoay quanh những người độc thân phải đối mặt với áp lực "cưới xin" từ gia đình và xã hội mỗi dịp Tết đến Xuân về. Thân sâu hồn bướm của sân khấu Hồng Vân lại đề cập đến truyền thống về quê ngày Tết cùng dẫn theo người yêu ra mắt. Tục lệ này khiến nhiều người trẻ sinh ra áp lực và kéo theo nhiều tình huống dở khóc dở cười. Cầu dừa đủ xài của sân khấu Trương Hùng Minh thì là lời nhắc nhở về việc bảo tồn văn hoá sum họp gia đình trong ngày Tết, truyền thống đang bị mai một trong giới trẻ. Đây đều là những câu chuyện rất đỗi quen thuộc với thực tế cuộc sống, nay được đưa lên sân khấu bằng ngôn ngữ hài rất dễ tiếp thu và suy ngẫm.
Với nội dung đơn giản, dễ hiểu, kịch Tết không chỉ phù hợp mọi lứa tuổi, mà còn giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu. "Miền quê Nam bộ luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là trong dịp Tết" - nghệ sĩ Đình Toàn chia sẻ. Chính sự dung dị, gần gũi và đậm chất nhân văn đã khiến hình ảnh miền quê Nam bộ trở thành lựa chọn hàng đầu trên các sân khấu mỗi mùa Xuân về.
Giá trị nhân văn song hành
Mùa kịch Tết 2025 đã đi qua với những thành công rực rỡ. Các suất diễn đều cháy vé, thậm chí phải thêm ghế phụ để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Sự kết hợp giữa tiếng cười hài hước, duyên dáng và những thông điệp nhân văn nhẹ nhàng đã tạo nên sức hút đặc biệt.
Bên cạnh đó, kịch mục cũng rất phong phú với nhiều loại hình bối cảnh, pha trộn với các yếu tố kinh dị, xuyên không, đồng thời không quên chính kịch cho khán giả yêu thích sự sâu sắc. Đây chính là minh chứng cho sự đa dạng và sức sống mãnh liệt của nghệ thuật sân khấu.
NSND Mỹ Uyên tâm sự: "Mỗi năm, nghệ sĩ chúng tôi có một mùa Tết là bận rộn nhất, cũng là doanh thu nhiều nhất. Nhưng dù thế nào thì vẫn cố gắng giữ chuẩn mực của sân khấu, không dám chạy theo thị trường dễ dãi. Bởi không chỉ diễn Tết, mà những vở này có thể diễn lai rai suốt nhiều tháng nữa, thì vẫn là bộ mặt của sân khấu, cho nên phải quan tâm kỹ lưỡng. Ngay cả vở thiếu nhi thì sau Tết cũng diễn được tới Hè luôn, mình phải đầu tư đàng hoàng".
Với nội dung đơn giản, dễ hiểu, kịch Tết không chỉ phù hợp mọi lứa tuổi, mà còn giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu.