Một trong những bài thơ được giảng dạy trong cả chương trình tiểu học và THCS hàng chục năm qua là Vàm Cỏ Đông của Hoài Vũ. Bài thơ có sức lan tỏa, lay động khiến nhiều người mặc định nhà thơ Hoài Vũ viết về con sông quê hương ông, dù quê ông ở miền Trung (tỉnh Quảng Ngãi).

Bài thơ Vàm Cỏ Đông hiện được giảng dạy trong Tiếng Việt 3, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo.

Nhà thơ Hoài Vũ

Kỷ niệm xúc động bên sông Vàm Cỏ Đông

* Rất nhiều nhà thơ, nhạc sĩ đã viết về dòng sông quê hương, nhưng nhà thơ Hoài Vũ lại được biết tới với dòng sông Vàm Cỏ Đông ở tỉnh Long An, nơi ông gắn bó khi đi kháng chiến?

- Khoảng 11 tuổi tôi đi thiếu sinh quân, thú thật lúc ấy chưa có nhiều kỷ niệm với quê hương. Tôi có một số bài thơ viết về núi, về quê, nhưng chưa viết về con sông quê tôi. Và với rất nhiều kỷ niệm gắn bó máu thịt, con sông Vàm Cỏ Đông lại trở thành dấu ấn trong thơ tôi. Dấu ấn đậm tới mức rất nhiều người nghĩ rằng quê tôi ở miền Tây Nam bộ, chứ không phải Quảng Ngãi và con sông quê tôi là sông Vàm Cỏ Đông.

Ngoài bài hát Vàm Cỏ Đông, tôi còn có nhiều bài hát, nhiều bài thơ viết về dòng sông này như: Anh ở đầu sông em cuối sông, Thì thầm với dòng sông, Đi trong hương tràm… Nhiều người dân Long An, dân miền Tây coi tôi như anh em đồng hương cả khi chưa gặp mặt. Thú thật, với người nghệ sĩ sáng tác, có sự đồng cảm như vậy rất thích. Khi đi công tác về Long An, Cần Thơ, Bến Tre, Đồng Tháp… tôi được nhận sự quý mến như thể một người con quê hương miền Tây vậy.

Sự quý mến ấy với tôi là một sự đồng cảm sâu sắc, sự trân quý có được nhờ tình yêu chung với một dòng sông, một vùng quê. Nhiều người miền Tây nói lời cảm ơn tôi khi đã đưa dòng sông quê Vàm Cỏ đến với trái tim của nhiều người trên cả nước.

vam-co-1738742616325881444933.jpeg

Trang sách có trích bài thơ “Vàm Cỏ Đông”

* Vậy "Vàm Cỏ Đông" có phải là bài thơ hay nhất của ông không?

- Tôi nghĩ không có ai lại tự nghĩ cách xếp thứ tự những đứa con tinh thần của mình như thế. Bài thơ này được viết từ một kỷ niệm.

Năm 1963, tôi đi công tác ở Long An, vào đúng thời kỳ chiến tranh quyết liệt. Hàng đêm chúng tôi qua sông Vàm Cỏ Đông, tàu giặc lên xuống rộn rịp. Qua sông rất khó khăn, nguy hiểm, anh em phải chờ lóe đèn tín hiệu mới dám qua sông và rất sợ bị phục kích.

Để dẫn đoàn qua sông, có các cô giao liên dũng cảm lắm. Các cô luồn lách trong những đám lục bình, chèo thuyền đưa anh em qua sông, không ngại nguy hiểm. Đêm hôm ấy, khi qua sông lúc 1 - 2h sáng, tôi ngồi trong chòi coi vịt của bà con bên sông. Với một sự xúc động mãnh liệt, tôi làm bài thơ ngay trong đêm.

Qua hôm sau, tôi chép bài thơ thành 2 bản. Một bản bỏ vào túi cho chắc, 1 bản gửi đi. Bài thơ được đăng trên báo, đài, được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc hát trên sóng phát thanh vào năm 1966.

thi-tham-1738742616379399563125.jpeg

Tập thơ “Thì thầm với dòng sông”

* Được biết khi "Vàm Cỏ Đông" được phổ nhạc thành bài hát cùng tên, có thể coi là một "cơn sốt" khi từ Bắc vào Nam đều vang lên tiếng hát về dòng sông đã gắn với không khí chiến đấu anh dũng, nhưng cũng đầy ấm áp, nên thơ của quân và dân lúc bấy giờ?

