"Nhà thơ Trần Hữu Thung đã để lại 2 tác phẩm lớn, một là tác phẩm bằng ngôn ngữ trong thơ, trong văn và chính cuộc đời ông cũng là một tác phẩm.
Ông là con người bình dị, chân thực, thẳng thắn, mãnh liệt và đầy dâng hiến" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ tại lễ ra mắt sách Trăm năm Trần Hữu Thung (NXB Nghệ An) được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Đây là tuyển tập dày hơn 500 trang được chia làm 2 phần. Phần 1: Trần Hữu Thung - Tác phẩm tuyển chọn, gồm những tác phẩm thơ, bút ký, tiểu luận tiêu biểu. Phần 2: Nhớ Trần Hữu Thung, gồm những bài viết, bài thơ đặc sắc của các văn nghệ sĩ viết về Trần Hữu Thung.
Một sự song hành đẹp đẽ
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, con người Trần Hữu Thung và tác phẩm của ông là một sự song hành đẹp đẽ. Những bài thơ của ông đã viết cách đây rất lâu, rất xa, nhưng khi ta đọc lại vẫn sẽ tìm được trong đó những giá trị nhân văn cao cả và những tiếng nói kỳ diệu của cá nhân ông, của thời đại ông, đóng góp cho nền văn học cách mạng một cách rực rỡ nhất.
Nhà thơ Trần Hữu Thung thời trẻ
"Ông là người đã đi theo và luôn luôn chung thủy với cách mạng, ông đã sáng tạo trên tư tưởng, tinh thần đó. Những bài thơ Thăm lúa, Anh vẫn hành quân và nhiều bài thơ khác của Trần Hữu Thung cho thấy một vùng đất, một lịch sử, một văn hóa của nơi ông sống, đặc biệt là vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Và hơn hết, đọc lại Trần Hữu Thung để thấy một thời đại đầy đủ nhân cách, trí tuệ và sự trong sáng".
Cũng theo ông Thiều, đến hôm nay, cho dù bằng thi pháp, bằng sự đổi mới nào của văn chương thì chúng ta vẫn phải quay về nhìn lại những giá trị của thời đại Trần Hữu Thung và những đồng nghiệp của ông đã sống. Để rồi, những nhà văn của thế hệ sau củng cố lại tư thế và tâm thế trước một thời đại quá nhiều thách thức. Những thách thức không chỉ về sáng tạo nghệ thuật, mà cả về tư cách sống của mỗi nhà văn.
"Tôi đã từng được gặp nhà thơ Trần Hữu Thung và được nghe những câu chuyện của gia đình, của đồng nghiệp, của bạn bè, của những người dân vùng xứ Nghệ kể về ông. Ông là một nhân vật đặc biệt trong một vùng đất đặc biệt. Ông đã làm ra những vẻ đẹp đặc biệt trong sáng tạo thi ca, cũng như trong đời sống của chính ông".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại lễ ra mắt sách “Trăm năm Trần Hữu Thung”
Bởi thế, nghĩ về Trần Hữu Thung không chỉ nghĩ về những giá trị thi ca và sáng tác văn học, mà chúng ta còn nghĩ đến giá trị sống mà một người như ông đã để lại. "Những giá trị của Trần Hữu Thung trong sáng tác cũng như trong tư cách sống không dừng lại ở thời đại của ông. Những giá trị đó đã vượt qua những thời đại khác và đến hôm nay, nếu nhìn sâu vào đó để đối chiếu với đời sống thực tại, chúng ta thấy những sáng tạo và tư cách sống của ông vẫn còn nguyên giá trị cho con người đương đại" - Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
"Trong thâm cảm tôi, Trần Hữu Thung là một tấm gương sáng, là một văn bản sống đầy quyến rũ, đầy thuyết phục và đầy gợi mở cho những nhà văn trong thời đại hiện nay" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Sống nghèo nhưng giàu trí tuệ, tình cảm
Nhớ về Trần Hữu Thung, nhớ về người anh thân quý thuở sinh thời, nhà văn Trình Quang Phú mang đến một hình dung rất mực đời thường, qua những mẩu chuyện thú vị tại lễ ra mắt sách vừa rồi.
Là lớp đàn em của Trần Hữu Thung, Trình Quang Phú cho biết, từ những năm 1960 - 1975, ông may mắn có nhiều thời gian, điều kiện gần gũi, giao lưu với tác giả Thăm lúa.
Nhà văn Trình Quang Phú (trái) và nhà thơ Trần Hữu Thung
Ông Phú kể: "Từ những năm 1960, tôi bắt đầu viết những bài ký đầu tiên. Tôi nhớ có bài ký về sông Đà đưa cho anh Thung đọc nhân một dịp về Nghệ An. Khi ấy, anh Thung đã phân tích những chỗ yếu và những chỗ mạnh của tôi. Năm ấy, tôi mới chừng 20 tuổi. Anh Thung nói rằng: "Các cậu còn rất trẻ, lăn vào cuộc sống như thế là rất tốt. Bài viết của cậu có rất nhiều chất sống, nhưng phải nâng chất văn học lên, mà muốn nâng chất văn học lên thì phải đọc nhiều". Đó là lời đầu tiên anh dặn dò mà tôi nhớ mãi. Những bước đi đầu tiên vào đời văn của tôi, anh Thung là một trong những người anh, những người thầy sâu sắc nhất".