- Điều này cũng gắn với một kỷ niệm khác của tôi vào cuối năm 1966, cũng trong khi đi công tác ở Long An. Lúc bấy giờ tôi thường mang theo một cái radio nhỏ để nghe. Hôm đó, vào buổi đêm, cũng đi bên sông Vàm Cỏ, tôi tình cờ nghe tiếng hát của ca sĩ Trần Thụ, Tuyết Nhung, tốp ca nữ của Đài tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội hát: "Ở tận sông Hồng em có biết…" và tôi rất xúc động. Đó là kỷ niệm khó quên trong những ngày công tác ở chiến trường Nam bộ.

Lúc bấy giờ, vì đang đi trong vùng giặc chiếm, nên dù rất xúc động, tôi cũng chỉ có thể mở đài vừa phải, đủ nghe, với cảm xúc, sự rung động thật khó kìm nén được. Dù nghe lại chính những lời thơ của mình, nhưng khi được phổ nhạc, được những ca sĩ miền Bắc xa xôi cất lên tiếng hát từ Hà Nội, quả thật, tôi đã xúc động vô cùng.

chia-se-173874261633483217949.jpg

Trong một buổi giao lưu

Còn có một kỷ niệm khác mà tôi cũng nhớ mãi. Đó là khi gặp nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, ông kể, ông nghe bài hát Vàm Cỏ Đông khi đang tải gạo, làm rẫy ở chiến trường Khu 5, cũng trong một chương trình được phát sóng từ miền Bắc vào. Ông đã hỏi đồng đội: "Con sông nào đẹp thế? Ở đâu thế?". Và Phan Huỳnh Điểu đã rất xúc động khi biết dòng sông ấy từ Nam bộ, từ vùng kháng chiến ác liệt, đầy đau thương và anh dũng. "Tôi sẽ viết về dòng sông Vàm Cỏ Đông" - Phan Huỳnh Điểu khi ấy đã nói như thế.

Và quả thật, đúng như thế. Sau đó nhiều năm, Phan Huỳnh Điểu phổ thơ bài Anh ở đầu sông, em cuối sông của tôi. Ông nói rằng, ông thích con sông này từ bài hát Vàm Cỏ Đông nghe từ thời chiến tranh ngày ấy.

"Nhiều người miền Tây nói lời cảm ơn tôi khi đã đưa dòng sông quê Vàm Cỏ đến với trái tim của nhiều người trên cả nước" - Hoài Vũ.

Những chuyện tình, xúc cảm từ trái tim

* Tình yêu trong thơ Hoài Vũ rất đẹp nhưng thường day dứt, không đến được với nhau, mang nhiều hoài niệm… Đó là những câu chuyện tình có thật hay chỉ là tưởng tượng?

- Thật, tôi viết từ những câu chuyện có thật. Đi trong hương tràm viết về cô giao liên tên Lan, là người chăm sóc khi tôi bị thương trong những ngày kháng chiến ác liệt. Hòa bình lập lại, tôi tìm về thăm ân nhân, mới biết rằng cô giao liên năm xưa đã bị bắn chết ngay trong vườn tràm từ thời kháng chiến.

Trước khi đi tìm gặp lại Lan, tôi đi tìm mua 2 chai dầu thơm để tặng em. Người ta chỉ tôi ra mộ. Chỗ Lan nằm, thật xót xa, người em gái giao liên năm xưa bây giờ chỉ là một nấm đất, lá tràm phủ đầy trên mộ. Lúc ấy tôi đã xúc động, thì thầm: Lan ơi, em dậy sớm, rửa mặt, xức dầu thơm anh mua từ Sài Gòn về cho em đây…

ky-hoa-1738742616347501392896.jpg

Hoài Vũ qua nét ký hoạ của Lê Sa Long

Hoặc với bài thơ Chia tay hoàng hôn (nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc thành bài hát cùng tên) cũng được viết từ kỷ niệm có thật. Ngày ấy xe tăng giặc đuổi ở ấp chiến lược. Chúng tôi phải chạy trốn, kêu cửa nhà dân. Bà con rất thương bộ đội giải phóng, mở cửa cho vào.

Chiều hôm sau, tôi rời đi, cô Hạnh (cô gái trong nhà tôi trú lại) sắm cho tôi bộ đồ bà ba trắng, tay xách cuốc, quấn khăn rằn cho tôi, Hạnh xách bị bàng - chúng tôi giả vờ như hai vợ chồng đi làm đồng để qua mắt địch, đi qua đồn bốt. Trước khi chia tay, Hạnh nói, thôi anh đi đi, nhớ về giải phóng sớm quê hương tụi em! Tôi thấy nước mắt em rơi. Khi tôi đi xa, nhìn lại vẫn thấy chiếc nón trắng của Hạnh vẫy vẫy mãi trong nắng chiều hoàng hôn chuyển dần qua tối.

Bài thơ nào của tôi cũng viết từ những câu chuyện xúc động của mình. Với tôi, thơ là máu thịt, rút từ gan ruột, chứ không phải màu mè, tô vẽ. Trong lòng mình nghĩ thế nào, cảm thế nào thì viết ra như thế. Thơ trước hết phải thực sự rung động từ chính mình mới truyền dẫn cảm xúc tới người đọc. Đó phải là câu chuyện của tấm lòng, của trái tim, không thể chỉ tưởng tượng ra rồi dùng những lời hoa mỹ viết nên mà thành thơ được.

* Khi viết những bài thơ đầu tiên, ông có nghĩ mình sẽ trở thành nhà thơ nổi tiếng?

- Không. Lúc ấy, tôi không hề nghĩ đến chuyện muốn làm nhà thơ. Thậm chí, tôi viết ra không phải để có thơ, mà đơn giản là có nhu cầu chia sẻ những câu chuyện, kỷ niệm không thể quên được bằng lời, bằng thơ.

Ngoài thơ, tôi còn viết truyện, viết ký, một phần do tính chất công việc và nhu cầu cần thiết từ chiến trường. Làm thơ, với tôi đơn giản vì đó là thể loại không thể thay thế được bằng thể loại khác. Chỉ thơ mới thể hiện được hết tiếng lòng mình, cảm xúc của mình. Tôi làm thơ không chỉ cho vui, mà là rất thực tế, đó là vì lòng mình cần phải giãi bày, cất lên tiếng nói.

thoi-tre-17387426165901564085169.jpg

Hoài Vũ (ngoài cùng, bên trái) cùng bạn bè văn nghệ sĩ thời kháng chiến ở miền Tây Nam bộ

* Hiện nay nhà thơ Hoài Vũ có còn viết gì ở tuổi 90?

- Thú thật, tôi nhận thấy mình đã lớn tuổi rồi, nên nghỉ ngơi để lớp trẻ vươn lên. Tôi là người gắn bó nhiều với lớp trẻ. Mấy chục năm trước, đi đâu có cơ hội mở trại viết, tôi đều mở trại viết cho thanh niên xung phong, trại viết quân đội, trại viết học sinh, sinh viên… và tôi trông chờ, hy vọng ở đội ngũ viết trẻ. Khi nhận thấy sức mình có hạn, không viết được nữa, thì nên tạm dừng, sẽ có lớp trẻ vươn lên thay thế.

* Cảm ơn nhà thơ đã chia sẻ!

Mảng truyện, ký của Hoài Vũ

"Tôi viết truyện, ký do nhu cầu gắn bó với chiến trường. Chỉ riêng ký về chiến tranh, tôi viết khoảng 50 đến 70 bài. Lúc đó, những tin tức miền Nam gửi ra Bắc rất quan trọng. Những bài ký của tôi được in báo Nhân dân, báo Văn nghệ

Có những bài ký trở thành tư liệu giúp công việc của một số cán bộ, như bài ký viết về những cô gái một địa phương ở Long An, nhờ những chiến công cụ thể của từng người kể trong bài ký mà về sau họ có tư liệu để xác minh thành tích đối với cách mạng.

Còn về văn xuôi, tôi có khoảng 70 - 80 tập truyện, cả sáng tác lẫn dịch thuật. Tuy vậy, nhiều người vẫn nhắc đến Hoài Vũ với vai trò nhà thơ, vì có lẽ, thơ có duyên với truyền thông, truyền hình, có duyên với các nhạc sĩ, được phổ nhạc thành những bài hát có sức lay động trong lòng công chúng, nên có sự lan tỏa rộng" - Hoài Vũ.

Nhà thơ Hoài Vũ - người 'mắc nợ' những dòng sông

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022