Ông Phú và ông Thung còn có duyên trong nhiều chuyến đi chung. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm không phai, và cho đến giờ, hình ảnh người anh chân chất năm nào vẫn in đậm trong ông.
Ông Phú kể tiếp: "Những năm 1960 - 1961, bố tôi khi đó đang làm ở Quốc doanh đánh cá Cửa Hội, nên tôi thường về Nghệ An để thăm bố. Lần nào về, anh Thung cũng cùng đi với tôi. Hai anh em đạp xe chừng 14 cây số, cứ rong ruổi khắp nơi".
"Có lần về Cửa Hội, anh rủ tôi vác chiếu ra bờ biển trong đêm trăng ngồi cho mát. Cứ nghĩ chỉ ngồi chơi, nhưng anh nhất định ngủ lại luôn trên bờ biển. Anh bảo: "Ngủ thế ni mới đã". Thế là, anh lấy cái chiếu cuộn tròn lại rồi nằm trên biển, tôi cũng làm theo. Khi trời hừng đông, hai anh em dậy, tôi nhớ mãi câu anh nói: "Hồn đất thấm vào trong lòng mình" - ông Phú nhớ lại.
"Lần khác, anh với tôi đi ra đảo Cát Bà. Sau khi xong việc, anh gợi ý với tôi việc đi xuyên đảo lên xã Hiền Hào để về. Anh nghe nói khi triều xuống, nước chỉ cạn đến rốn, có thể lội để qua Cát Hải. Anh Thung thích kiểu đi dân dã đó".
Tuyển tập “Trăm năm Trần Hữu Thung” (NXB Nghệ An)
"Rồi, chúng tôi đã theo lối mòn, vượt rừng già và mang theo cơm nắm muối vừng ăn cùng nhau ở bên suối để đến Hiền Hào. Nhưng rồi đến nơi nước to quá, không lội qua được, chúng tôi lấy một chuyến đò ngang qua Cát Hải rồi về Hải Phòng. Anh Thung ngồi trên đò cứ tiếc mãi. Anh bảo: "Lội như thế mới dân dã, lội như thế mới nhiều tứ thơ, sống ở thành phố mãi mình khó chịu lắm". Có lẽ với anh Thung, được sống những giờ phút gắn với thiên nhiên như thế cho nhiều cái tứ, cái ý thơ gần gũi với thiên nhiên, với con người".
Với nhà văn Trình Quang Phú, những lời chia sẻ của Trần Hữu Thung trong mỗi chuyến đi đều thấm thía vô cùng. Có lần, Trần Hữu Thung nói: "Con người của mình sinh ra ở làng quê và những tác phẩm đầu tiên của mình cũng là những tác phẩm về làng quê, cho nên bây giờ đến được với những vùng quê là mình thích lắm". Tác giả Anh vẫn hành quân còn nói: "Phú ạ! Dân Việt Nam mình 80% dân quê đấy. Cho nên đừng có vì thành thị mà quên nhà quê".
"Anh Thung là con người sống rất giản dị, dành toàn bộ tình cảm của mình cho nông thôn Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Và anh sống rất nghèo. Nhưng từ cái nghèo đó tôi mới càng thấy cái giàu của anh. Tâm hồn anh rất giàu, trí tuệ anh rất giàu và tình cảm của anh với anh em, bạn bè, đồng chí cũng rất giàu" - ông Phú bày tỏ.
"Mặt trời càng lên tỏ Bông lúa chín thêm vàng Sương treo đầu ngọn gió Sương lại càng long lanh"
Mở đầu bài thơ Thăm lúa, Trần Hữu Thung đã viết như thế, và giờ đây, trăm năm Trần Hữu Thung, ta vẫn thấy cuộc đời và sự nghiệp của ông theo thời gian "lại càng long lanh".
Vài nét về nhà thơ Trần Hữu Thung (1923 - 1999)
Trần Hữu Thung sinh tại xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông là tác giả của gần 20 tác phẩm đã xuất bản, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật đợt I năm 2001.
Ông tham gia cách mạng năm 1945, khi mới 22 tuổi, trở thành Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính, Trưởng Ban Quân sự xã Diễn Minh. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là cán sự văn hóa, cán bộ tuyên truyền thuộc Liên khu IV, rồi phụ trách Chi hội văn nghệ liên khu.
Trần Hữu Thung có những bài thơ nổi tiếng như Thăm lúa, Anh vẫn hành quân… Trong đó, bài thơ Thăm lúa được trao bằng "Lauria" và Huy chương Vàng giải thưởng quốc tế Liên hoan Thanh niên thế giới tại thủ đô Bucharest của Romania, năm 1953.